Việc Trung Quốc và Hoa Kỳ hoãn thuế quan 90 ngày đã mở ra cuộc đua khốc liệt nhằm sản xuất và vận chuyển hàng hóa nhanh nhất và nhiều nhất đến Hoa Kỳ.
Đối với nhiều doanh nghiệp lớn của hai nền kinh tế Trung Quốc và Hoa Kỳ, kết quả đàm phán dẫn đến hoãn và hạ thuế quan song phương trong 90 ngày chỉ là giải pháp tạm thời. Sau khoảng thời gian thở phào là cuộc chạy đua chuyển hàng hóa từ Trung Quốc vào Hoa Kỳ nhanh nhất có thể.
Đánh giá về dài hạn, Jianwei Xu, nhà kinh tế cấp cao tại Natixis, cho biết “Khung thương mại sau Thế chiến thứ II từng hỗ trợ cho các kỳ vọng ổn định đã không còn nữa; ngay cả việc giảm thuế quan thêm nữa cũng sẽ không khôi phục được nó”.
Jianwei Xu nói thêm rằng, các doanh nghiệp lớn sẽ tiếp tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nhưng các doanh nghiệp nhỏ có thể ngừng sản xuất - vì niềm tin chung vào đồng đô la Mỹ với tư cách là đồng tiền dự trữ cuối cùng của thế giới đang giảm dần.
Ting Lu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura, nhận định: Đây có thể chỉ là sự khởi đầu cho cuộc va chạm không thể tránh khỏi của hai nền kinh tế lớn nhất. Hoa Kỳ vẫn đang ở thế tấn công, nhưng Trung Quốc có thể học được cách tự bảo vệ mình trước các cuộc tấn công trong tương lai.
Thật vậy, chiến lược tự chủ vẫn được xúc tiến tại Trung Quốc, ngay sau khi công bố thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ, một loạt chính quyền địa phương đã tổ chức các cuộc họp bàn cách kiểm soát xuất khẩu các khoáng sản quan trọng, một lĩnh vực khác mà Trung Quốc thống trị chuỗi cung ứng.
Mặc dù tạm thời hoãn thuế quan, Trung Quốc vẫn tiếp tục ra tín hiệu rằng họ đang tìm cách đa dạng hóa khỏi hàng nông sản của Hoa Kỳ. Doanh nghiệp Trung Quốc dự kiến mua 900 triệu đô la Mỹ nông sản từ Argentina; cũng như đã nối lại việc nhập khẩu đậu nành từ năm công ty Brazil.
Những công ty buôn bán quốc tế đã học được bài học xương máu. Về lâu dài, họ chỉ an toàn khi đa dạng hóa chuỗi cung ứng và do đó sẽ tiếp tục tìm kiếm các nguồn thay thế.
Ash Monga, CEO Imex Sourcing Services - một công ty quản lý chuỗi cung ứng, cho biết: Ông đã ra mắt một trang web có tên “Tariff Help (hỗ trợ thuế quan)” vào tháng trước để các doanh nghiệp nhỏ tìm cách đa dạng hóa từ các nhà cung cấp có trụ sở tại Trung Quốc.
Việc đình chỉ trong 90 ngày, mặc dù được hoan nghênh, nhưng vẫn tạo ra sự bất ổn đáng kể cho kế hoạch kinh doanh và chi phí của các công ty Hoa Kỳ, làm suy yếu khả năng cạnh tranh toàn cầu lâu dài của họ.
Thời hạn 90 ngày vô hình trung mở ra một đợt chạy đua mới để lấp đầy kho hàng, phòng bị cho kịch bản các nhà đàm phán của Washington và Bắc Kinh thay đổi quan điểm.
Chỉ vài giờ sau khi tuyên bố tạm ngừng thuế quan, các dây chuyền sản xuất trên khắp Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động trở lại. Các chủ nhà máy Trung Quốc cho biết họ nhận được một loạt tin nhắn từ người mua Hoa Kỳ, yêu cầu tiếp tục sản xuất các đơn hàng đã bị “đóng băng”, và đẩy nhanh càng nhiều đợt giao hàng càng tốt.
Bonnie Ross, một nhà nhập khẩu quần áo có trụ sở tại New York, đã lao vào cuộc đua này. Bây giờ sẽ là một cuộc chạy đua vì mọi người đều muốn có thật nhiều hàng trong 90 ngày tới. Điều gì sẽ xảy ra với giá cước vận chuyển?
“40 ngày qua là 40 ngày khó khăn nhất trong suốt cuộc đời kinh doanh của chúng tôi. Và tôi rất vui mừng là chúng ta có thể vượt qua được. Nhưng chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai. Thật khó đoán trước”- Bonnie Ross nói.