Ấn Độ và chiến lược "hướng Tây"

Cẩm Anh 12/11/2019 07:06

Sau khi rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Ấn Độ đang hướng đến việc đạt một thỏa thuận thương mại với Mỹ và EU.

Toan tính của Ấn Độ

Tổng thống Donald Trump bắt tay với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khi họ bắt đầu cuộc họp tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng ở Washington, vào ngày 26 tháng 6 năm 2017.

Tổng thống Donald Trump bắt tay với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, Washington, 26/6/2017. Ảnh: CNBC

Hiện tại, Ấn Độ đang thăm dò các thỏa thuận thương mại với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), nơi ngành công nghiệp và dịch vụ Ấn Độ sẽ có tính cạnh tranh và hưởng lợi từ việc tiếp cận các thị trường phát triển lớn.

Có thể thấy, đây là bước ngoặt quan trọng trong chiến lược của Ấn Độ. Trong khi Trung Quốc không cố gắng để có được sự hợp tác với Ấn Độ, Mỹ và EU. Điều này có thể thấy rõ qua các tuyên bố song phương cũng như các hiệp định và thỏa thuận được ký kết trong vài năm trở lại đây.

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao Ấn Độ rút khỏi Hiệp định RCEP?

    Vì sao Ấn Độ rút khỏi Hiệp định RCEP?

    07:00, 06/11/2019

  • [THẾ GIỚI TUẦN QUA] Mỹ - Trung trắc trở, “đại gia” phá sản

    [THẾ GIỚI TUẦN QUA] Mỹ - Trung trắc trở, “đại gia” phá sản

    11:41, 09/11/2019

  • Hậu thỏa thuận Mỹ- Trung (Kỳ II): Việt Nam ứng phó thế nào?

    Hậu thỏa thuận Mỹ- Trung (Kỳ II): Việt Nam ứng phó thế nào?

    11:36, 09/11/2019

  • Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung bị trì hoãn: Khi con tính lợi ích chưa chín muồi!

    Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung bị trì hoãn: Khi con tính lợi ích chưa chín muồi!

    16:06, 07/11/2019

Tại Hội nghị thượng đỉnh EU-Ấn Độ lần thứ 13 diễn tại Brussels (Bỉ), trước sự chứng kiến của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Chương trình hành động EU-Ấn Độ tới năm 2020 đã được thông qua với tên gọi “Lộ trình”.

Chương trình bao gồm những hành động thiết thực trong giai đoạn 5 năm tiếp theo về các vấn đề chính trị và an ninh, nhân quyền, các vấn đề toàn cầu (biến đổi khí hậu, Chương trình nghị sự trong lĩnh vực phát triển bền vững 2030), hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và môi trường (các dự án chung về phát triển bền vững), mở rộng hợp tác trong lĩnh vực khoa học và giáo dục, cũng như củng cố mối quan hệ giữa EU và Ấn Độ.

Một khía cạnh đáng chú ý là sức mạnh của quan hệ đối tác Pháp-Ấn Độ. Paris đã nỗ lực rất nhiều để tiếp tục xây dựng mối quan hệ này và New Delhi cũng bỏ ra nhiều công sức không kém khi sự hợp tác quốc phòng giữa hai nước đã đạt được chiều sâu nhất định. 

Ấn Độ kỳ vọng, việc hợp tác với EU sẽ mang lại giải pháp cho khu vực đồng euro trong việc cản trở sự bành trướng của Trung Quốc. Đồng thời, thông qua những lợi ích chung trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sang năng lượng tái tạo, chống khủng bố và thúc đẩy an ninh mạng, Ấn Độ sẽ đạt được nhiều cải cách để phát triển nền kinh tế.

Mặt khác, trong khi các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia ở New Delhi muốn Ấn Độ có một vị trí độc lập hơn là thuộc hẳn về một liên minh quốc tế nào, thì mối quan hệ với Mỹ lại được kỳ vọng cao hơn hẳn. Một cuộc khảo sát gần đây với hơn 100 thành viên của cộng đồng chiến lược Ấn Độ do khảo sát Brookings thực hiện đã cho thấy, 75% số người được hỏi tin rằng Mỹ là đối tác quan trọng nhất toàn cầu của Ấn Độ.

