Nguy cơ khủng hoảng nợ toàn cầu
Nhiều chuyên gia cho rằng, núi nợ toàn cầu đang ngày càng “phình to”, có nguy cơ dẫn tới cuộc khủng hoảng nợ ở những quốc gia đang phát triển và mới nổi.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), khối nợ của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đã tăng lên tới mức kỷ lục 55.000 tỷ USD.
Vay nợ vô tội vạ
“Núi nợ” 55.000 tỷ USD nói trên được tạo thành từ nợ tiêu dùng, nợ kinh doanh và nợ Chính phủ ở các nước đang phát triển và mới nổi, đây cũng là mốc xác lập tốc độ và quy mô nợ chưa từng có trong vòng nửa thế kỷ qua.
Dù WB từng khuyến cáo các nước nghèo tham gia thị trường vốn quốc tế để thực hiện các dự án hạ tầng, kỹ thuật phục vụ tăng trưởng kinh tế lâu dài, nhưng đa phần các quốc gia này lại dùng tiền vay vào phúc lợi xã hội, giáo dục, y tế, phòng chống thiên tai nên khả năng sinh lời gần như không có.
Châu Phi vẫn là khu vực chìm ngập nặng nhất trong nợ nần. Như tại Gambia, gánh nặng nợ nần đã tăng từ 60% lên 88% GDP trong 4 năm qua. Tại Mozambique, nợ công đã tăng từ 50% lên 102% GDP trong giai đoạn 2013-2018.
Trung Quốc không tham gia “Câu lạc bộ Paris”- nhóm 19 quốc chủ nợ lớn nhất thế giới, chuyên cung cấp các chương trình tài chính cho tái thiết, tái cấu trúc. Tuy vậy, số tiền mà nước này chi cho vay không hề nhỏ.
Có 11 quốc gia hiện đang mắc nợ quá mức hoặc đang có nguy cơ trở nên mắc nợ quá mức. Những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các quốc gia đang có xung đột, lãnh đạo có năng lực quản trị yếu hoặc quá phụ thuộc vào tài nguyên, nguyên liệu thô.
Đáng chú ý, Trung Quốc gánh phân nửa trong núi nợ 55.000 tỷ USD. Điều này chứng minh cho một nghịch lý rằng, Trung Quốc vừa là con nợ lớn nhất, nhưng cũng là chủ nợ lớn nhất trên toàn cầu.
Thông qua những sáng kiến xuyên quốc gia, Trung Quốc cấp vốn cho hàng chục quốc gia trải dài từ Châu Á sang Châu Phi, thậm chí cả Châu Âu; đồng thời sở hữu trái phiếu chính phủ Mỹ với quy mô lớn nhất, ước tính hàng ngàn tỷ USD.
Nhìn vào cơ cấu tài chính hiện tại, rất có lý do để nghi ngờ tính ổn định của nền kinh tế số 2 toàn cầu. Bởi không một quốc gia phát triển nào lại đi vay hàng chục ngàn tỷ USD và luôn đấu tranh để được xếp vào nhóm đang phát triển.
Có hay không khủng hoảng nợ?
Trong bối cảnh hiện nay, không một quốc gia nào không mắc nợ và không “đầu tư” bằng nhiều cách khác nhau. Tại trung tâm thế giới là Châu Âu, bóng ma nợ công chưa hết hẳn, các nước Pháp, Italy, Đức đang “nhức đầu” vì bội chi ngân sách.
Kể cả nền kinh tế Mỹ, được cho là xán lạn dưới thời Tổng thống Donald Trump, nhưng khối nợ công đã tăng đến mức kỷ lục 22 ngàn tỷ USD. Vậy rút cục, ai mới là chủ nợ của phần còn lại?.
Có thể bạn quan tâm
Châu Âu và “bóng ma” khủng hoảng nợ
11:00, 20/01/2019
Khủng hoảng nợ ở Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ có phải là một dấu hiệu cảnh báo toàn cầu?
15:08, 16/06/2018
Cảnh báo khủng hoảng nợ: Đến lượt Indonesia
11:07, 12/09/2015
Rất bất ngờ, theo một nghiên cứu thông qua việc thống kê và phân tích dựa trên số liệu nợ của 152 nền kinh tế trong suốt 60 năm qua. Nhóm chuyên gia tài chính từ Đại học Munich (Đức), Havard (Mỹ), Viện Kiel (Đức) kết luận: Trung Quốc chính là chủ nợ lớn nhất, hơn cả WB hay IMF.
Tuy nhiên, khoảng 50% khoản nợ quốc tế mà Trung Quốc đang gửi gắm tại các nước đang phát triển và mới nổi dường như lại không được các tổ chức tài chính lớn như IMF, Câu lạc bộ Paris, các cơ quan đánh giá, cung cấp dữ liệu tư nhân ghi nhận.
Như vậy đã rõ nguyên nhân của cái gọi là “khủng hoảng nợ ở các nước nghèo”- nhiều khi không phản ánh đúng và đủ tình hình kinh tế toàn cầu như nhiều người nghĩ.
Cuộc khủng hoảng này xảy ra khi con nợ mất khả năng thanh toán, mà nguồn gốc của nó là các khoản vay “thiếu minh bạch”, điều kiện dễ dàng. Hay nói cách khác, khủng hoảng hay không khủng hoảng hoàn toàn phục thuộc vào thái độ của bên cho vay.
Tại sao EU phải “giải cứu” Hy Lạp trong cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008? Trong trường hợp này, cứu người là cứu mình vì chính các chủ nợ đã đổ rất nhiều tiền vào Hy Lạp, Iceland!
Có một dòng chảy ngầm của tài chính quốc tế, không mấy khi tuân theo các khuyến cáo của các tổ chức hữu quan. Đó là khi các nước nghèo tiêu xài phung phí, sử dụng vốn vay vào những dự án phi kinh tế.