Chủ tịch FED Jerome Powell đã cảnh báo nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào đình lạm vì lạm phát cao, tăng trưởng chậm.
Tại cuộc họp thường kỳ mới đây của Ủy ban thị trường mở Liên bang (FOMC), Chủ tịch FED Jerome Powell đã phát biểu rất thẳng về tác động từ thuế quan của chính quyền Trump, rằng “lạm phát rõ hơn, tăng trưởng kinh tế chậm hơn và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn - có nguy cơ dẫn tới nguy cơ đình lạm”.
Cho đến nay, đây là cảnh báo rõ ràng nhất từ một cơ quan chức năng của Hoa Kỳ về thiệt hại mà thuế quan có thể gây ra. Vì vậy, ông powell đã loại trừ hoàn toàn khả năng FED sẽ cắt giảm lãi suất trước thời hạn để giảm áp lực cho nền kinh tế. Ngân hàng trung ương này đã giữ nguyên lãi suất ở mức mục tiêu từ 4,25% đến 4,5%.
Chủ tịch Powell nói: “Có vẻ như chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới, trong đó chính quyền đang bắt đầu đàm phán với một số đối tác thương mại quan trọng, và điều đó có khả năng thay đổi đáng kể tình hình - hoặc cũng có thể không có gì đáng kể”.
Trong một chu kỳ kinh tế điển hình, tăng trưởng mạnh thúc đẩy nhu cầu, đẩy giá lên cao hơn. Các ngân hàng trung ương phản ứng bằng cách tăng lãi suất để hạ nhiệt nhu cầu, làm chậm tăng trưởng và giảm lạm phát. Khi lạm phát ổn định, việc cắt giảm lãi suất sẽ thúc đẩy tăng trưởng và việc làm, khởi động lại chu kỳ. FED đang tin tưởng vào lý thuyết này.
Lạm phát đình trệ phá vỡ mô hình này. Khi tăng trưởng yếu và lạm phát cao cùng tồn tại, các ngân hàng trung ương phải đối mặt với một thế tiến thoái lưỡng nan: tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát có nguy cơ kìm hãm tăng trưởng hơn nữa, trong khi cắt giảm lãi suất có thể làm trầm trọng thêm áp lực giá.
Theo nhiều nghiên cứu và những gì đã xảy ra trong quá khứ, khi nguồn cung bị “sốc” sẽ dẫn đến tình trạng đình lạm, ví dụ khủng hoảng dầu mỏ 1973. Lần này, thuế quan sẽ gián tiếp gây ra cú sốc nguồn cung hàng hóa - bằng cách làm tăng chi phí cho người tiêu dùng và làm gián đoạn thương mại, với thuế quan đối ứng tiếp tục gây hại cho xuất khẩu và tăng trưởng.
Trong trường hợp này, hàng hóa tại thị trường Mỹ đang xuất hiện dấu hiệu thiếu cục bộ, giá tăng do rất nhiều nhóm hàng bị “đóng băng” hoàn toàn vì thuế quan. Khi thuế quan từ 70% trở lên sẽ triệt thoái toàn bộ động lực trao đổi hàng hóa.
Nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng âm lần đầu theo quý kể từ năm 2022. Nguyên do từ sự tăng nhập khẩu đột biến để chạy đua với thời hạn thuế quan có hiệu lực, dẫn đến thâm hụt thương mại lớn hơn, kết quả nhập khẩu vượt quá xuất khẩu, làm giảm GDP.
Tuy nhiên, thị trường lao động là điểm sáng, vào tháng 4, các nhà tuyển dụng đã bổ sung thêm 177.000 việc làm, giúp tỷ lệ thất nghiệp giữ nguyên ở mức thấp 4,2%. Nhưng một số nhà kinh tế nghi ngờ rằng điều tốt lành sẽ tồn tại vô thời hạn, khi các doanh nghiệp đang phải vật lộn với sự bất ổn do các chính sách ông của Trump gây ra.
Sự bất ổn kéo dài đó có thể ảnh hưởng đến các kế hoạch tuyển dụng, thúc đẩy người tiêu dùng thận trọng và cuối cùng cản trở đầu tư kinh doanh. Sau đó, tất nhiên, còn có tác động trực tiếp của thuế quan trong việc đẩy giá lên cao, điều này sẽ gây áp lực lên người tiêu dùng vốn đã phải đối mặt với lạm phát cao trong nhiều năm.