Châu Âu hỗ trợ kinh tế bằng cách cho dân ăn nhà hàng, ngủ khách sạn
Trong một nỗ lực để đồng thời thúc đẩy nền kinh tế cũng như tránh tình trạng thất nghiệp và vỡ nợ của công ty, các chính phủ châu Âu đang trở nên khá sáng tạo.
Là một phần trong gói kích thích trị giá 30 tỷ bảng mới nhất của Vương quốc Anh, được công bố vào hôm thứ Tư, Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak nói rằng khách hàng có thể được giảm 10 bảng (12,62 USD)/người/bữa ăn, bằng phân nửa so với một bữa ăn trung bình tại nhà hàng. Các ưu đãi này, dự kiến sẽ khiến chính phủ mất 500 triệu bảng Anh, được thiết kế nhằm giúp ngành khách sạn của Anh không bị "tổn thương" thêm.
Tuy vậy, phúc lợi này đi kèm với một số điều kiện. Giảm giá chỉ có hiệu lực vào thứ Hai, thứ Ba và thứ Tư đến hết tháng 8. Ngoài ra, ưu đãi chỉ áp dụng cho các bữa ăn ngay tại nhà hàng, điều mà có thể khiến các nhân viên y tế gặp một chút bất lợi. Và, mặc dù có thể được đổi tại một khu ẩm thực, nhưng phiếu mua hàng không bao gồm thức uống có cồn khiến cho việc giảm giá trở nên "phức tạp" với những người thích nhâm nhi chút đỉnh khi ăn.
Ưu đãi giảm giá này chỉ là một phần nhỏ trong gói kích thích mùa hè với quy mô lớn hơn của chính phủ, phần lớn được tập trung vào sự phục hồi "xanh" và bền vững. Tuy nhiên, nó nhanh chóng thu hút được nhiều sự chú ý.
Sau khi công bố phúc lợi trên, Bộ trưởng Sunak đã đăng một bức ảnh trên tài khoản Twitter của mình về việc chọn món cà ri katsu (món khoái khẩu của người London) tại chuỗi nhà hàng Wagamama, khiến các tờ báo đua nhau giật tít "Hãy nhanh tay giành lấy một bữa ăn 10 bảng cùng Bộ trưởng Rishi" và gọi ông là "Bộ trưởng của những bữa ăn có giá phân nửa".
Đã có một cuộc tranh luận lớn giữa các nhà kinh tế về cách thiết kế những biện pháp kích thích để thúc đẩy tiêu dùng trong nước: Theo cách "tiền trực thăng" và phát các tấm séc không có sự ràng buộc, như chính quyền của tổng thống Donald Trump hay dùng các biện pháp để thúc đẩy những ngành công nghiệp chiến lược?
Người châu Âu dường như thích cách sau hơn. Chẳng hạn, chính phủ Ý đã miễn những loại thuế liên quan đến việc nghỉ mát cho các gia đình chọn những chuyến đi trong nước, trong khi Hy Lạp cam kết trả các khoản tiền thưởng Phục sinh truyền thống cho các nhân viên bị sa thải. Trong khi đó, Hà Lan và Đức, cùng một số quốc gia khác, đã cung cấp các khoản trợ cấp để "bồi thường" cho việc cha mẹ phải ở nhà chăm sóc con cái, còn Tây Ban Nha cam kết chi trả cho các hóa đơn sử dụng những tiện ích cơ bản của các gia đình dễ bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Dẫu vậy, những điều trên không có khả năng tạo ra nhiều sự khác biệt. Nền kinh tế của khu vực đồng euro dự kiến sẽ bị thu hẹp 8,7% trong năm nay, Ủy ban châu Âu hiện cho biết.
Tuy nhiên, các chương trình việc làm tương đối hào phóng của châu Âu đã đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cho tỷ lệ thất nghiệp từ Athens đến London ổn định hơn. Chỉ riêng Vương quốc Anh đã có 9 triệu việc làm trong kế hoạch của mình. Họ trả đến 80%, tương đương với 2.500 bảng Anh (3.122 USD), tiền lương của những người lao động bị cho nghỉ việc tạm thời.
Chương trình tính lương kiểu này sẽ kéo dài đến tháng 10, nhưng ông Sunak không đề cập đến tương lai của nó trong bài phát biểu mới nhất của mình.
Có thể bạn quan tâm