IMF cảnh báo cuộc chiến thuế quan cùng với mức độ bất ổn chính sách cao đang gây sức ép lớn lên triển vọng tăng trưởng kinh tế của Mỹ và trên toàn cầu.
Chính sách thuế quan khó lường của Tổng thống Donald Trump và các biện pháp đối phó của các đối tác thương mại của Hoa Kỳ có khả năng sẽ giáng một đòn nặng nề vào các nền kinh tế trên toàn thế giới, trong đó sự thịnh vượng của Mỹ bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng.
IMF cảnh báo trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại còn 2,8% trong năm nay, từ mức 3,3% của năm ngoái và thấp hơn đáng kể so với mức trung bình lịch sử.
Sự suy thoái dự kiến ở Mỹ thậm chí còn lớn hơn, với nền kinh tế của nước này có khả năng chỉ tăng trưởng 1,8% vào năm 2025, so với mức tăng trưởng 2,8% vào năm 2024.
Cả hai dự đoán đều bi quan hơn so với dự báo của IMF vào tháng 1, được đưa ra trước khi loạt thông báo về thuế quan của ông Trump đưa mức thuế nhập khẩu trung bình của Mỹ lên mức cao nhất trong một thế kỷ.
"Sự leo thang nhanh chóng của căng thẳng thương mại và mức độ bất ổn chính sách cực cao dự kiến sẽ có tác động đáng kể đến hoạt động kinh tế toàn cầu", nhóm chuyên gia của IMF cho biết; đồng thời nhận định rằng các rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu đang nghiêng rõ rệt về chiều hướng tiêu cực.
Ông Pierre-Olivier Gourinchas, nhà kinh tế trưởng của IMF, viết trong một bài đăng trên blog rằng các mức thuế mới do ông Trump áp đặt chiếm gần một nửa lý do cho việc hạ mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm nay của IMF, đồng thời lưu ý rằng sự bất định về chính sách đã làm giảm nhu cầu tại Mỹ ngay cả trước khi các mức thuế mới được công bố gần đây.
Bắc Mỹ, cũng như các khu vực khác, không thể kỳ vọng bất kỳ lợi ích lâu dài nào từ các mức thuế này. “Tác động dài hạn của các mức thuế, nếu được duy trì, sẽ là tiêu cực đối với mọi khu vực – cũng giống như tác động ngắn hạn,” ông Gourinchas phát biểu trước báo giới hôm thứ Ba.
Ông Gourinchas cũng nhấn mạnh rằng: “Sự độc lập của ngân hàng trung ương vẫn là một nền tảng cốt lõi.” Bình luận này được đưa ra chỉ một ngày sau khi ông Trump công kích Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell như một phần trong chiến dịch liên tục nhằm gây áp lực buộc Chủ tịch Fed hạ lãi suất.
Theo nhiều nhà dự báo, việc hạ lãi suất vào thời điểm hiện tại sẽ tiềm ẩn nguy cơ làm lạm phát tại Mỹ tăng cao, vốn đã vượt mức mục tiêu 2% của Fed và có khả năng tiếp tục tăng do các mức thuế mới của ông Trump.
IMF cũng ngày càng bi quan hơn về lạm phát tại Mỹ, hiện dự báo lạm phát năm nay sẽ đạt 3%, so với dự báo hồi tháng 1 là 2%.
Báo cáo mới nhất về Triển vọng Kinh tế Thế giới được IMF biên soạn trong “hoàn cảnh đặc biệt,” tổ chức này cho biết. Việc ông Trump công bố một loạt mức thuế mới vào ngày 2 tháng 4 đã buộc IMF phải loại bỏ các dự báo trước đó.
Cũng trong cuộc họp báo, ông Gourinchas nói: “Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới khi hệ thống kinh tế toàn cầu đã vận hành suốt 80 năm qua đang được tái thiết lập.”
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của thương mại đối với triển vọng kinh tế toàn cầu, IMF cho biết rằng việc căng thẳng thương mại leo thang, cùng với những bất định lớn hơn về định hướng chính sách thương mại, có thể tiếp tục làm suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Ngược lại, việc giảm căng thẳng từ các mức thuế hiện tại và đạt được các thỏa thuận mới nhằm mang lại sự rõ ràng và ổn định cho chính sách thương mại có thể thúc đẩy tăng trưởng.