Phân tích của Bộ Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc (DESA) đại dịch COVID-19 đang phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu và thương mại quốc tế. Trong bối cảnh này, tương lai nền kinh tế và nghề nghiệp đang được nhìn nhận và đánh giá lại.

Với gần 100 quốc gia đóng cửa biên giới lãnh thổ trong tháng qua, sự dịch chuyển của người dân và dòng chảy du lịch đã dừng lại. GDP toàn cầu năm 2020 dự báo sẽ mất 1.000 tỷ USD!

NHẠT NHÒA HÌNH BÓNG TRUNG QUỐC?

Là nơi chứng kiến sự bùng phát đầu tiên của dịch bệnh COVID-19, việc chuỗi cung ứng của Trung Quốc bị gián đoạn trong thời gian dàu đã kích thích làn sóng các công ty đa quốc gia đang chuyển bộ phận sản xuất sang một nước thứ ba khác, hoặc tìm kiếm nguồn thay thế khác đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.

Trong báo cáo của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc về tác động của dịch COVID-19, khảo sát thực hiện từ ngày 17-20/2 áp dụng với 169 công ty thành viên, bao gồm các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ, nhiều công ty đa quốc gia, một số có hoạt động ở Hồ Bắc hoặc các tỉnh gần trung tâm vùng dịch cho thấy, gần 1/3 số người được hỏi cho biết họ đang phải đối mặt với những thách thức về tăng chi phí và giảm mạnh doanh thu.

Trên thực tế, làn sóng thoái lui khỏi Trung Quốc đã âm ỉ trong nhiều năm nhưng rất ít doanh nghiệp đủ khả năng để “nói không” với Trung Quốc! Nước này này vẫn có rất nhiều lợi thế, bởi một số thị trường thay thế phổ biến như Ấn Độ, Đông Nam Á, Mexico… vẫn chưa đủ mạnh về mặt lao động và cơ sở vật chất, chưa kể đến sự khác biệt về chất lượng sản phẩm. Đồng thời, không nước nào có quy mô và chuyên nghiệp như Trung Quốc.

Thêm vào đó, việc vận hành một chuỗi cung ứng tầm cỡ quốc tế bao gồm rất nhiều yếu tố phức tạp, từ cơ sở vật chất cho tới năng suất và thử nghiệm và cả sự chấp nhận đánh đổi. Chính vì vậy, việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng sẽ mất nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ.

Nhưng, như ông Joeg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại EU đánh giá, chỉ đến khi có “giọt nước tràn ly” mang tên COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp nhận thức được sự cần thiết phải phát triển đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Việc nhiều quốc gia lớn trên thế giới chật vật trong việc sản xuất khẩu trang và các thiết bị y tế do phụ thuộc nguồn nguyên liệu tại Trung Quốc càng đẩy mạnh xu hướng này.

Chính vì vậy, thế giới cần tiến tới việc loại bỏ sự phụ thuộc vào nguồn cung đơn lẻ. Nói cách khác, các công ty không chỉ cần nhà cung cấp bên ngoài Trung Quốc mà nên xây dựng một chuỗi các nhà cung cấp đến từ nhiều quốc gia khác nhau, ngay cả khi điều này dẫn đến khả năng làm tăng chi phí và giảm hiệu quả. Việt Nam, Myanmar, Thái Lan … có thể nắm được cơ hội này nếu tranh thủ được cơ hội.

“CÔNG NHÂN - ROBOT”

Mặt phải của đại dịch là mang đến những cơ hội để thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng những công nghệ tinh vi và linh hoạt hơn vào hoạt động, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế.

Tại Trung Quốc, robot thông minh đã được Viện Sức khỏe hô hấp Quảng Châu và Viện Tự động hóa Thẩm Dương thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc phát triển nhằm thay thế các nhân viên y tế lấy mẫu dịch họng của bệnh nhân để xét nghiệm COVID-19.

Hay như Hàn Quốc, nhiều nhà cung cấp của quốc gia này đã ra mắt các dịch vụ kỹ thuật số cung cấp thông tin theo thời gian thực về sự sẵn có của khẩu trang đang được bán tại các cửa hàng.

Bên cạnh đó, sản xuất là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Nhưng đối với nhà máy được vận hành hoàn toàn bởi “công nhân-robot”, dịch bệnh không là vấn đề. Các công ty áp dụng hình thức tự động hóa đã hoạt động tốt hơn so với các công ty phụ thuộc hoàn toàn vào “công nhân-người”. Đơn đặt hàng của Công ty Caja Robotics (chuyên sản xuất robot) đã tăng 25% trong 30 ngày qua!

Rich Lesser, giám đốc điều hành của Boston Consulting Group, chuyên gia tư vấn cho các công ty lớn trên toàn cầu đã nhận định, robot và các phương pháp tiếp cận mới khác giúp duy trì hoạt động sản xuất đang có xu hướng gia tăng vì chúng làm giảm chênh lệch chi phí, đồng thời giúp doanh nghiệp nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng một cách nhanh nhạy hơn.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin và các dịch vụ công nghệ thông tin dự đoán cũng sẽ được đẩy mạnh trong các doanh nghiệp để đảm bảo các hoạt động không ảnh hưởng kể cả trong tình huống xấu nhất.

