"Đây không phải là lần đầu tiên ASEAN đóng vai trò trung gian giúp Mỹ và Trung Quốc hạ nhiệt căng thẳng. Một ví dụ trong quá khứ là cuộc gặp vào năm 1995 giữa Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Warren Christopher và Ngoại trưởng Trung Quốc Tiền Kỳ Thâm, bên lề Hội nghị hậu bộ trưởng ASEAN tổ chức tại Brunei, nơi cuộc trao đổi của họ đã giúp làm dịu căng thẳng liên quan đến vấn đề Đài Loan", ông Khong Yuen Foong nói.
Diễn đàn khu vực ASEAN năm 2000 tại Bangkok, Thái Lan, cũng là nơi diễn ra cuộc gặp đầu tiên giữa Ngoại trưởng Triều Tiên khi đó là Paek Nam-sun và Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright. Nếu Mỹ và Trung Quốc thể hiện thiện chí, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Kuala Lumpur có thể trở thành một trong những dấu mốc quan trọng nhất khẳng định vai trò trung tâm và ý nghĩa của ASEAN trong khu vực.

Hội nghị tại Kuala Lumpur được kỳ vọng sẽ bao gồm nhiều hoạt động như: các cuộc họp với các đối tác đối thoại của ASEAN, Hội nghị cấp cao Đông Á, Diễn đàn khu vực ASEAN, cùng các cuộc gặp ASEAN+1 và ASEAN+3. Các đối tác đối thoại của ASEAN bao gồm Australia, Canada, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Hàn Quốc và Mỹ.
Tiến sĩ Joseph Chinyong Liow, Cố vấn Nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore nhận định, những cuộc họp giữa các thành viên ASEAN và đối tác đối thoại mang lại nền tảng vô giá để các cường quốc cạnh tranh có thể tiếp xúc.
Đây cũng là cơ hội “giữ thể diện” lý tưởng, bởi không bên nào phải chủ động gọi điện xin gặp bên kia. Thông thường, các ngoại trưởng, bộ trưởng tài chính, hoặc thậm chí là Tổng thống đều được mời tham dự. Nhờ đó, họ có thể tuyên bố một cách thuyết phục rằng mình không hề tỏ ra yếu thế khi gặp mặt bên lề “ngày hội ASEAN”.
Ông Liow gợi ý ASEAN nên cân nhắc tổ chức hội nghị sớm hơn vào tháng 6 hoặc tháng 7. Dù đã có một hội nghị ASEAN dự kiến diễn ra vào tháng 5, nhưng theo truyền thống, hội nghị này sẽ tập trung vào các vấn đề nội khối, cùng các cuộc gặp với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh – nơi Trung Quốc cũng được mời tham gia.
Trong bối cảnh đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp về kinh tế, theo nhiều chuyên gia, Malaysia, với vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2025 cần thể hiện năng lực lãnh đạo bằng cách thuyết phục các quốc gia thành viên và đối tác đối thoại nhóm họp tại Kuala Lumpur trước tháng 10.
Bất kể những thách thức hậu cần dành cho nước chủ nhà, tình trạng bất ổn và bất định kinh tế mà Đông Nam Á cũng như toàn thế giới đang trải qua là những lý do đủ mạnh để ASEAN hành động, nắm bắt cơ hội và khẳng định vai trò không thể thay thế của mình. Việc đẩy sớm hội nghị thượng đỉnh ASEAN sẽ củng cố vai trò trung tâm của khối và khả năng chống chịu của khu vực.