Ảm đạm thiên đường du lịch Bali
Với hơn ba phần tư là khách du lịch nước ngoài, Bali từng được coi là thiên đường du lịch của Indonesia. Nhưng không may, dịch COVID-19 ập đến...
Với hồ bơi riêng, những khu vườn nhiệt đới có tường bao quanh và một sân thượng lớn nhìn ra thung lũng xanh tươi ở trung tâm Bali, biệt thự ba phòng ngủ của Kadek Wisana thường có giá thuê 100 USD/đêm.
Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, anh Wisana đã buộc phải cắt giảm tiền thuê nhà xuống còn 400 USD/tháng mà vẫn không có người thuê. Với hơn ba phần tư người ở Bali là khách du lịch nước ngoài, hòn đảo này từng được coi là thiên đường du lịch của Indonesia, nhưng dịch COVID-19 đến và tàn phá ngành du lịch biển đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng này.
Wisara là một trong nhiều chủ sở hữu biệt thự nghỉ dưỡng ở Bali đã phải áp dụng chính sách giảm giá lên tới 85% trong những nỗ lực tuyệt vọng nhằm kiếm được một số tiền nhỏ từ việc cho thuê nhà, giúp thanh toán các hóa đơn tối thiểu.
Theo báo cáo của trang nghiên cứu thị trường villa-finder.com, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Bali vốn được xem thị trường hoạt động tốt nhất thế giới, với khoảng 4.000 biệt thự sang trọng nằm trên đảo - nhiều hơn bất kỳ địa điểm nghỉ dưỡng nào ở châu Á-Thái Bình Dương. Giá thuê trung bình mỗi villa ở đây là 220 USD/đêm trước khi dịch COVID-19 bùng phát.
Một biệt thự bốn phòng ngủ màu trắng theo phong cách kiến trúc Tây Ban Nha ở khu vực bên bờ biển Seminyak, với nhân viên dọn phòng, hiện đang được chào với giá thuê 1.100 USD/tháng, trong khi chủ sở hữu một ngôi nhà phố hai tầng ở Ubud đang rao cho thuê ở mức 500 USD/tháng. Ở thời điểm cùng kỳ năm ngoái, mức thuê các căn nhà tương tự như vậy có giá gấp 3 lần mức giá hiện tại.
Thế nhưng, ngay cả với mức giảm giá hào phóng như vậy, chủ sở hữu những căn biệt thự hay nhà phố này vẫn không tìm được khách thuê sau khi Indonesia ngừng cấp visa cho khách du lịch nhằm ngăn chặn sự lây lan và bùng phát của COVID-19.
Trong khi một số mô hình toán học đã dự đoán một kịch bản tồi tệ sẽ xảy ra với quốc đảo có dân số 270 triệu người, Indonesia cho đến nay chỉ báo cáo 32.033 ca nhiễm và 1.883 ca tử vong. Riêng tại Bali chỉ ghi nhận 237 ca mắc và 4 người tử vong. Không phải chỉ có thị trường nhà cho thuê tại Bali đang gặp khó bởi cuộc khủng hoảng COVID-19. Dịch bệnh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị mua bán của bất động sản.
Chỉ sau một đêm,dịch bệnh đã biến những biệt thự, những khu đất đáng thèm muốn đó thành tài sản bất động! Nhiều chủ sở hữu thậm chí còn nhờ bạn bè và người quen đến ở miễn phí, nhằm tránh tình trạng trộm cắp, cũng như duy trì tình trạng hoạt động của khu nhà.
Tuy nhiên, Agus Astawa, người đứng đầu Ủy ban Du lịch khu vực Nawa Cita ở Bali - một cơ quan trực thuộc Chính phủ có nhiệm vụ thúc đẩy đầu tư vào Indonesia, lại nhìn nhận mọi thứ theo hướng tích cực hơn.
Ông Agus cho rằng, "không có vấn đề gì đối với thị trường, mọi thứ chỉ ở chế độ ngủ đông. Đối với các nhà đầu tư Indonesia, một số ngân hàng đang áp dụng các chính sách hỗ trợ rất tốt. Cònđối với các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực kinh tế thực sự, điều duy nhất họ cần là bình tĩnh và đợi cho đến khi mọi thứ trở lại bình thường."
Ông Valerio Tocci, một kiến trúc sư người Italy, hiện đang sở hữu khoảng 50 biệt thự ở Bali, đang làm chính xác điều đó. "Khoảng 30% biệt thự của chúng tôi đang cho thuê dài hạn với thời gian trên 20 năm, người thuê đã trả tiền đầy đủ. 70% còn lại là vốn của chúng tôi. Chúng tôi không có các khoản vay ngân hàng, do đó hiện tại chúng tôi chỉ phải trả phí bảo trì. Các khoản phí này không đắt. Chúng tôi đang ngủ đông và chờ thị trường hồi phục lại.”
Ông Astawa tin rằng thời điểm thị trường phục hồi sẽ không còn xa. "Tôi tin rằng các bánh răng của vòng quay kinh doanh đang bắt đầu hoạt động trở lại. Mọi thứ sẽ phục hồi và đi vào quỹ đạo ổn định vào cuối năm nay.”, ông nói.
Nhưng với người Australia - nguồn khách du lịch lớn thứ hai của hòn đảo và là nguồn khách hàng thuê biệt thự phổ biến nhất, thậm chí lại không được phép rời khỏi Australia trước cuối năm nay, và trong khi đó châu Âu vẫn quay cuồng vì ảnh hưởng của đại dịch, thì vẫn không thể khôi phục lại hoàn toàn hoạt động du lịch tại Bali.
Trong trường hợp xấu nhất, thị trường bất động sản của Bali chỉ có thể bắt đầu phục hồi sau khi các nhà khoa học điều chế thành công vắc xin phòng ngừa COVID-19. Thế nhưng đối với một nền kinh tế địa phương vốn phụ thuộc hoàn toàn vào du lịch với tới 80% doanh thu đến từ ngành công nghiệp không khói, việc "ngủ đông" kinh tế kéo dài như vậy có thể gây ra làn sóng bán tháo tài sản.
Công ty tư vấn thị trường Nilsen cho biết một số vết nứt trên thị trường đã bắt đầu xuất hiện. "Khá nhiều nhà đầu tư ở Bali đang rao bán bất động sản của mình", báo cáo của công ty chỉ rõ. Nilsen thậm chí còn cho biết thêm rằng các cuộc khủng hoảng khác như vụ đánh bom ở Bali năm 2002 hay việc các núi lửa đang hoạt động cũng không ảnh hưởng đến thị trường nhiều như đại dịch COVID-19 lần này.
Nhìn về thế giới hậu COVID-19, Bali có thể nổi lên như một sự lựa chọn hoàn hảo cho một nhóm người “du mục kỹ thuật số” - một định nghĩa mới để nói về những người đã quen với những lợi ích của việc làm việc tại nhà và không muốn quay trở lại làm việc tại văn phòng.
Có thể bạn quan tâm