Thúc đẩy tiêm chủng vaccine ngăn chặn biến chủng virus SARS-CoV-2

CẨM ANH 16/06/2021 04:09

Tổ chức Y tế Thế giới WHO cảnh báo, virus gây Covid-19 đang lây lan nhanh hơn tốc độ tiêm chủng, đặc biệt là với biến chủng Delta.

Biến chủng Delta có khả năng làm người bệnh suy yếu nhanh hơn

Biến chủng Delta có khả năng làm người bệnh suy yếu nhanh hơn

Một nghiên cứu từ Scotland cho thấy biến chủng Delta, được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ của virus SARS-CoV-2 làm tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện, nhưng việc tiêm đủ 2 liều vaccine sẽ tạo nên một lớp bảo vệ chắc chắn.

Chris Robertson, giáo sư Dịch tễ học Y tế Công cộng, Đại học Strathclyde nhận định, biến chủng Delta tăng gần gấp đôi nguy cơ nhập viện so với các biến chủng khác.

Tương tự, khi biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 lây lan ở vùng đông nam Trung Quốc, các bác sĩ cho biết họ nhận thấy rằng các triệu chứng khác nhau và nguy hiểm hơn những gì họ đã thấy vào thời điểm bùng nổ dịch bệnh ở thành phố Vũ Hán.

Cụ thể, các bệnh nhân nhanh chóng rơi vào suy yếu và tình trạng của họ diễn biến xấu đi nhanh hơn. Đồng thời, 4/5 trường hợp có triệu chứng đã phát sốt. Mặc dù cho đến nay các bác sĩ vẫn chưa có đầy đủ dữ liệu để so sánh với những trường hợp nhiễm Covid-19 trong các đợt dịch trước, tuy nhiên, nồng độ virus được phát hiện trong cơ thể các bệnh nhân có chủng biến thể Delta đã tăng lên mức cao hơn so với trước đó và chỉ suy giảm từ từ.

Ông Guan Xiangdong, chuyên gia tại Đại học Sun Yat-sen ở thành phố Quảng Châu cho biết, có tới 12% bệnh nhân đã rơi vào tình trạng ốm nặng hoặc nghiêm trọng trong vòng 3 đến 4 ngày kể từ ngày nhiễm chủng Covid-19. Trước đây, tỷ lệ này là 2% hoặc 3%, mặc dù đôi khi lên đến 10%.

Trước đó, các bác sĩ ở Anh và Brazil đã báo cáo các trường hợp tương tự nhưng mức độ nghiêm trọng của biến thể Delta khi đó vẫn chưa được xác nhận.

Các chuyên gia cho biết, việc tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine sẽ làm tăng hiệu quả

Các chuyên gia cho biết, việc tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine sẽ làm tăng khả năng bảo vệ của cơ thể trước biến chủng Delta

Như vậy, những phát hiện từ Trung Quốc là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự nguy hiểm do biến chủng Delta gây ra. Vào tháng trước, WHO đã dán nhãn cho biến chủng này là một “biến thể đáng lo ngại” sau khi biến chủng Delta lây lan rộng rãi tại Ấn Độ và lan sang Vương quốc Anh, nơi các nhà nghiên cứu nhận định rằng nó dễ lây lan hơn và những người chỉ tiêm một liều vaccine ngừa Covid-19 vẫn có nguy cơ bị nhiễm Covid-19.

Mặc dù vậy, các loại vaccine vẫn có hiệu quả nhất định trong việc chống lại biến chủng Delta và làm giảm nguy cơ diễn biến nặng cũng như tử vong. "Nếu người bệnh có kết quả dương tính với Covid-19, thì việc tiêm 2 liều vaccine hoặc một liều trong 28 ngày sẽ giảm khoảng 70% nguy cơ nhập viện", chuyên gia Xiangdong nói.

Các nhà nghiên cứu khác cũng lưu ý rằng, liều vaccine thứ hai đóng vai trò quan trọng để xây dựng khả năng bảo vệ trước biến chủng Delta. Tiến sĩ Mary Ramsay, Trưởng bộ phận Tiêm chủng tại Y tế Công cộng Anh cho biết: “Chúng tôi hy vọng vaccine sẽ hiệu quả hơn nữa trong việc ngăn ngừa nhập viện và tử vong, vì vậy điều quan trọng là phải tiêm cả hai liều để đạt được sự bảo vệ tối đa chống lại tất cả các biến thể hiện có và mới nổi,” Tiến sĩ Mary Ramsay nói.

Tuy nhiên, cho đến nay, tốc độ tiêm chủng ở nhiều nước trên thế giới đang diễn ra rất chậm. Điều này có thể làm giảm nỗ lực của thế giới trong việc kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian tới. Theo Chen Bin, Phó giám đốc Ủy ban Y tế thành phố Quảng Châu: “Dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc và nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2  vẫn còn tồn tại. Nếu biến chủng Delta trở thành chủng nổi trội vào thời gian tới, có thể dẫn đến nhiều đợt bùng phát hơn khi trên thế giới vẫn còn nhiều người chưa được tiêm chủng.”

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo, ngay lúc này, virus đang lây lan nhanh hơn so với tốc độ phân phối vaccine toàn cầu. Hơn 10.000 người chết mỗi ngày. Cộng đồng cần vaccine ngay lúc này chứ không phải trong năm tới.

Mặc dù lãnh đạo nhóm các nước phát triển G7 đã cam kết nâng số liều vaccine ủng hộ lên 1 tỷ liều, cao hơn so với 130 triệu liều dự tính vào tháng 2/2021. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế hàng đầu cảnh báo những nỗ lực này vẫn quá ít và quá chậm trễ.

Để ít nhất 70% dân số thế giới được tiêm phòng Covid-19 vào năm 2022, thế giới cần 11 tỷ liều vaccine. Chính vì vậy, các nước G7 và G20 cần nhiều nỗ lực hơn nữa để biến điều này thành sự thật, đặc biệt là trong việc tăng cường chia sẻ các loại vaccine có hiệu quả cao như Pfizer hoặc Moderna.

Có thể bạn quan tâm

  • Vaccine COVID-19 “make in Vietnam” hiệu quả đối với những biến chủng mới

    Vaccine COVID-19 “make in Vietnam” hiệu quả đối với những biến chủng mới

    06:00, 01/06/2021

  • Biến chủng B.1.617 đã xuất hiện ở 11 ổ dịch COVID-19

    Biến chủng B.1.617 đã xuất hiện ở 11 ổ dịch COVID-19

    15:24, 16/05/2021

  • Cuộc chạy đua ngăn chặn biến chủng mới của virus SARS-CoV-2

    Cuộc chạy đua ngăn chặn biến chủng mới của virus SARS-CoV-2

    05:00, 15/05/2021

  • Xuất hiện chủng siêu lây nhiễm ở BV Bệnh Nhiệt đới TƯ có biến chủng Anh và Ấn Độ

    Xuất hiện chủng siêu lây nhiễm ở BV Bệnh Nhiệt đới TƯ có biến chủng Anh và Ấn Độ

    00:37, 08/05/2021

CẨM ANH