Trong quá khứ, dịch SARS vào năm 2003 khiến người dân phải hạn chế giao dịch trực tiếp để chuyển sang giao dịch thương mại điện tử. Chính thời điểm đó, những công ty trưởng thành từ “gầm cầu” như Alibaba của tỷ phú Jack Ma trỗi dậy. Với những tố chất của một “phượng hoàng”, Alibaba đã đạt được những thành công vượt bậc như ngày hôm nay.

Việc triển khai Internet of Things (IoT) có thể giúp các quốc gia bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đối phó với đại dịch và xử lý các cuộc khủng hoảng tốt hơn trong tương lai. Thông qua các bộ dữ liệu được lưu trữ trên các nền tảng đám mây, các chuyên gia có thể nhanh chóng gửi dự báo đến các cơ quan của chính phủ để kịp thời có những nhận định sớm về tình hình sắp diễn ra.

Do vậy hãy nhìn nhận COVID-19 như một cơ hội để các quốc gia ươm mầm cho các startup về AI, về công nghệ, thương mại điện tử. Với những quốc gia chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, nhân sự trẻ như Việt Nam đây sẽ là một lợi thế để thích nghi với các nền tảng công nghệ mới nhanh hơn.

SỐ HÓA VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ

Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi số để tồn tại. Nhiều quốc gia trên thế giới đang trải nghiệm làm việc tại nhà và sẽ chứng kiến tính lâu bền của nó. Nhiều nghiên cứu cho thấy làm việc tại nhà là phương án rất khả quan. Theo ước tính, những người làm việc tại nhà có thời gian làm việc hơn 16,8 ngày mỗi năm so với người làm ở công sở.

Cụ thể, trước khi dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ, chỉ có 7% công nhân nước này có lựa chọn làm việc tại nhà và 93% người Mỹ không lựa chọn làm việc tại nhà. Nhưng trong thời điểm bắt đầu dịch, tình hình đảo ngược hoàn toàn.

Mặc dù hiện nay chưa có số liệu thống kê cứng về số lượng người đang làm việc từ xa trên khắp thế giới, nhưng phầm mềm họp trực tuyến của Cisco ở Trung Quốc đã thu hút lượng truy cập tăng gấp 22 lần so với trước khi dịch bệnh bùng phát.

Tương tự, chính sách cách ly xã hội đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác giải trí trực tuyến, đẩy mạnh phát triển các gói kênh dịch vụ truyền hình nhằm đáp ứng mong muốn giải trí của hàng tỷ người dân trên toàn cầu, dù là miễn phí hay trả phí.

Thậm chí, những sản phẩm cũ tưởng không còn khả năng thu hút người xem, cũng được hồi sinh ngoạn mục nhờ hình thức giao lưu trực tuyến như livestream trên các nền tảng mạng xã hội hay qua các kênh Youtube cá nhân.

Có thể thấy, “online hóa” là một xu hướng sống tất yếu xuất hiện, nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân, từ mua sắm, giải trí cho tới giải quyết công việc, học tập, thậm chí là khám chữa bệnh trực tuyến. Điều này cho thấy một thực tế, khi con người phải đối mặt với những thời điểm không chắc chắn và đầy thách thức, vai trò của các nền tảng công nghệ sẽ càng trở nên quan trọng hơn, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

CHIẾC ĐỒNG HỒ ĐẾM NGƯỢC!

Đến lúc này, không ai biết chính xác điều gì sẽ đến, nhưng các quốc gia cần nghiên cứu những bài học của COVID-19 để lại. Rõ ràng rằng, cuộc khủng hoảng toàn cầu đang diễn ra cho thấy cộng đồng quốc tế chưa thực sự chuẩn bị để đối mặt với một cú rẽ ngoặt.

Do đó, thảm họa là cơ hội để lập ra một hệ thống hợp tác quốc tế liên chính phủ có khả năng hành động và đáng tin cậy hơn để phát hiện ngay lập tức các nguy cơ, báo động và tổ chức các biện pháp phòng ngừa và các phương thức xử lý đối với các đại dịch trong tương lai.

Đặc biệt, việc các quốc gia lúng túng trong việc đối phó với đại dịch COVID-19 đã bộc lộ yếu điểm: khi đơn phương tách rời khỏi hệ thống toàn cầu, chúng ta càng dễ tổn thương hơn bao giờ hết. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các tổ chức như WHO, WTO, G7, G20… cần cải tổ và xây dựng hệ thống hỗ trợ tốt hơn để không một quốc gia nào bị bỏ lại phía sau.

Thời gian không còn nhiều, hệ quả của biến cố này hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ của chúng ta. Chỉ có thể là nhanh hoặc không bao giờ!