Từ các mỏ khoáng sản quý hiếm ở châu Phi, đến vùng cực Bắc lạnh giá, trên không gian vũ trụ, dưới lòng đất không nơi nào Trung Quốc không để lại dấu chân...
Gần đây, khắp nơi trên thế giới làn sóng bài Trung Quốc ngày một mạnh mẽ, nhất là sau khi nước này chính thức hết “giấu mình chờ thời”, bày tỏ tham vọng bằng sức mạnh tài chính dường như vô tận.
Các công trình giao thông trên “Nhất đới, Nhất lộ” làm phát sinh khoản nợ rất lớn cho các nước nghèo ở Nam Á, Đông Nam Á và châu Phi, điều đó gây sự chú ý với Mỹ và EU.
Nhưng cho dù làn sóng bài trừ Trung Quốc mạnh mẽ đến đâu cũng không thể một sớm một chiều thoát ra khỏi sự ảnh hưởng ấy. Không ai chắc bộ quần áo mình đang mặc, chiếc đồng hồ đang đeo, đôi giày đang đi, đến que tăm xỉa răng…hoàn toàn không có “dáng dấp” Trung Quốc?
Thâm Quyến, Quảng Đông, Chiết Giang có thể cung cấp cho hàng tỷ người những món đồ đơn giản nhất tức là “màu sắc” Trung Quốc đã phủ bóng lên mọi ngõ ngách toàn cầu.
Có thể bạn không tin nhưng hầu hết các nền kinh tế lớn nhất châu Á, ngoại trừ Ấn Độ đang chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi Trung Quốc - từ rất lâu trong lịch sử!
Năm 1968, Nhật Bản tổ chức Thế vận hội Tokyo, nhân đó họ quảng bá cho thế giới biết về những thành tựu nổi bật. Các nước Âu - Mỹ kinh ngạc trước Nhật Bản và gọi đó là “thần kỳ”, người phương Tây bắt đầu kích hoạt bộ góc tìm hiểu.
Nhiều nhà khoa học hào hứng vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân, họ đối chứng Nhật Bản và Hoa Kỳ và phát hiện ra rằng, khác biệt lớn nhất ở hai cách quản lý, hai con người mà giá đỡ đằng sau là yếu tố văn hóa: Đó là văn hóa Nho giáo Trung Hoa.
Cả Nhật Bản và toàn bộ bán đảo Triều Tiên đều chịu ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo, còn Hồng Kông và Singapore có 80% dân số là người Hoa kiều. Thật trùng hợp “bốn con rồng châu Á” đều là các quốc gia mang “màu sắc” Trung Quốc rõ rệt nhất.
Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo Bắc truyền nhưng không hiểu vì sao nằm ngoài nhóm “con rồng”? Đây là câu hỏi rất thời sự vào lúc này! (Sẽ trở lại vào một dịp khác).
Có thể bạn quan tâm
Thời kỳ Trung Quốc trỗi dậy và thể hiện vị trí trên trường quốc tế, sức ảnh hưởng của họ còn đi xa hơn, hầu như khắp năm châu bốn biển. Cách thức thể hiện không gì khác ngoài sức mạnh tài chính của vài ngân hàng nằm trong top lớn nhất thế giới.
Từ các mỏ khoáng sản quý hiếm ở châu Phi, đến vùng cực Bắc lạnh giá, trên không gian vũ trụ, dưới lòng đất không nơi nào Trung Quốc không để lại dấu ấn.
Nhưng có một chi tiết ít ai chú ý, đó là một quốc gia - trước khi trở thành cường quốc bá chủ thế giới họ phải là chủ nhân của một cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật. Vương quốc Anh là đầu tàu cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần 1, nắm được ưu thế này họ làm chủ thế giới trong thế kỷ 19, đặc trưng bởi ngành hàng hải.
Người Mỹ tiếp bước làm cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ 2 rồi soán ngôi Anh trở thành nhà lãnh đạo thế giới từ đầu thế kỷ 20 đến nay. Cuộc cách mạng 4.0 lần này xuất phát từ trung tâm châu Âu - nước Đức, chứ không phải châu Á!
Trung Quốc cũng ôm mộng bá chủ thế giới nhưng chưa thấy họ làm cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật nào thật xứng đáng? Đó là nguyên nhân của loạt vấn đề tiếp sau đây.
