[VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Cơ hội nâng cao vị thế của Việt Nam
Việc vừa tiếp nhận chức Chủ tịch ASEAN 2020 sẽ giúp Việt Nam nâng cao vị thế trong khu vực, nhất là khi ASEAN đã đi được nửa chặng đường hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2025.
Cùng với sự thay đổi về cán cân kinh tế, chính trị toàn cầu, đặc biệt là cuộc dịch chuyển về Châu Á-Thái Bình Dương, ASEAN+3 sẽ giúp cân bằng cán cân kinh tế, chính trị giữa Châu Á với Bắc Mỹ, EU.
Kỳ vọng từ ASEAN+3
Thông qua vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ thể hiện được khả năng dẫn dắt và điều phối, để tất cả các nước thành viên có thể nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức, hướng tới xây dựng cộng đồng bền vững hơn.
Tuy nhiên trên thực tế, ASEAN chưa phát huy hết tiềm năng vốn có, nhất là nhiệm vụ giải quyết các vấn đề chung, đôi khi bị xé lẻ, thiếu gắn kết. Phần lớn các nước thành viên còn khiêm tốn về vị thế, hình ảnh trên trường quốc tế.
ASEAN+3 được kỳ vọng sẽ giúp tạo lợi thế cho các nước nhỏ trong khu vực củng cố quan hệ quốc tế với các cường quốc ngoài châu lục. Cụ thể, tiềm lực kinh tế Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, cùng sự gia tăng mối quan hệ của các nước này với ASEAN sẽ giúp các nước khu vực cân đối cán cân thương mại và đầu tư.
ASEAN+3 chủ yếu hợp tác trên các lĩnh vực như tài chính- tiền tệ, thương mại, an ninh, chính trị…, tiến tới thành lập khu vực thương mại tự do Đông Á, tạo môi trường phát triển ổn định, tăng cường khả năng ứng phó với khủng hoảng kinh tế, tiền tệ.
Thông qua ASEAN, các cường quốc muốn gia tăng ảnh hưởng vào khu vực này, trong khi các nước ASEAN có cơ hội tìm kiếm nguồn lực tài chính, công nghệ, nhân sự từ Đông Bắc Á.
Về mặt chính trị, ASEAN+3 giúp Đông Nam Á có quan hệ hài hòa hơn với “người khổng lồ” Trung Quốc, đặc biệt là tạo cơ hội cho nhóm nước ASEAN4 (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) có thể bắt kịp nhóm ASEAN6.
Có thể bạn quan tâm
Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020: Gắn kết và chủ động thích ứng
01:02, 05/11/2019
Việt Nam tiếp nhận ghế Chủ tịch ASEAN
20:00, 04/11/2019
Chủ động thích ứng
Mặc dù vậy, hợp tác đa phương ASEAN+3 còn khiêm tốn, phần lớn còn ở dạng tiềm năng, hoạch định chủ trương, nguyên tắc trong các Hội nghị thượng đỉnh và hội nghị cấp Bộ trưởng.
Ngoài ra, quan hệ nội bộ ASEAN và Trung Quốc còn quá nhiều vương mắc phải tháo gỡ, nhất là chủ quyền, nguồn lợi kinh tế trên Biển Đông, các thách thức an ninh phi truyền thống…
Trong khi đó, nội bộ ASEAN vẫn còn phân tán về mặt lợi ích. Trong khi Singapore muốn thông qua mô hình này để bảo đảm an ninh quốc gia, tiến gần hơn với các đối tác phát triển, thì Thái Lan, Indonesia, Philppines xem ASEAN+3 là sợi “dây bảo hiểm” trong quan hệ với Trung Quốc.
Đó là lý do mà Việt Nam chọn chủ đề ASEAN 2020 là “gắn kết và chủ động thích ứng”. Có nghĩa là linh hoạt điều chỉnh trước các diễn biến trong tình hình quốc tế và khu vực, thách thức đan xen cơ hội, như sự phát triển rất nhanh chóng của khoa học công nghệ, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các nước lớn và các thách thức về an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh...
Thực tế hơn, Việt Nam phải điều hòa được các mối quan hệ trong khối, theo nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt, đặc biệt làm sao hạn chế ảnh hưởng và tác động bao trùm của các nước lớn đối với chính sách đa phương hóa của ASEAN.
Việt Nam đã xây dựng và đưa ra 5 định hướng ưu tiên cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020. Một là tăng cường thực hiện vai trò và đóng góp của ASEAN vào công cuộc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Hai là thúc đẩy liên kết, kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của cuộc Cách mạng 4.0. Ba là, thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN nhằm tạo dựng các giá trị chung của ASEAN. Bốn là đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững với các nước trên thế giới. Năm là nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả của ASEAN thể hiện qua cải cách thể chế, tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN…