Thương mại EU- Trung Quốc: Muốn “đồng sàng” nhưng “dị mộng”
Trong khi thỏa thuận thương mại Mỹ- Trung chưa ngã ngũ, Trung Quốc đã và đang xúc tiến ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh Châu Âu (EU).
Nếu Trung Quốc và EU thống nhất tiến tới ký kết FTA, thì đây sẽ là “trục thương mại” hùng mạnh có thể làm thay đổi phần còn lại của thế giới.
Có lý do để tin tưởng
Trước Hội nghị thượng đỉnh EU- Trung Quốc lần thứ 21 được tổ chức thời gian qua, ít ai nghĩ rằng “lục dịa già” và cường quốc Châu Á có thể xích lại gần nhau như hiện nay, bởi giữa 2 bên còn có quá nhiều dị biệt cả trên lĩnh vực chính trị, kinh tế lẫn ngoại giao.
Bước đệm lớn nhất mà hai bên đạt được là Tuyên bố chung vào phút chót tại Hội nghị Thượng đỉnh EU-Trung Quốc lần thứ 21. Theo đó, cả hai bên đều bày tỏ mong muốn giải quyết mọi khúc mắc trong quá khứ, thậm chí cùng bắt tay hành động.
Sức ép từ phía Mỹ cũng là một trong những nguyên nhân khiến EU và Trung Quốc phải “liên hiệp lại”. Người EU bắt đầu tỏ ra bất đồng với chính sách “đơn phương” của Washington, kể cả liên minh quân sự NATO mà EU đóng vai trò chủ chốt cũng hục hặc về mặt đóng góp kinh phí.
Trong khi mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương đang bị sứt mẻ trầm trọng, Mỹ vẫn muốn “đơn thương độc mã” với khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết”. Lúc này, EU đang rất muốn xoay trục chiến lược hướng về Châu Á để bảo toàn lợi ích của khối.
Hơn nữa, mới đây Mỹ đã làm gia tăng bất đồng thương mại với EU khi áp thuế 7,5 tỷ USD hàng hóa của khối này. Như vậy, ở góc độ nào đó Trung Quốc và EU lúc này có chung “kẻ thù”.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết, các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và EU sẽ đạt được tiến triển mang tính quyết định vào cuối năm nay, cho phép hai bên ký kết một thỏa thuận chất lượng cao vào năm 2020.
Thêm một điểm lợi nữa, đó là cơ chế hợp tác CEEC gồm có 16 nước Trung và Đông Âu với Trung Quốc đang hoạt động rất tốt, đã mở rộng thêm thành viên thứ 17 là Hy Lạp. Cơ chế này có tiếng nói không nhỏ khi Bắc Kinh và Brussels tiến hành đàm phán FTA.
Nếu FTA EU- Trung Quốc được ký kết, sẽ làm thay đổi dòng chảy thương mại giữa hai cực Đông – Tây, đồng thời ảnh hưởng trực diện đến Mỹ và các nước đã ký kết FTA với EU như Việt Nam, Nhật Bản, Singapore.
Có thể bạn quan tâm
Mỹ - Trung đã đạt được một phần thỏa thuận thương mại
12:30, 12/10/2019
Đàm phán Mỹ-Trung khởi sắc: Dấu hiệu của thỏa thuận thương mại?
18:30, 11/10/2019
Thỏa thuận thương mại: "Endgame" của Mỹ và Trung Quốc?
12:15, 02/05/2019
Bài học từ thỏa thuận thương mại Mỹ- EU
16:16, 05/05/2018
Nhưng không dễ thỏa thuận!
EU chiếm hơn 20% thị phần thương mại thế giới và đầu tư trực tiếp nước ngoài, và thu hút hơn 53% hàng nhập khẩu của thế giới, trong đó 72,5% là hàng nông sản xuất khẩu của các nước đang phát triển.
Không kém cạnh, Trung Quốc là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về kim ngạch thương mại; đồng thời là đối tác quan trọng về tính chất và rất lớn về quy mô đối với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới.
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nước này bắt đầu khởi động các cuộc thảo luận về thương mại với EU, đặt nền móng để hai bên có thể đi đến ký kết FTA trong năm 2020.
Trung Quốc và EU tuy là đối tác lớn của nhau, nhưng đang có nhiều bất đồng trong một số lĩnh vực như khoa học, kỹ thuật và sở hữu trí tuệ, trợ cấp công nghiệp. Còn nhớ hồi tháng 4 năm nay, hãng tin AFP cho biết: “Trung Quốc đã từ chối đưa ra cam kết với EU về quyền tiếp cận thị trường của nước này”.
EU đang tìm cách xây dựng “sự hội tụ quan điểm” với Trung Quốc- đối tác thương mại lớn thứ hai của khối, song vẫn còn những sự nghi ngại sâu sắc đối với chủ nghĩa bảo hộ, thực tiễn thương mại và các vấn đề chính trị, xã hội của Bắc Kinh.
Không những thế, Bắc Kinh và Brussels còn mắc mớ nhau về việc cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) - mấu chốt ở trợ cấp công nghiệp, một trong những yêu cầu then chốt của EU nếu muốn “bắt tay” hợp tác lâu dài.
Nhìn toàn cục, Trung Quốc và EU giống như hai hệ thống “bất tương đồng”, nên trong một FTA kiểu mới, không chỉ đề cập đến vấn đề kinh tế mà còn là chính trị, văn hóa, xã hội. EU cứng rắn, nguyên tắc, còn Trung Quốc mang nặng tính hình thức, nên để tìm điểm chung không hề đơn giản!.