Do không thể thực hiện cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật để khẳng định vị thế, mà chủ yếu dựa vào lý luận Mao, nền tảng Macxit, nên Trung Quốc biền mình thành “xã hội sản xuất” chứ không phải “trung tâm sáng tạo”.
Đây là lý do hình thành “công xưởng thế giới” - sản xuất khổng lồ, xuất khẩu vượt trội và nhập khẩu không ai bằng, đến mức bất cứ thứ gì cũng có thể mua hoặc bán.
Trung Quốc trở thành “siêu thị trường” lớn nhất thế giới, kéo hàng trăm quốc gia vào giao thương buôn bán , có không ít quốc gia đã lún sâu vào phụ thuộc, đến nỗi chỉ cần cái “lắc đầu” nhẹ nhàng ở bên kia biên giới cũng đủ làm đối phương điêu đứng!
Đâu chỉ có Việt Nam, mà Nhật Bản, Mỹ, Singapore, Ấn Độ, Brazil, Australia, Nga đến các vùng lãnh thổ bé tí hon cũng dễ dàng làm ăn với Trung Quốc bằng một cách rất đơn giản, có hàng hóa cứ đem sang bán, cần gì đến hỏi mua.
Sự thịnh vượng của Trung Quốc đồng thời mang đến điều tương tự cho phần lớn thế giới. Từ đó, tạo cho Trung Quốc một thứ quyền năng mà bất kỳ nhà kinh tế, quản lý, thậm chí chính phủ nào cũng lưu tâm một khi có ý định “nghịch chiều”.
Nhưng, rắc rối cũng phát sinh từ đây, đó là khi nền kinh tế Trung Quốc chững lại, nhu cầu nhập khẩu giảm sút trong khi xuất khẩu hàng tồn kho trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Công ty dữ liệu tài chính quốc tế CEIC công bố ngày hôm qua (19/8), năm trong số sáu nền kinh tế lớn của khu vực - Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam - đã tăng trưởng chậm hơn so với Quý I.
Toàn bộ những nền kinh tế lớn nhất ASEAN và Đông Á đã cắt giảm chỉ tiêu tăng trưởng, tất cả có cùng một lý do là: Xuất khẩu giảm!
Tình hình tại Thái Lan hay Singapore thậm chí còn bi đát hơn, bởi các quốc gia này đang phải đối mặt với nhu cầu giảm đối với hàng điện tử xuất khẩu - vốn được xem là xương sống trong nền kinh tế của họ.
Cú giảm mạnh hơn dự kiến của xuất khẩu Hồng Kông là bằng chứng rõ ràng cho thấy nhu cầu đang yếu đi trên diện rộng ở châu Á, đặc biệt tại Trung Quốc đại lục. Xuất khẩu của Indonesia, nền kinh tế lớn nhất ở Đông Nam Á, cũng giảm mạnh nhất kể từ giữa 2017.
Đầu năm nay, cả Hàn Quốc và Đài Loan cùng đưa ra dữ liệu u ám về xuất khẩu. Tiếp đó là Nhật Bản công bố thống kê xuất khẩu giảm lần thứ hai trong vòng 4 tháng.
Việt Nam không lọt vào nhóm “bốn con rồng châu Á” nên sẽ là một trong những nơi bị tác động sâu sắc nhất nếu như tâm khủng hoảng lan ra từ Trung Quốc. Vấn đề này còn móc xích vì sao cùng ảnh hưởng Nho giáo nhưng Nhật, Hàn, Singapore mang “hình hài” khác!
Các nước Đông Á mau chóng nhận ra sự hữu hạn của quan điểm Nho giáo nên họ bắt đầu “Tây hóa” xã hội, con người, từ đó kết hợp được tinh hoa của hai luồng văn minh Đông - Tây.
Lấy cái ung dung của phương Đông làm hài hòa sự ào ạt phương Tây, lấy tính cộng đồng phương Đông dung hòa cái tôi phương Tây, lấy cái biện chứng thâm thúy phương Đông ứng xử với tư duy siêu hình phương Tây, lấy kinh nghiệm phương Đông kết hợp khoa học phương Tây…
Vậy nên, điều mà Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan…sợ nhất không phải là khủng hoảng tại Trung Quốc mà là từ Mỹ hoặc châu Âu.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế lần này không “nổ như một quả bomb” mà nó dai dẳng, vì Trung Quốc vẫn còn một số dư địa để xử lý các vấn đề trong nước. Đó là cơ may để các nước phụ thuộc rút chân hướng về các thị trường ổn định hơn.