Kinh tế toàn cầu dính cúm COVID-19 (Kỳ II): Giải pháp cho các nền kinh tế
Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở cao khi lệ thuộc lớn vào xuất khẩu và FDI, nên sẽ chịu tác động tiêu cực rất mạnh từ dịch cúm COVID-19.
Dịch cúm COVID-19 đã và đang tác động mạnh đến các lĩnh vực thương mại, du lịch và FDI của Việt Nam.
Ba tác động khó cưỡng
Thứ nhất, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Năm 2019, tổng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 41,41 tỷ USD, chiếm 15,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, nhóm hàng xuất khẩu nông, lâm, thủy, hải sản, khoáng sản đã chiếm tới khoảng 25%, tức khoảng 10 tỷ USD. Nếu trừ khoảng 70% thuộc về khối FDI, thì kim ngạch xuất khẩu của nhóm doanh nghiệp Việt sẽ ở mức khoảng 79 tỷ USD.
Do tác động của dịch cúm COVID-19, xuất khẩu sang Trung Quốc trong tháng 1/2020 giảm tới 35,3% và nhập khẩu cũng giảm hơn 20% so với tháng 12/2019. Nghĩa là phần thu nhập trực tiếp của doanh nghiệp Việt nhờ xuất khẩu bị thu hẹp đáng lo ngại, đồng thời sản xuất trong nước cũng bị ảnh hưởng nặng vì lệ thuộc nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc.
Thứ hai, ngành du lịch Việt Nam có vị trí quan trọng trong nền kinh tế, chiếm khoảng 6% GDP (năm 2018) và đang phấn đấu đạt tỷ trọng 10% GDP năm 2025. Trong đó, lượng khách du lịch từ Trung Quốc chiếm tới 25% lượng khách nước ngoài trong cả nước. Sự sụt giảm mạnh lượng du khách này cùng với giảm hoạt động du lịch khác sẽ gây tổn thất lớn cho ngành du lịch Việt Nam, cũng như GDP năm 2020.
Thứ ba, tác động của dịch COVID-19 đến FDI không rõ ràng, vì về cơ bản, tác động tiêu cực từ dịch cúm này chủ yếu mang tính ngắn hạn. Tuy nhiên, Việt Nam được cho là cũng có thể được hưởng lợi ngắn hạn do các đơn đặt hàng sẽ chuyển sang Việt Nam vì sự ngưng trệ ở Trung Quốc do dịch cúm gây ra.
Có thể bạn quan tâm
Kinh tế toàn cầu dính cúm (Kỳ I): Chao đảo vì dịch Corona
16:44, 05/02/2020
2020: Tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn bị bủa vây bởi rủi ro
16:59, 09/01/2020
Cơ hội nào trong sự phục hồi của kinh tế toàn cầu?
04:00, 05/01/2020
Triển vọng kinh tế toàn cầu 2020
15:00, 03/01/2020
Các biện pháp ứng phó
Do là một cú sốc kinh tế lớn nên nhiều quốc gia tùy thuộc vào mức độ liên quan đến nền kinh tế Trung Quốc, mà đưa ra các biện pháp phản ứng nhằm chống lại tác động tiêu cực về mặt kinh tế.
Các chính phủ nhiều nước như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Hồng Kông, Singapore đều cho thấy dấu hiệu sẽ có hành động phản ứng. Tuy nhiên, những dấu hiệu hạ lãi suất là rõ ràng hơn cả, trong khi gói kích thích từ ngân sách là chưa rõ ràng. Có thể các quốc gia còn chờ đánh giá tác động cụ thể hơn, cũng như triển vọng của việc kiểm soát dịch bệnh này.
Chẳng hạn, Thái Lan đã giảm lãi suất cơ bản từ mức đang thấp kỷ lục là 1,25%/năm xuống 1%/năm vào ngày 6/2 vừa qua. Đồng thời, nước này cho biết sẽ đưa ra gói kích thích kinh tế trong ngân sách năm 2020 gồm cắt giảm thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và các dự án lớn, nới lỏng các điều kiện thanh toán nợ, kéo dài hạn trả nợ thuế thu nhập cá nhân từ tháng 3- 6/2020.
Philippines cũng cắt giảm lãi suất từ mức 4%/năm xuống mức 3,75%/năm. Singapore còn đang xem xét có giảm lãi suất hay không khi cho rằng vẫn còn dư địa tăng trưởng.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã hạ lãi suất và bơm khoảng 240 tỷ USD vào nền kinh tế, đồng thời mua chứng khoán để ổn định thị trường chứng khoán đang hoảng loạn.
Việt Nam được xem là sẽ bị thiệt hại nặng nhất vì sự phụ thuộc lớn vào Trung Quốc. Do đó, Chính phủ nên sớm nghĩ đến một gói kích thích kinh tế vừa phải có mục tiêu cụ thể nhằm hỗ trợ một số lĩnh vực chịu thiệt hại nặng. Chẳng hạn, các mục tiêu được nhắm đến như hỗ trợ ngành du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu nông, lâm, thủy, hải sản, khoáng sản.
Các biện pháp hỗ trợ có thể bao gồm như hạ lãi suất đối với các khoản vay hay nới lỏng điều kiện vay dành cho các khu vực nói trên; hoãn thanh toán nợ hay cho phép vay để đảo nợ; cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hay thuế thu nhập cá nhân.