Bất ổn kinh tế toàn cầu Kỳ II: Kịch bản nào nửa cuối năm 2020?
Triển vọng kinh tế toàn cầu nửa cuối năm 2020 và xa hơn lệ thuộc phần lớn vào việc kiểm soát đại dịch, đặc biệt là đối với những nền kinh tế chủ chốt.
Bức tranh u ám
Hiện tại, việc kiểm soát dịch bệnh có tiến triển tốt và nền kinh tế đang dần tái mở ở Châu Âu và Nhật Bản, trong khi tình hình dịch bệnh ở Mỹ, Trung Quốc đang diễn biến phức tạp...
Trong khi đó, triển vọng có được vắc xin vẫn chưa rõ ràng trong thời gian tới. Thậm chí, sẽ thực sự tồi tệ, nếu vắc xin chưa có mà dịch lại kéo dài qua mùa hè sang thu và đông, vì mức độ lây lan và tác động của dịch bệnh trong mùa đồng sẽ vô cùng lớn.
Hơn nữa, nếu dịch bệnh kéo dài, thì các gói kích thích kinh tế sẽ không còn nhiều tác dụng, khiến cho sự phục hồi kinh tế sẽ khó khăn hơn. Đây thực sự là viễn cảnh thảm họa với kinh tế thế giới.
Đến nay, nhiều nền kinh tế lớn đã tái mở cửa nền kinh tế phần nào, và sự phục hồi cũng đã xuất hiện nhưng đơn giản chỉ là đủ ngăn đà giảm thêm mà thôi. Sự phục hồi trong quý II là không đáng kể, và phần còn lại của năm cũng không nhiều kỳ vọng vì như đề cập ở trên khi tình hình dịch bệnh vẫn còn căng thẳng, chưa thể nghĩ tới sự phục hồi hoàn toàn.
Chẳng hạn, tăng trưởng GDP hàng năm của Mỹ quý I/2020 giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng trong quý II nhiều khả năng vẫn suy giảm vì mức tăng bán lẻ trong tháng 5 dù tăng mạnh 17,7% nhờ tái mở cửa nền kinh tế nhưng cũng chỉ đủ bù lại mức - 14,7% trong tháng 4.
Tăng trưởng GDP quý I/2020 của EU âm 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, và GDP quý II cũng không thể khá hơn nhiều. Bởi vì mức bán lẻ trong tháng 4 và 5 lần lượt là âm 11,1% và âm 11,7%.
Trong khi tăng trưởng GDP quý 1 của Trung Quốc âm 6,8% và quý 2 cũng cũng không thể có cải thiện nhiều khi dịch có nguy cơ bùng phát lần hai ngay tại thủ đô Bắc Kinh.
Hàm ý cho Việt Nam
Có thể có 3 kịch bản triển vọng kinh tế thế giới cuối nửa năm 2020 và xa hơn. Thứ nhất, nếu dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn trong quý III và/hoặc có một loại vắc xin đủ mạnh để kiểm soát dịch bệnh, thì kinh tế thế giới có hy vọng phục hồi hình chữ V, mạnh mẽ trong nửa cuối 2020. Theo IMF, kịch bản này sẽ đem lại tăng trưởng GDP toàn cầu tới 5,8% trong năm 2021.
Thứ hai, nếu không được kiểm soát hoàn toàn nhưng không bùng phát mạnh trở lại trong khi chưa có vắc xin, thì kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi hình chữ V nhưng phần phục hồi đi ngang nhiều hơn là dốc đứng.
Thứ ba, nếu dịch bệnh tái bùng phát mạnh và kéo đến mùa đông trong khi vẫn chưa có vắc xin, thì nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi theo hình W và mức độ phục hồi yếu ớt hơn nhiều, thậm chí nguy cơ một cuộc khủng hoảng và suy thoái sẽ cao hơn. Với những gì đang diễn ra, thì kịch bản một đang có khả năng xảy ra nhiều nhất.
Việt Nam đã đạt được thành công trong kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh trong giai đoạn một. Sự phục hồi đã xuất hiện trong du lịch, công nghiệp khi chỉ số PMI tăng 10 điểm trong tháng 5 lên 42,7 điểm từ mức 32,7 điểm trong tháng 4. Tuy nhiên, PMI vẫn dưới mức 50 điểm, có nghĩa là khu vực công nghiệp chế tạo vẫn trong trạng thái co hẹp.
Nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc phần lớn vào bên ngoài, nên sự phục hồi thực sự chỉ có thể xảy ra khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi hoàn toàn. Như đề cập ở trên, sự phục hồi kinh tế toàn cầu là chưa thể hoàn toàn được vì dịch bệnh vẫn còn rủi ro cao.
Do đó, Việt Nam cần thận trọng với việc tái mở cửa giao lưu kinh tế với bên ngoài. Phương án tốt nhất hiện nay là cố gắng duy trì những hoạt động trong nước. Nói cách khác, mục tiêu duy trì ổn định quan trọng hơn mục tiêu tăng trưởng.
Có thể bạn quan tâm
Bất ổn kinh tế toàn cầu (Kỳ I): “Giải cứu” đủ mạnh và kịp thời
05:00, 27/06/2020
Chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm” cho kinh tế toàn cầu
07:30, 27/06/2020
Chuyên gia Harvard dự báo kinh tế toàn cầu hậu COVID-19
17:25, 23/05/2020
[Thế giới hậu COVID-19] Sự chuyển dịch nền kinh tế toàn cầu
06:00, 11/04/2020
Nền kinh tế toàn cầu sẽ đi theo hướng nào sau “thời kỳ COVID-19”?
06:34, 05/04/2020
COVID-19 không thể đè bẹp kinh tế toàn cầu
16:00, 25/03/2020
“Bóng ma” suy thoái kinh tế toàn cầu
12:00, 24/03/2020
Kinh tế toàn cầu dính cúm (Kỳ I): Chao đảo vì dịch Corona
16:44, 05/02/2020
Kinh tế toàn cầu dính cúm COVID-19 (Kỳ II): Giải pháp cho các nền kinh tế
11:00, 15/02/2020