Việc Ấn Độ rút khỏi Hiệp định RCEP có Trung Quốc để tiến tới đàm phán thỏa thuận với thương mại với Mỹ chính là hành động rõ ràng nhất của quốc gia này. Bên cạnh mục tiêu rút ngắn thâm hụt thương mại, Ấn Độ mong muốn việc hợp tác với Mỹ và thậm chí là với EU sẽ mang lại sự đảm bảo về kinh tế lẫn chính trị, giúp quốc gia này củng cố vị trí và đủ sức cạnh tranh với các cường quốc khác như Trung Quốc.

Có thể thấy, sự hỗ trợ về kinh tế, chính trị và quân sự của Trung Quốc dành cho Pakistan, đối thủ của Ấn Độ đang củng cố thêm sự lo lắng của Ấn Độ về việc Trung Quốc đang cố gắng xây dựng một đối trọng của Ấn Độ tại khu vực.

Và chỉ Mỹ mới có đủ sức mạnh để mang lại sự bảo đảm an ninh vững chắc. Do đó, bất chấp những chính sách thuế quan mạnh mẽ của Tổng thống Trump, chính quyền Ấn Độ vẫn nỗ lực xây dựng thỏa thuận thương mại nhằm thu hút sự chú ý từ Mỹ.

Lợi thế của Ấn Độ

Thủ tướng Ấn Độ

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bắt tay với Tổng thống Pháp Emmanuelle Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker

Tuy nhiên, đánh đổi lại, cả Mỹ và EU sẽ có những lợi thế nhất định từ Ấn Độ. Nền kinh tế Ấn Độ có thể không lớn như Trung Quốc, nhưng quốc gia này vẫn có thể là đối tác tốt với Mỹ trong bối cảnh cuộc chiến thương mại kéo dài.

Theo chuyên gia Rodger Baker, phó chủ tịch phân tích chiến lược tình báo địa chính trị Stratfor nhận định, Ấn Độ vẫn là một quốc gia rất lớn tại châu Á. "Ấn Độ có một nền kinh tế tương đối mạnh mẽ và rất nhiều tiềm năng. Mặc dù quốc gia này chưa phải là một đối trọng thực sự với Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ Dương, nhưng đây chắc chắn là một quốc gia tin cậy để trở thành là đối tác chiến lược".

Một Ấn Độ hùng mạnh về cơ bản sẽ có lợi cho Washington, ngay cả khi New Delhi thường làm theo cách của mình trong một số vấn đề chính sách cụ thể. Sự phát triển của Ấn Độ có khả năng làm thay đổi cán cân sức mạnh ở châu Á theo những cách có lợi cho Mỹ, từ đó ngăn chặn Bắc Kinh lạm dụng tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của nước này trong khu vực.

Tương tự, Ấn Độ đang là một đối tác chất lượng đối với các quốc gia EU. Ấn Độ thu được lợi ích kinh tế không chỉ nhờ vào việc phát triển công nghiệp, dược phẩm và công nghệ thông tin mà phần lớn công dân nước này đều dưới 30 tuổi. Theo các số liệu khác nhau, lứa tuổi thanh niên của quốc gia này đang chiếm khoảng 60 - 70% và điều này tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế đất nước.

Đồng thời, việc Ấn Độ đã phê chuẩn Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và là một trong những quốc gia thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu Phát triển bền vững, EU và Ấn Độ cũng có thể tăng cường ảnh hưởng quốc tế để thực hiện Chương trình nghị sự 2030 đầy tham vọng.

Mặc dù cho đến thời điểm hiện tại, giữa EU - Ấn Độ và Mỹ - Ấn Độ vẫn tồn tại những vướng mắc, tuy nhiên, Ấn Độ đang ngày một củng cố vị trí và nỗ lực vươn lên trở thành một cường quốc mạnh của khu vực. Và điều này sẽ làm thay đổi tương quan quyền lực tại châu Á khi Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đang dần vượt lên để chạy đua với Trung Quốc.  

Cẩm Anh