Kinh tế thế giới

Các nước ASEAN đang làm gì để tránh thuế quan của Mỹ?

Nam Trần 07/04/2025 03:36

Các quốc gia Đông Nam Á đang chọn một hướng đi mềm mỏng hơn - chủ động đàm phán, nhượng bộ có chọn lọc - trong nỗ lực giữ ổn định dòng thương mại với Mỹ.

Sau cú sốc thuế quan ngày 2/4, thay vì trả đũa hoặc chuẩn bị các biện pháp đối phó, các quốc gia Đông Nam Á dường như đang ưu tiên các cuộc đàm phán và nhượng bộ để duy trì dòng chảy xuất khẩu quan trọng sang thị trường Mỹ.

Trên mạng xã hội Truth của mình, ông Trump đánh giá cao thiện chí đàm phán của Việt Nam (Ảnh màn hình)

Việt Nam đi đầu trong nỗ lực ngoại giao

Việt Nam nổi lên như một quốc gia đi đầu trong nỗ lực này. Ngay từ trước khi thuế đối ứng của ông Trump được công bố, Việt Nam đã tiến hành nhiều hoạt động cụ thể để giải quyết vấn đề thặng dư thương mại của mình với Mỹ. Gần đây nhất, chính phủ đã ban hành Nghị định 73/2025/NĐ-CP, bao gồm việc cắt giảm thuế quan đối với ô tô, ethanol và khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ - đưa mức thuế nhập khẩu hiện hành với Mỹ chỉ còn khoảng 9%.

Cách tiếp cận mềm mỏng này được các chuyên gia quốc tế nhận định là nhằm mục đích duy trì một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của nền kinh tế. Việt Nam đã hưởng lợi khi trở thành một trung tâm sản xuất quan trọng sau nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông Trump, khi các công ty đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh các hạn chế thương mại.

Cho tới nay, các quan chức thương mại và lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam đang tức tốc chuẩn bị các nội dung đàm phán với Mỹ. Kỳ vọng đã trở nên sáng sủa hơn khi đích thân Tổng thống Donald Trump công bố “đã có một cuộc điện đàm hiệu quả” với Tổng Bí thư Tô Lâm trên mạng xã hội của mình.

Chiều 4/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cũng khẳng định Việt Nam đang đề nghị chính quyền Mỹ cân nhắc tạm hoãn áp thuế từ 1-3 tháng để mở đường cho đàm phán.

Indonesia và Campuchia hứa nhiều ưu đãi

Cùng với Việt Nam, Campuchia và Indonesia cũng đã bày tỏ sự sẵn sàng đàm phán về "thuế quan đối ứng" mà ông Trump công bố.

Campuchia, một trong những quốc gia nghèo nhất bị ảnh hưởng và phải đối mặt với mức thuế quan cao nhất từ Mỹ so với bất kỳ nền kinh tế châu Á nào (49%), đã hứa sẽ cắt giảm thuế đối với hàng hóa Mỹ và thúc đẩy nhập khẩu các sản phẩm này.

Simon Evenett, người sáng lập nhóm theo dõi chính sách thương mại St. Gallen Endowment for Prosperity Through Trade, nhận xét rằng Campuchia đang "phục vụ một mục đích hữu ích, thăm dò mức độ tham vọng đàm phán của Mỹ".

Trong khi đó, Indonesia, quốc gia phải đối mặt với mức thuế quan 32% từ Mỹ, đã cam kết sẽ nới lỏng các quy tắc thương mại và cử một phái đoàn đến Washington vào tuần này. Những động thái này cho thấy các quốc gia Đông Nam Á đang cố gắng tìm mọi cách để xoa dịu chính quyền Trump và tránh các tác động tiêu cực đến nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của họ.

Malaysia và Singapore tìm giải pháp tập thể

Malaysia, với vai trò là Chủ tịch luân phiên của ASEAN cũng đang nỗ lực điều phối một phản ứng tập thể đối với các mức thuế quan của Mỹ. Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết ông đã trao đổi với các nhà lãnh đạo của Indonesia, Philippines, Brunei và Singapore để "trao đổi quan điểm và phối hợp một phản ứng tập thể".

Các Bộ trưởng kinh tế của ASEAN dự kiến sẽ họp vào tuần này để thảo luận về những tác động rộng hơn của các mức thuế quan này. Bộ Thương mại Malaysia đã bác bỏ tuyên bố của Mỹ rằng nước này áp đặt mức thuế 47% đối với hàng nhập khẩu của Mỹ và khẳng định sẽ tiếp tục đối thoại với Washington để tìm ra giải pháp công bằng cho các vấn đề thương mại.

Thủ tướng Singapore Lawrence Wong cho rằng thời đại của thương mại tự do, toàn cầu hóa và theo trật tự đã tới hồi kết sau chính sách thuế của ông Donald Trump (Ảnh màn hình)

Singapore, một trung tâm tài chính và thương mại của khu vực, cũng thể hiện một quan điểm thận trọng. Thủ tướng Singapore Lawrence Wong nhận định rằng khả năng xảy ra một cuộc chiến thương mại toàn diện đang ngày càng gia tăng.

Ông cho rằng "ngày càng có nhiều quốc gia hành động dựa trên lợi ích riêng hẹp hòi và sử dụng vũ lực hoặc áp lực để đạt được mục đích của mình" và đây là "thực tế khắc nghiệt của thế giới chúng ta ngày nay". Mặc dù vậy, Singapore cho biết họ không có kế hoạch trả đũa các biện pháp thuế quan của Mỹ.

Khó đoán mức độ giảm thuế của ông Trump

Điều mà cả thế giới đang quan tâm, là Tổng thống Trump sẽ làm gì với mức thuế đối ứng khi các đối tác đã sẵn sàng đàm phán?

Gần đây, ông đã tuyên bố sẵn sàng đạt được các thỏa thuận nếu các quốc gia khác đưa ra những đề nghị "phi thường". Ông tuyên bố rằng "thuế quan mang lại cho chúng ta sức mạnh lớn để đàm phán" và "mọi quốc gia đều đã gọi cho chúng ta".

Tuy nhiên, các thông điệp từ chính quyền Trump về khả năng giảm thuế quan chưa rõ ràng, dẫn tới khó khăn cho các nhà quan sát, lãnh đạo và các giám đốc điều hành doanh nghiệp trong việc đưa ra chiến lược ứng phó – bao gồm cả những quan chức cấp cao nhất trong chính quyền Mỹ.

Trong khi các nhà đầu tư kỳ vọng Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent có thể đóng vai trò làm dịu tình hình, thì tờ Bloomberg vừa dẫn nguồn tin từ Phố Wall cho thấy ông chỉ đóng vai phụ trong một quyết định được điều phối bởi một nhóm nhỏ thân cận với Tổng thống Trump.

Sự bất định trong nội bộ chính quyền Mỹ khiến chiến lược thương mại của họ trở nên khó đoán, buộc các đối tác – đặc biệt là Đông Nam Á – phải chọn cách ứng xử linh hoạt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Các nước ASEAN đang làm gì để tránh thuế quan của Mỹ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO