Kinh tế thế giới

Vì sao cần đẩy mạnh thương mại nội khối ASEAN?

Cẩm Anh 16/04/2025 03:20

Thuế quan của Mỹ càng nhấn mạnh tính cấp thiết để tăng cường quan hệ thương mại trong khối Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

ASEAN nên tăng cường quan hệ với Châu Âu, Ấn Độ và vùng Vịnh để giảm thiểu tác động của mức thuế quan mới. Ảnh: Reuters
ASEAN cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ thương mại nội khối để giảm thiểu tác động của mức thuế quan Mỹ. Ảnh: Reuters

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh thuế các quốc gia ASEAN với mức thuế trung bình 33%, điều này đã phơi bày điểm yếu của khu vực này với tư cách là một trung tâm sản xuất toàn cầu.

Tại một cuộc họp của khối vào tuần trước tại Kuala Lumpur, các nhà lãnh đạo đã tìm cách thể hiện sự đoàn kết. Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, Chủ tịch ASEAN năm nay, cho biết thế giới đang chứng kiến ​​sự tan rã của trật tự toàn cầu. Do đó, ASEAN phải tự lực cánh sinh nhiều hơn. Điều này có nghĩa là phải tăng cường thương mại nội khối ASEAN.

Mặc dù có tổng dân số khoảng 700 triệu người, ASEAN giao dịch nhiều hơn với các đối tác bên ngoài so với nội khối. Dữ liệu của ASEANstats cho thấy thương mại nội khối chiếm 21% tổng giao dịch thương mại của khối vào năm 2024. Con số này phần lớn đã trì trệ trong 25 năm qua và tụt hậu rất xa so với mức 60% của Liên minh châu Âu.

Ngược lại, tỷ trọng thương mại của ASEAN với Trung Quốc tăng đều đặn vào năm 2024 đạt 20% trong khi với Mỹ là 12%.

Các mức thuế quan mới nhất của Tổng thống Trump đã làm dấy lên lời kêu gọi khu vực này thúc đẩy thương mại nội khối để giảm thiểu rủi ro địa chính trị. Darren Tay, người đứng đầu bộ phận rủi ro quốc gia khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại BMI của Fitch Solutions, ước tính mức thuế quan có thể làm giảm tới 1,5% tăng trưởng GDP của ASEAN trong năm nay.

Nhưng các nhà phân tích cho rằng thương mại nội bộ lỏng lẻo của ASEAN bắt nguồn từ những hạn chế mang tính cấu trúc và thể chế, chẳng hạn như nền kinh tế dựa vào xuất khẩu, chênh lệch thu nhập lớn và sự phụ thuộc vào các hàng hóa trung gian hoặc nguyên liệu tương tự nhau.

Mặc dù 99% thuế quan trong khối đã được xóa bỏ, các rào cản phi thuế quan lại gia tăng, và quy tắc xuất xứ vẫn chưa nhất quán. Trong khi đó, sự phối hợp chính trị còn hạn chế, và ngày càng có nhiều lo ngại rằng khu vực có thể trở nên phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc, với nguy cơ hàng hóa giá rẻ tràn ngập thị trường.

Những xung đột này ngăn cản các doanh nghiệp sử dụng các ưu đãi của Khu vực thương mại tự do ASEAN, hạn chế toàn bộ tiềm năng của hội nhập khu vực.

Các doanh nghiệp trong khu vực cũng đánh giá thuế quan là một vấn đề rất lớn. Nhưng việc đa dạng hóa thị trường đang khó khăn khi phần lớn nhận định thị trường ASEAN còn yếu, với Singapore là điểm đến tiềm năng duy nhất.

Trên thực tế, chỉ có Malaysia và Philippines chứng kiến ​​mức tăng khiêm tốn trong thương mại nội khối. Vào năm 2024, 11% thương mại của Việt Nam là với các nước láng giềng, chiếm tỷ lệ thấp nhất trong số 10 quốc gia. Thái Lan, Indonesia, Philippines và Singapore nằm trong khoảng từ 20% đến 25%.

Ảnh màn hình 2025-04-15 lúc 20.33.58
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim (ở giữa) cùng các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương ASEAN vào ngày 10/4. Ảnh AFP/Jiji

Damien Dujacquier, CEO của công ty tư vấn Roland Berger khu vực Đông Nam Á, ước tính rằng các doanh nghiệp có thể cần ít nhất 12 đến 18 tháng để chuyển các hoạt động sản xuất đơn giản, và từ 2 đến 5 năm đối với các ngành thâm dụng vốn; đồng thời cho biết những quyết định như vậy sẽ rất khó đưa ra trong bối cảnh bất ổn hiện nay.

Khác với EU, ASEAN được hình thành nhằm thúc đẩy hòa bình và an ninh khu vực, mà không có các thể chế siêu quốc gia để thực thi hội nhập kinh tế. Sự đa dạng về thể chế chính trị, chủng tộc và mức thu nhập càng làm tăng thêm thách thức.

Bên cạnh đó, dù tầng lớp trung lưu ASEAN còn trẻ và đang phát triển, nhưng sức mua vẫn còn hạn chế.

Các nền kinh tế trong khu vực cũng thường cạnh tranh lẫn nhau thay vì bổ trợ. Nhiều nước cùng xuất khẩu những mặt hàng giống nhau như dầu cọ, cao su, gạo, giày dép, hàng may mặc, điện tử và máy móc... tạo nên sự cạnh tranh tự nhiên. ASEAN cũng thiếu những thương hiệu giá trị cao mang tầm toàn cầu như Apple, Samsung hay BYD.

“Vì sản phẩm, khí hậu và tài nguyên về cơ bản là tương đồng, nên nhu cầu đối với các mặt hàng này trong cùng một khu vực là không lớn,” ông Leonardo Lanzona, nhà kinh tế học tại Đại học Ateneo de Manila, giải thích.

Đáng chú ý, các rào cản phi thuế quan như tiêu chuẩn không đồng nhất, quy định an toàn và thủ tục chứng nhận xuất xứ rườm rà. Theo tổ chức CARI ASEAN Research and Advocacy, số lượng các biện pháp này đã tăng mạnh. Trong khi đó, một nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố năm 2022 cho thấy việc giảm các biện pháp phi thuế quan có thể giúp GDP của ASEAN tăng thêm 1,6%.

Dù còn nhiều rào cản, ASEAN vẫn tiếp tục theo đuổi hội nhập sâu hơn, bao gồm Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) với mục tiêu xây dựng một thị trường chung và cơ sở sản xuất chung cho toàn khối.

Tính linh hoạt của ASEAN cho phép các quốc gia vừa theo đuổi các hiệp định song phương, vừa duy trì hợp tác khu vực. Không giống như một liên minh thuế quan, ASEAN không áp đặt mức thuế chung đối với hàng hóa nhập khẩu.

Các chính sách của ông Trump có thể là chất xúc tác giúp ASEAN đoàn kết hơn, nếu nhìn vào bài học từ EU. Các quốc gia trong khối cần tìm cách tăng cường tính đoàn kết và phát huy thế mạnh, thay vì áp dụng rập khuôn mô hình của khu vực khác.


(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao cần đẩy mạnh thương mại nội khối ASEAN?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO