Trung Quốc trước màn "đánh hội đồng" từ phương Tây
Trên toàn thế giới, ngày càng có nhiều nước đòi mở cuộc điều tra quốc tế để xác định một cách chính xác nguồn gốc đại dịch COVID-19. Và “Cơn bão dư luận” đang bắt đầu thổi mạnh về hướng Bắc Kinh.
Nhiều nước đang cho rằng Bắc Kinh che giấu đại dịch và “vô trách nhiệm” với toàn thế giới. Việc Chính quyền Bắc kinh từ chối cung cấp các kết quả điều tra dịch tễ học và mở cửa cho các chuyên gia đang khiến cho cộng đồng quốc tế cảm thấy có điều gì đó "khuất tất" trong cái cách mà nước này đang làm.
Cả thế giới “giương cờ” chống Trung Quốc.
Tất nhiên, tấn công chính quyền Bắc Kinh dữ dội nhất vẫn là nước Mỹ, nơi mà đang phải chứng kiến hơn một triệu ca nhiễm và ít nhất 70 nghìn người tử vong!
Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã đẩy mạnh các cuộc tấn công gần đây vào Trung Quốc hết sức “tin tưởng” rằng COVID-19 đến từ phòng thí nghiệm tại Vũ Hán. Và ông cũng hoàn toàn cho rằng đó là một nguyên nhân của các cuộc sụp đổ kinh tế và niềm tin của nước Mỹ.
Hơn thế nữa, Trump cũng tin rằng, Trung Quốc đang cố tình khiến cho cuộc tái cử tới đây của ông gặp nhiều “chông gai và thử thách”. “Vấn đề Trung Quốc” hiện nay đã trở thành một chủ đề "nóng" của đời sống chính trị Mỹ. Với sự “hiếu chiến” của mình, Donald Trump đang đòi Bắc Kinh phải trả giá, trước hết với việc đe dọa tăng thuế trừng phạt với hàng hóa Trung Quốc.
Chính quyền Úc, vốn khá kín tiếng trên chính trường ngoại giao quốc tế, mới đây cũng đã lên tiếng kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo thế giới, các thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra những đánh giá một cách “rõ ràng” và “minh bạch” về nguồn gốc và sự lây lan của COVID-19 từ Trung Quốc. Bắc Kinh dọa trả đũa, với việc tẩy chay hàng hóa và đại học Úc.
Trên thực tế, Canberra vốn lệ thuộc nhiều vào Bắc Kinh về mặt thương mại. Tuy nhiên giờ đây cũng “mạnh dạn” đòi mở một cuộc điều tra quốc tế độc lập về đại dịch. Tình báo Úc cùng với bốn đối tác trong liên minh Five Eyes (Ngũ nhãn) thậm chí còn tố cáo Bắc Kinh đã “hủy bằng chứng” về nguồn gốc của virus corona.
Bên cạnh đó, Liên minh châu Âu cũng đã bắt đầu “cao giọng” với Trung Quốc, cho dù bằng tất cả “sự dè dặt” bởi việc làm ăn kinh tế còn phải “nhìn sắc mặt” Trung Quốc nhất là trong lĩnh vực trang thiết bị y tế.
Bộ Ngoại giao Pháp cho biết đã triệu đại sứ Trung Quốc tại Paris, để bày tỏ thái độ bất bình của Pháp về những lời công kích các biện pháp y tế của nước này chống lại đại dịch COVID-19 mà sứ quán Trung Quốc “ngoa truyền” trong thời gian gần đây.
Và mới đây, Bruxelles được cho là đang chuẩn bị dự thảo một nghị quyết cho hội nghị toàn thể của WHO. Lãnh đạo ngoại giao Liên minh châu Âu, Joseph Borrell, nhấn mạnh đến “tầm quan trọng” của việc làm sáng tỏ các bối cảnh cụ thể khiến đại dịch COVID-19 bùng phát và đồng thời đòi hỏi một cuộc điều tra “độc lập” về những gì đã diễn ra. Cho dù châu Âu luôn coi Bắc Kinh là một “đối tác chiến lược”.
Tổ Chức Y Tế Thế Giới, WHO, nơi mà từ đầu đến nay bị chỉ trích mạnh về thái độ nghiêng về Trung Quốc, cũng đã bắt đầu thay đổi với việc đề nghị Bắc Kinh cho tham gia điều tra nguồn gốc virus.
Áp lực từ nhiều phía của các cơ quan tình báo phương Tây cũng đang khiến Trung Quốc cảm thấy “đau đầu”. Một tài liệu điều tra của các cơ quan tình báo thuộc liên minh Five Eyes cáo buộc Bắc Kinh “phá hủy bằng chứng” về nguồn gốc virus đang làm dấy lên một làn sóng “bài Trung” rất mạnh mẽ nơi Mỹ và Phương tây.
Phản ứng của Bắc Kinh.
Bản thân chính quyền Bắc Kinh cũng ý thức được sự “phẫn nộ” của thế giới đối với Trung Quốc. Theo Reuters, một báo cáo nội bộ từ chính quyền Trung Quốc đã cho thấy giờ đây Bắc Kinh đang phải đối mặt với một làn sóng phản đối chưa từng thấy từ quốc tế, kể từ sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989.
Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc - Cicir, tâm lý “bài Trung” trên khắp thế giới có thể khiến dự án “Vành đai và con đường” của Trung Quốc bị giảm tốc. Và cũng có thể làm quan hệ Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng, ảnh hưởng nhiều đến từng bước xây dựng “chủ nghĩa bá quyền”.
Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh vốn chẳng phải “tay vừa”. Họ đang tung ra chiến dịch “trả đũa” truyền thông một cách mãnh liệt.
Đầu tiên là Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Bắc Kinh gọi ông này là “kẻ thù của nhân loại”. Chiến dịch tấn công nhà lãnh đạo ngoại giao Mỹ trên truyền thông Trung Quốc đã diễn ra liên tục trong ba ngày kể từ ngày 27 - 30/04.
Liên tiếp những “danh hiệu” được phong cho Pompeo, từ “kẻ dối trá” đến “kẻ vu khống” và rồi “kẻ thù của nhân loại”. Không một “mỹ từ” nào không dùng cho vị ngoại trưởng Mỹ “tồi tệ nhất trong lịch sử” này.
Ngoại trưởng Mỹ được giới truyền thông Trung Quốc “gán” cho các lỗi không thể tha thứ, đó là cắt tài trợ cho WHO, che giấu thất bại của nước Mỹ trong việc phòng chống dịch COVID-19, đổ vấy trách nhiệm cho Trung Quốc và khiến thảm họa nhân đạo trên thế giới gia tăng, do các đàn áp quá mức nhắm vào một số quốc gia như Cuba hay Iran.
Với nước Úc, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng phản đối đề xuất kêu gọi của nước này với cộng đồng quốc tế. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên báo, Đại sứ Trung Quốc tại Úc, Cheng Jingye, đe dọa sẽ có một cuộc “trừng phạt”, “tẩy chay” với các sản phẩm, du lịch và hệ thống du học tại các trường đại học của Úc.
Và mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang đã lên tiếng bác bỏ các câu hỏi “xoáy” trong cuộc họp giao ban hàng ngày tại Bắc Kinh. Ông này cho rằng, một số quốc gia đang cố gắng “làm to chuyện” bằng các cuộc điều tra được cho là không phù hợp với bầu không khí hợp tác quốc tế đa phương hiện nay.
Về mặt kinh tế, các doanh nghiệp Trung Quốc nhận được sự hậu thuẫn từ chính phủ nước này đã liên tục mở ra các thương vụ mua bán sát nhập toàn cầu các công ty đang chịu những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Trên khắp châu Âu, Bắc Mỹ và các nền kinh tế tiên tiến khác, hiện đang có vô số doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch và không nhận được sự hỗ trợ kịp thời đã trở thành “con mồi” cho các công ty Trung Quốc.
Ngoài ra, trong một thời gian ngắn Trung Quốc đã gia tăng đáng kể khả năng sản xuất trang thiết bị bảo hộ y tế, khẩu trang cũng như máy hỗ trợ thở vào lúc mà cả thế giới còn đang khốn đốn. Trung Quốc tận dụng COVID-19 để đẩy mạnh các tập đoàn và sản phẩm của mình ra thế giới bên ngoài, kể cả trong lĩnh vực công nghệ cao phục vụ cho y tế.
Và điều ấy đã giúp cho Bắc Kinh nắm giữ những con bài quan trọng trong cuộc chiến “một mình chống lại phương Tây” mà trước đây vẫn thuộc về các “siêu cường” như Mỹ hay Nga.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh chưa bao giờ căng thẳng đến như vậy, kể từ khi hai nước nối lại quan hệ năm 1972. Một làn sóng đòi khởi kiện Trung Quốc đang dấy lên, trong đó có vụ kiện do bang Missouri (Mỹ) khởi xướng. Có thể Trung Quốc không bị kết án nhưng cũng rất có thể điều đó sẽ đem lại “vết nhơ” ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của họ.
Và lập trường “cứng rắn” với Trung Quốc của Donald Trump đang thể hiện một thái độ “không thỏa hiệp” bằng những biện pháp mãnh liệt trên mặt trận kinh tế. Rất có thể tới đây, một cuộc "chiến tranh lạnh" khác sẽ được khơi mào.
Có thể bạn quan tâm