COVID-19 sẽ thay đổi ngành bán lẻ ra sao?
Sự bùng phát của COVID-19 dường như đang thay đổi thói quen mua sắm của mọi người. Một sự thay đổi có thể làm ảnh hưởng lâu dài đến ngành công nghiệp bán lẻ.
Trước đây, người dân Mỹ thường mua sắm sách và các đồ điện tử bằng giao dịch trực tuyến. Họ đặt hàng bữa tối thông qua các ứng dụng giao hàng trên internet.
Tuy vậy, hầu hết các khách hàng này vẫn thích mua nhu yếu phẩm của họ tại các cửa hàng tạp hóa hoặc siêu thị. Chính bởi vậy, năm ngoái, chỉ có 4% doanh số bán hàng tạp hóa ở Hoa Kỳ được bán online.
Tuy nhiên, trong thời điểm này, hàng triệu người Mỹ đang bị mắc kẹt trong nhà sau các lệnh phong tỏa của chính phủ. Việc mua sắm hàng tạp hóa trực tuyến đang bùng nổ. Có thể thấy điều đó trên việc xem số lượt tải xuống của Instacart, ứng dụng tạp hóa của Walmart và Shipt tăng một cách đột biến, lần lượt 218%, 160% và 124% so với cùng kỳ năm trước.
J. Fleeman, giám đốc thương mại điện tử của Akeep Delhaize tại Mỹ, công ty sở hữu các thương hiệu như Stop & Shop, Food Lion và dịch vụ giao hàng trực tuyến Peapod cho rằng, doanh nghiệp của họ đang chứng kiến một tỷ lệ lớn khách hàng trên 60 tuổi mới tham gia vào kênh này và sẵn sàng mua sắm trực tuyến.
Bên cạnh đó, theo một cuộc khảo sát của các nhà phân tích tại Gordon Haskett Research Advisors có đến một phần ba số người tiêu dùng cho biết họ đã mua hàng tạp hóa và nhận giao hàng trực tuyến trong bảy ngày qua.
Có thể nói, hành vi của người tiêu dùng sẽ thay đổi trong những thời điểm xảy ra thiên tai hay dịch họa, mọi người đang cố gắng học thêm các kỹ năng mới để tồn tại và cách mua sắm trực tuyến là kết quả của những gì mà người ta trải nghiệm hôm nay.
Theo thông tin từ các cửa hàng tạp hóa lớn như Walmart, Albertsons, Stop & Shop, trước đây người dân Mỹ thường mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng tạp hóa của Walmart hoặc Safeway nhưng gần đây họ đã chuyển qua thử đặt hàng trực tuyến thông qua các app tùy chọn mua hàng của Walmart. Rất nhiều người có dự định tiếp tục sử dụng dịch vụ trên.
Một số người khi được hỏi về cảm giác khi mua sắm hàng hóa trực tuyến họ cho rằng, "nó thực sự dễ dàng". Nhiều người còn chia sẻ, khi mọi thứ trở lại bình thường, họ có thể vẫn sẽ sử dụng các hình thức mua sắm trực tuyến trở lại.
Và điều này cũng khiến các cửa hàng tạp hóa lớn phải “chuyển mình theo thời cuộc”. Họ bắt buộc phải thử nghiệm những cách mới để thực hiện các đơn đặt hàng trực tuyến trong thời gian gần đây. Một phần để giữ lượng khách hàng đang bị hao hụt trong dịch bệnh, một phần cắt giảm chi phí và tránh sự lây lan của COVID-19.
Để làm việc này, các cửa hàng tạp hóa đã xây dựng các kho nhỏ tự động bên trong các cửa hàng của họ và mở ra các “blackstore" - những địa điểm trông giống như siêu thị nhưng đóng cửa với khách hàng. Mục đích chỉ để giao hàng và chuẩn bị các đơn đặt hàng.
Tuy nhiên, hiện nay, do sự bùng phát của COVID-19, nhu cầu mua sắm của người dân Mỹ đang tràn ngập các mạng lưới giao nhận hàng của các cửa hàng tạp hóa. Rất nhiều đơn hàng đã phải hủy bỏ hoặc phải chờ đợi trong một thời gian khá dài.
Bill Bishop, CEO của công ty tư vấn tạp hóa Brick Meets Click than thở: "sự gia tăng về số lượng các đơn đặt hàng tạp hóa trực tuyến đang gây ra những khó khăn trong hoạt động của chúng tôi".
Có thể bạn quan tâm
Bán lẻ tại Mỹ sắp "toang" vì COVID-19
06:30, 01/04/2020
Ngành bán lẻ mùa COVID-19: Thời “liệu cơm gắp mắm”
01:00, 27/03/2020
Ngành bán lẻ "ngấm mệt" COVID-19
17:09, 23/03/2020
Các chuyên gia dự đoán, sự thay đổi thói quen mua sắm hàng hóa trong cuộc khủng hoảng này rất có thể sẽ định hình lại ngành công nghiệp siêu thị bằng cách giúp các cửa hàng tạp hóa lớn thay đổi cách cung cấp và hoạt động của họ trong thời gian tới.
Việc người tiêu dùng chuyển sang mua sắm hàng tạp hóa trực tuyến có thể sẽ khiến cho các cửa hàng, siêu thị phải đối mặt với các vấn đề đóng cửa và cắt giảm nhân sự. Một số các nhà bán lẻ lớn nhất của Mỹ như Macy, Kohl hay là Gap đang “thở vắn than dài” khi bắt buộc phải cho hàng chục ngàn nhân viên tạm thời nghỉ việc.
Gap, Macy và Kohl bắt buộc phải đóng của các cửa hàng bán lẻ trên khắp nước Mỹ và châu Âu vì lo ngại dịch bệnh lây lan khiến cho họ phải cắt giảm phần lớn số lượng nhân viên của các nhà kinh doanh bán lẻ lớn nhất nước Mỹ.
Những nhà bán lẻ vẫn còn hoạt động kiểu truyền thống lại đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Walmart, nhà bán lẻ lớn nhất nước Mỹ, đang vật lộn với việc giữ cho các kệ hàng còn tồn kho và các hoạt động mua sắm được trơn tru trong khi vẫn phải cố gắng giữ sự an toàn trước đại dịch COVID-19.
Đối với khách hàng, Walmart cũng đã đưa ra các loại khăn lau và nước khử trùng tay ở lối vào của các cửa hàng. Walmart cũng phải tạo ra một chính sách nghỉ phép được trả lương khẩn cấp cho những nhân viên bị nhiễm COVID-19 hoặc sống ở khu vực được kiểm dịch.
Có thể nói, đại dịch toàn cầu COVID-19 đã và đang gây ra những “cản trở xã hội” một cách vô cùng lớn. Nhiều nhà phân tích thị trường cho rằng, giai đoạn khủng hoảng dịch bệnh này lại đang là “cái cớ” để thay đổi cấu trúc trong mua sắm của người tiêu dùng hiện nay.