Thỏa thuận thương mại: "Endgame" của Mỹ và Trung Quốc?

Cẩm Anh 02/05/2019 12:15

Theo một số nguồn tin mới nhất, thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được vào thứ Sáu tuần tới.

Phái đoàn đàm phán Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp nhau vào tuần tới để tiến đến một thỏa thuận thương mại cuối cùng

Phái đoàn đàm phán Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp nhau vào tuần tới để tiến đến một thỏa thuận thương mại cuối cùng

Vào tuần sau, các quan chức cấp cao Trung Quốc sẽ tới Washington để đàm phán vòng tiếp theo, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin cho biết, sau khi kết thúc các cuộc thảo luận ở Bắc Kinh muộn hơn một chút so với dự kiến.

Giới quan sát đồn đoán rằng cuộc gặp vào tuần tới sẽ là vòng đàm phán cuối cùng để khép lại cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Trước đó, Nhà Trắng thông tin, các cuộc đàm phán mới nhất đã đưa Washington và Bắc Kinh tiến gần hơn đến một thỏa thuận cuối cùng.

Có thể bạn quan tâm

  • Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung có chấm dứt được mâu thuẫn?

    06:00, 18/04/2019

  • Đàm phán thương mại Mỹ - Trung tiến dần đến hồi kết?

    02:05, 15/04/2019

  • Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Biến căng thị trường LNG và đậu nành

    06:00, 05/04/2019

  • Áp lực đang gia tăng cho đàm phán thương mại Mỹ - Trung

    07:33, 03/04/2019

Wu Xinbo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Fudan nhận định, có thể trọng tâm trong tuần tới sẽ là cuộc đàm phán cuối cùng về thuế quan trừng phạt và các thỏa thuận cho chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Mỹ. Điều này rất có khả năng sẽ được quyết định trong chuyến đi của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đến Washington.

"Các vấn đề còn lại không khó giải quyết, vì Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer muốn giữ nguyên thuế quan. Những gì các nhà đàm phán phải làm bây giờ là quyết định những loại thuế quan nào sẽ được giữ lại", chuyên gia này cho biết.

Nếu Mỹ duy trì thuế quan đối với các sản phẩm công nghệ cao của Trung Quốc, nước này có thể sẽ giữ thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp. Mặt khác, trường hợp của bà Mạnh Vãn Chu cũng có thể sẽ được thảo luận, vì chính Tổng thống Trump đã đề cập đến khả năng can thiệp vào vụ việc nếu các cuộc đàm phán thương mại diễn ra tốt đẹp.

Trong một tuyên bố, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders cho biết, các cuộc thảo luận đã đạt được tiến bộ đáng kể về các vấn đề cơ cấu quan trọng và tái cân bằng mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung.

Về phần mình, Trung Quốc đã có thêm một bước tiến mới trong việc mở cửa ngành tài chính có quy mô 44 nghìn tỷ USD của nước này ra với thế giới. Theo đó, Bắc Kinh công bố kế hoạch dỡ bỏ hạn chế về quyền sở hữu trong các ngân hàng của nước này và xóa yêu cầu về quy mô đối với các công ty tài chính nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc.

Ngoài ra, các công ty bảo hiểm nước ngoài sẽ được phép mở chi nhánh tại Trung Quốc. Các quy định mới này là những bước tiến tiếp theo trong việc mở cửa hệ thống tài chính Trung Quốc sau khi các công ty nước ngoài được phép nắm cổ phần đa số trong các công ty chứng khoán liên doanh ở thị trường này.

Sau khi các điều khoản về cơ chế thực thi thỏa thuận được Mỹ và Trung Quốc thông qua tại vòng đàm phán lần trước, đã có nhiều triển vọng cho thấy việc kí kết sẽ được đẩy nhanh hơn so với dự kiến. Nếu thành công, đây sẽ là chiến thắng của chính quyền Trump cũng như bước tạo dựng lại uy tín của Chủ tịch Tập.

Tuy nhiên, một thỏa thuận thương mại sẽ không phải là dấu hiệu tích cực của mối quan hệ Mỹ-Trung khi hai quốc gia vẫn giữ sự đối đầu trên các mặt trận an ninh, công nghệ và tư tưởng. Thậm chí, một số ý kiến cho rằng, thỏa thuận thương mại sẽ chỉ đủ để làm chậm cuộc đụng độ khác kéo dài hơn và nghiêm trọng hơn đang chuẩn bị bắt đầu giữa hai nước.

Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã bước vào giai đoạn cạnh tranh vượt xa khỏi các tranh chấp thương mại. Nếu như một thỏa thuận sẽ chỉ giải quyết câu chuyện thâm hụt thương mại trong ngắn hạn của Mỹ, thì các vấn đề khó khăn hơn vẫn cần phải giải quyết.

Cụ thể, Trung Quốc cần gia tăng hành động bảo vệ sở hữu trí tuệ, chấm dứt chuyển giao công nghệ bắt buộc, các hạn chế thị trường phi thuế quan khác. Trên hết, là liệu Trung Quốc có thực sự tuân theo các cam kết của mình trong bất kỳ thỏa thuận nào mà hai bên đã đạt được hay không.

Bên cạnh đó, dưới sự hướng dẫn của chính quyền Trump và với sự hỗ trợ của lưỡng đảng trong Quốc hội, nhiều cơ quan liên bang đang đối đầu với Trung Quốc trong cuộc chiến giành quyền thống trị về kinh tế, công nghệ và tư tưởng.

Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành lệnh trừng phạt, Bộ Quốc phòng đã tìm cách chấm dứt các thỏa thuận hợp tác, sinh viên Trung Quốc theo học các ngành liên quan đến sản xuất robot, hàng không, công nghệ và kỹ thuật cao bị kiểm soát thị thực và các cơ quan khác nhau đã kết hợp để hủy bỏ đề xuất sáp nhập kinh doanh.

Trận chiến chỉ mới bắt đầu. Và nên nhớ, cuộc chiến này không xuất phát từ Tổng thống Trump. Nếu ông Trump rời nhiệm sở vào ngày mai, cuộc chiến này vẫn còn ở lại. Cả hai bên đều nhìn thấy tiềm năng của sự vĩ đại nếu họ thắng và những tổn thất gây ra nếu họ thua. Do đó, chỉ có thể tiến lên, thỏa thuận không chấm dứt cuộc chiến, nó là bước đệm dẫn tới một cuộc chiến mới quy mô hơn và chưa có hồi kết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thỏa thuận thương mại: "Endgame" của Mỹ và Trung Quốc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO