[COVID-19] Kinh tế ASEAN bị hạ dự báo tăng trưởng còn 4,2%
Báo cáo triển vọng kinh tế Đông Nam Á của Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales, dịch COVID-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến du lịch, làm gián đoạn chuỗi cung ứng khu vực và giảm chi tiêu hộ gia đình.
Lí giải về nguyên nhân hạ dự báo tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á, báo cáo nêu rõ, tác động bất lợi của sự bùng phát dịch COVID-19 đối với nền kinh tế Trung Quốc đã lan rộng đáng kể tới khu vực Đông Nam Á bởi dòng chảy du lịch và chi tiêu hộ gia đình thấp hơn cùng mức độ gián đoạn của các chuỗi cung ứng.
Chính vì vậy, những nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch và xuất khẩu sẽ chịu tác động nhiều nhất. Cụ thể, Thái Lan là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong số các nền kinh tế khu vực, còn Việt Nam và Singapore sẽ chịu ảnh hưởng từ sự gián đoạn nguồn cung và cấm du lịch.
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng: Gỡ khó cho doanh nghiệp trước “bão” COVID-19
18:04, 12/03/2020
Dịch COVID-19: Khách du lịch tới Hà Nội giảm 70%, nhiều doanh nghiệp lữ hành cơ bản dừng hoạt động
15:12, 12/03/2020
Thủ tướng đề nghị tập đoàn tư nhân biến nguy thành cơ trong "đại dịch" COVID-19
12:59, 12/03/2020
Chuỗi cung ứng toàn cầu thời hậu COVID-19 SẼ ĐỊNH HÌNH THẾ GIỚI MỚI
11:30, 12/03/2020
Trong khi đó, do ít phụ thuộc vào du lịch nên tăng trưởng của Indonesia được dự đoán sẽ chịu tác động ít hơn. Việc Singapore phải đóng cửa biên giới với du khách đến từ Trung Quốc, Iran, miền bắc Italy và Hàn Quốc cũng khiến các ngành dịch vụ du lịch bị ảnh hưởng nặng nề trong quý I/2020.
Ngoài ra, xuất khẩu dịch vụ của Singapore có thể sẽ giảm mạnh, chỉ được bù đắp một phần bởi nhập khẩu dịch vụ. Chi tiêu tư nhân cũng sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn so với dự đoán ban đầu.
Theo bà Sian Fenner, Cố vấn kinh tế của ICAEW và Trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế Châu Á - Oxford Economics nhận định, tác động của đợt bùng phát COVID-19 sẽ lớn hơn SARS do sự dịch chuyển nhiều hơn của người dân và sự phụ thuộc lẫn nhau trong chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 được dự đoán sẽ chỉ tác động đến du lịch và chuỗi cung ứng trong ngắn hạn, sẽ có sự phục hồi đáng kể trong nửa cuối năm 2020. Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như chu kỳ phục hồi của nền kinh tế toàn cầu trong nửa cuối năm cho thấy triển vọng bên ngoài của khu vực.
Đồng thời, đà xuất khẩu và nhập khẩu dự kiến sẽ cải thiện đáng kể trong suốt thời gian còn lại của năm. Nới lỏng chính sách tiền tệ trong khu vực và chủ động tăng chi tiêu cũng sẽ hỗ trợ thêm cho nhu cầu trong nước và giảm bớt một phần tác động của dịch bệnh.
Nhìn chung, tăng trưởng GDP trên toàn khu vực được dự báo sẽ giảm xuống còn 4,2% vào năm 2020, giảm từ 4,5% từ năm 2019, tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Nếu dịch bệnh kéo dài, chi tiêu dài hạn có thể bị ảnh hưởng, làm hạ mức tăng trưởng hơn nữa.
Mặc dù dự đoán tác động của dịch COVID-19 đến kinh tế các quốc gia trong khu vực sẽ cao, nhưng điều này sẽ tồn tại trong thời gian ngắn và sẽ được cải thiện nhờ các chính sách kích cầu nội địa của các quốc gia. Các chuyên gia của ICAEW cũng kỳ vọng, hầu hết các tác động kinh tế sẽ xảy ra trong quý 1 năm 2020 và tăng trưởng sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2020.
Cùng với đó, các chính sách tiền tệ mở rộng và kích thích tài khóa sẽ giúp làm giảm tác động từ dịch bệnh. Thái Lan, Malaysia và Philippines đã cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm, với Indonesia có khả năng tiếp tục cắt giảm thêm trong quý 1 năm 2020. Tại Singapore, Cơ quan Quản lý tiền tệ (MAS) có thể sẽ chuyển sang chính sách không tăng giá đồng tiền đối với biên độ nội tệ trong giao dịch thương mại vào tháng 4.
Có thể thấy, cho đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh COVID-19 đã lây lan trên toàn cầu, tạo nên những đứt gãy trong chuỗi cung ứng hàng hoá, làm đình trệ hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và toàn cầu nói chung. Đặc biệt, vấn đề của Trung Quốc sẽ tạo ra chuỗi khó khăn liên quan tới nhu cầu, nguồn cung, cũng như rắc rối tại các thị trường tài chính.
Tại khu vực Đông Nam Á, Lào, Myanmar và Brunei chưa ghi nhận bất kỳ ca nhiễm nào. Dù vậy, chính phủ các quốc gia này đều nhanh chóng áp dụng một số biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt, bao gồm buộc công chức phải tuân thủ biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt khi trở về từ nước ngoài, như cách ly bắt buộc 14 ngày để hạn chế tối đa tầm ảnh hưởng của dịch bệnh.