Rắc rối bủa vây nền kinh tế Trung Quốc
Dấu hiệu của khủng hoảng kinh tế tại Trung Quốc đang xuất hiện rõ nét hơn bao giờ hết tại các công ty, tại PBoC và cả cuộc đàm phán thương mại sắp tới.
Trung Quốc đã trở thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế thế giới khi các quốc gia phát triển đang chịu thiệt hại sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phát triển với tốc độ chậm nhất kể từ đầu những năm 1990.
Nền kinh tế lớn nhất châu Á tăng trưởng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 1992. Tổng sản phẩm quốc nội chỉ tăng trưởng ở mức 6% trong Quý III/2019 đã phản ánh sự suy yếu nhanh chóng nhu cầu từ nước ngoài khi cuộc chiến thương mại gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.
Có thể bạn quan tâm
Khủng hoảng kinh tế thế giới mang “màu sắc Trung Quốc”
12:09, 25/08/2019
Khủng hoảng kinh tế thế giới mang “màu sắc Trung Quốc” (Bài 1)
06:00, 20/08/2019
Khủng hoảng kinh tế thế giới mang “màu sắc Trung Quốc" (Bài 2)
06:00, 21/08/2019
Tuy nhiên, theo giới phân tích, có nhiều yếu tố cho thấy nền kinh tế Trung Quốc có thể đang gặp nhiều rắc rối hơn những gì mà chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình thừa nhận.
Đầu tiên, và không thể phủ nhận là các dấu hiệu cảnh báo đang nhấp nháy đỏ trên lợi nhuận của công ty. Dữ liệu của Bắc Kinh công bố về GDP, tỷ lệ lạm phát hay chỉ số sản xuất công nghiệp có thể tạo sự nghi ngờ, nhưng sự suy thoái của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là không thể nhầm lẫn.
Theo số liệu của Nikkei, lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm 2019 trong một loạt các ngành công nghiệp quan trọng như ngành sản xuất xe hơi, sản xuất hàng hóa, ngành bán lẻ truyền thống hay ngành phát triển bất động sản đều chìm trong sắc đỏ - thể hiện sự tuột dốc khó kiểm soát của kinh tế Trung Quốc.
Tất cả các lĩnh vực kể trên đều là vấn đề mà bất kỳ chính phủ nào cũng có các chính sách đặc biệt để hỗ trợ tăng trưởng, nhưng ở Trung Quốc lại bị kẹt giữa cuộc chiến thương mại.
Kể cả chính sách của ông Tập Cận Bình đối với việc cắt giảm công suất dư thừa trong các ngành công nghiệp nặng như thép, xi măng, đóng tàu, sản xuất ô tô nhằm khuyến khích doanh nghiệp chuyển sang các khu vực giá trị gia tăng cao hơn.
Theo số liệu của Nikkei, báo cáo lợi nhuận ròng của 161 công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất ô tô, có niêm yết trên sàn chứng khoán đã liên tục giảm trong 9 tháng đầu năm nay. Nhìn rộng hơn, công ty nghiên cứu Shanghai DZH cho biết, tổng lợi nhuận ròng của hơn 3.600 doanh nghiệp đã giảm 2,2% trong giai đoạn đó.
Giáo sư Bùi Mẫn Hân tại Đại học Claremont McKenna (Mỹ) nhận định rằng đang tồn tại “nhiều sự méo mó” trong nền kinh tế Trung Quốc vì nước này đã cố gắng tránh chu kỳ tăng trưởng và suy thoái mà bất kỳ nền kinh tế nào cũng phải trải qua một cách tự nhiên".
Rõ ràng đây không phải là một sự suy giảm theo chu kỳ thông thường, thay vào đó, có nhiều ý kiến nghi ngờ rằng chính các chính sách điều hành nền kinh tế của Chính phủ - chẳng hạn như các khoản đầu tư cho các công trình công cộng, chính sách cắt giảm thuế, hay phát hành trái phiếu của chính quyền địa phương hoạt động không hiệu quả.
Điều này khiến Ngân hàng Trung ương Trung Quốc PBoC phải ngay lập tức có động thái. Lần đầu tiên kể từ năm 2016, PBoC đã cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn (MLC) trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách đang nỗ lực vực dậy nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại do lượng cầu trong và ngoài nước đều giảm. Đây được xem là dấu hiệu thứ hai cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang quay trong một mớ bòng bong!!!
Thông báo của PBoC cho biết lãi suất đối với các khoản vay MLF 1 năm giảm 5 điểm cơ bản, từ 3,30% xuống 3,25%. Động thái này có thể mở đường cho việc cắt giảm lãi suất cơ bản (LPR) mới của Trung Quốc trong vài tuần tới, bởi lãi suất cơ bản có liên hệ với lãi suất MLF và được công bố vào ngày 20 hằng tháng.
Nhận định về động thái trên, chuyên gia kinh tế cao cấp về các thị trường mới nổi tại Commerzbank ở Singapore, Hao Zhou cho biết mức giảm lãi suất dù rất nhỏ nhưng đã gửi đi một thông điệp rằng PBoC không muốn thị trường hoài nghi việc ngân hàng sẽ hỗ trợ tăng trưởng. Một số chuyên gia phân tích cho rằng Trung Quốc đang duy trì chính sách trong khi chờ kết quả các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ.
Trong nỗ lực thúc đẩy hoạt động cho vay, PboC đã bơm lượng lớn thanh khoản vào hệ thống tài chính dưới nhiều hình thức trong năm qua, đặc biệt là nhằm vào các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhỏ.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng các biện pháp hỗ trợ đã không thúc đẩy đầu tư như dự kiến, khi triển vọng kinh doanh không chắc chắn khiến các doanh nghiệp lo ngại trước quyết định về các khoản đầu tư mới vốn cần để ổn định nền kinh tế.
Và rõ ràng là dù có thừa nhận hay không thì rõ ràng việc mà ông Tập muốn nhất lúc này đó chính là một thoả thuận thương mại với Mỹ. Trước đó, vào ngày 8/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra thông báo rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ ký thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" tại Mỹ, có thể ở bang Iowa như ông đã đề xuất trước đó.
Về chi tiết thỏa thuận tạm thời sắp được ký, khi được hỏi liệu Mỹ sẽ dỡ bỏ hoàn toàn các gói thuế bổ sung đã áp lên gần 400 tỉ USD hàng Trung Quốc cho đến nay hay không, Tổng thống Trump khẳng định: "Chúng tôi sẽ không làm điều đó". Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng cho biết Bắc Kinh lại mong muốn Washington làm như vậy!!
Như vậy, sau gần 2 năm thương chiến, cả Trung Quốc và Mỹ đều đã rơi vào tình trạng khó khăn. Kinh tế Trung Quốc giảm sút nghiêm trọng kéo theo nhiều cảnh báo bất ổn xã hội…
Tổng thống Trump trong khi đó cần một nền kinh tế và chứng khoán mạnh mẽ để đối phó với Đảng Dân chủ trước cuộc bầu cử vào 2020. Một thỏa thuận là cần thiết cho cả 2 bên. Và hãy cùng chờ xem, liệu có một phép màu nào có thể xảy ra trong một vài tuần sắp tới?