Kinh tế thế giới

Triển vọng thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung (Kỳ 1): “Quân bài” đất hiếm của Trung Quốc

TS Bùi Ngọc Sơn, Chuyên gia kinh tế, Viện Nghiên cứu Chiến lược Kinh tế - IESS 06/07/2025 11:06

Những dấu hiệu gần đây cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như tìm cách “xuống thang” trong căng thẳng thương mại, chứ không phải Trung Quốc.

dat hiem
Trữ lượng đất hiếm của Trung Quốc lớn nhất thế giới với ước tính 44 triệu tấn. (Đất hiếm được chuyển lên tàu tại cảng Liên Vân, tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc. Ảnh: AFP)

Nhiều chuyên gia cho rằng đất hiếm chính là “tử huyệt” khiến ông Trump phải làm vậy. Dù hai bên đã đạt khung thỏa thuận thương mại, nhưng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung sẽ đi đến đâu nếu Trung Quốc sử dụng “quân bài” đất hiếm?

Ai đang nắm quyền lực đất hiếm?

Đất hiếm gồm 17 yếu tố mang tính chất kim loại có trong tự nhiên. Những yếu tố này hết sức cần thiết để tạo ra các sản phẩm vô cùng quan trọng như chip bán dẫn, nam châm vĩnh cửu… Đây là những cấu phần không thể thiếu trong mọi loại hàng hóa từ máy giặt, đồ điện tử, ô tô… đến máy bay, hàng không vũ trụ, AI.

Số lượng đất hiếm cần thiết đối với quá trình sản xuất không lớn như sắt, thép, nhôm… nhưng lại có vai trò quyết định để sản xuất ra những thứ như đề cập ở trên. Do đó, chúng được ví như là các “vitamin” công nghiệp.

Tuy nhiên, gọi là đất hiếm nhưng không phải hiếm mà có ở mọi nơi trên trái đất. Vấn đề là việc phân tách, tinh gom quy mô lớn là rất phức tạp về công nghệ, tốn kém về chi phí, và quan trọng, rất gây ô nhiễm môi trường.

Trữ lượng đất hiếm của Trung Quốc lớn nhất thế giới với ước tính 44 triệu tấn, bỏ xa nước thứ hai là Brazil với 21 triệu tấn, thứ ba là Ấn Độ 6,9 triệu tấn, Việt Nam đứng thứ sáu với 3,5 triệu tấn, Mỹ chỉ đứng thứ bảy với 1,9 triệu tấn.

Quan trọng hơn, Trung Quốc là nước có chi phí sản xuất rẻ nhất, cũng là nơi có quy định về môi trường dễ dãi nhất. Do đó, các công ty sản xuất đất hiếm phương Tây dần từ bỏ việc khai thác và tinh luyện đất hiếm. Trong khi đó, Trung Quốc nhận chuyển giao công nghệ và chiếm lĩnh lĩnh vực này. Sau hơn ba thập kỷ, với chiến lược phát triển có chủ đích, Trung Quốc được xem là nhà độc quyền trong lĩnh vực khai thác và tinh chế đất hiếm trên thế giới.

Đối với tất cả các loại đất hiếm, nhiều vùng lãnh thổ có mỏ đất hiếm trên thế giới đều có sở hữu của Trung Quốc. Đặc biệt, đất hiếm được khai thác ở đâu cũng đều phải được chế biến, tinh luyện ở Trung Quốc trước khi được sử dụng. Nói cách khác, Trung Quốc sở hữu hầu hết các mỏ đất hiếm trên thế giới và độc quyền công nghệ tinh luyện đất hiếm.

Năm 2023, Trung Quốc sở hữu 60% hoạt động khai thác đất hiếm, 85% công suất chế biến đất hiếm và hơn 90% nam châm vĩnh cửu.

Điểm yếu của Mỹ

Trái ngược với Trung Quốc, Mỹ là một nền kinh tế lớn nhất thế giới, kiểm soát nhiều lĩnh vực sản xuất ra các hàng hóa công nghệ cao, vũ khí quân sự cao cấp nhất. Thế nhưng, Mỹ lại không hề kiểm soát đất hiếm. Tồi tệ hơn, khi phát động thương chiến với Trung Quốc, thì Mỹ lại bộc lộ “tử huyệt” này trước Trung Quốc.

Như đề cập ở trên, trữ lượng đất hiếm của Mỹ là không đáng kể. Hiện nay, Mỹ chỉ sở hữu một mỏ đất hiếm, không thể đủ cho nhu cầu. Bên cạnh đó, Mỹ không có những loại đất hiếm quan trọng trong khi Trung Quốc sở hữu chúng. Nếu Mỹ khai thác được đất hiếm thì vẫn phải chuyển sang Trung Quốc đề chế biến và tinh luyện. Thậm chí, Mỹ muốn tìm cách chế biến, tinh luyện đất hiếm ở nơi khác thì hầu hết những nơi đó đều đã có mặt Trung Quốc.

Theo tính toán, năm 2024 Mỹ nhập khẩu 80% yếu tố đất hiếm để đáp ứng nhu cầu sử dụng, sản xuất trong nước chỉ đáp ứng 20%. Quan trọng, Mỹ phải nhập khẩu 100% các loại đất hiếm rất cần thiết như gallium và graphite tự nhiên, và từ 48% đến 76% các loại lithium, nickel và cobalt. Trung Quốc chính là nguồn cung ứng mà Mỹ lệ thuộc nhiều nhất.

Đó là lý do giải thích tại sao ông Trump tìm cách “thôn tính” Greenland - một hòn đảo lớn thuộc Đan Mạch, vì nơi đây sở hữu nguồn đất hiếm dồi dào. Ông Trump cũng nhanh chóng tìm mọi cách buộc Ukraine ký kết hiệp định khai thác tài nguyên để “thanh toán” khoản viện trợ quân sự mà Mỹ cung cấp cho nước này, trong đó loại tài nguyên quan trọng mà ông Trump nhắm tới là đất hiếm.

Hiện tại, Mỹ chỉ có 2 mỏ khai thác đất hiếm, một ở Đông Nam Georgia khai thác khoáng chất nặng, hai là mỏ Mountain Pass (MP) ở California thuộc sở hữu của Công ty MP Materials, đây là mỏ lớn nhất. Trước đó, chính quyền Biden đã quyết biến mỏ Moutain Pass (MP) là nơi hàng đầu thế giới sản xuất loại nam châm vĩnh cửu và tinh luyện đất hiếm tại Mỹ mà không cần phải vận chuyển sang Trung Quốc. Năm 2020, MP Materials đã đáp ứng 15,8% vật liệu đất hiếm tiêu dùng hàng năm trên thế giới. Ngoài ra, Mỹ cũng đang tìm con đường khác, đó là quay trở lại mỏ đất hiếm cũ để không phải đào mới.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng sẽ mất hàng năm để có sản phẩm đất hiếm ra thị trường vì nhiều lý do kỹ thuật dù thời gian phê duyệt được rút ngắn. Do đó, bất luận thế nào thì Mỹ vẫn lệ thuộc nặng nề vào nhập khẩu đất hiếm từ Trung Quốc trong nhiều năm tới, dù có tăng sở hữu đất hiếm ở nhiều nơi khác trên thế giới.

Kỳ 2: Kỳ vọng kết quả khả quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Triển vọng thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung (Kỳ 1): “Quân bài” đất hiếm của Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO