Cảnh báo đằng sau thảm họa thời tiết tại nhiều nước trên thế giới
Hàng loạt các nước lớn hứng chịu các thảm họa thời tiết cực đoan đã làm dấy lên những lo ngại về các tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu.
Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa thể thống kê được hết thiệt hại và hậu quả khủng khiếp do các đợt mưa lũ quét theo một vệt kéo dài từ Đức, Hà Lan tới Áo, Bỉ, CH Séc, Thuỵ Sĩ và Luxembourg, khiến trên 200 người thiệt mạng, hàng trăm người vẫn mất tích và hàng trăm người bị thương, phá hủy và cuốn trôi nhiều cơ sở hạ tầng, nhà cửa.
Trong số các nước bị ảnh hưởng, hai bang miền Tây nước Đức là Nordrhein-Westfalen và Rheinland-Pfalz chịu thiệt hại nặng nề nhất, với ít nhất 170 người thiệt mạng, trong khi vẫn còn trên 150 người mất tích.
Tại Trung Quốc mưa lớn cũng gây ra tình trạng lũ quét và ngập lụt tại tỉnh Hà Nam. Theo thông tin từ chính quyền thành phố Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, ít nhất 12 người đã thiệt mạng và 5 người bị thương do lũ lụt. Trung Quốc đã phải nâng mức báo động lũ từ cấp 3 lên cấp 2 để đối phó với khủng hoảng.
Trong khi đó, ở phía tây bắc Mỹ ghi nhận hàng trăm người chết vì nắng nóng. Tại Canada, một trận cháy rừng thiêu rụi một ngôi làng trên bản đồ. Thủ đô Moskva của Nga đang quay cuồng với mức nhiệt kỷ lục.
Các nhà khoa học nhận định, hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày một nhiều hơn chính là hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu. Trong vài tuần qua, nước Đức đã trải qua một bản đồ thời tiết khá phức tạp, trước đó là nhiệt độ cao và khô hạn nhiều ngày, sau đó là những đợt mưa lớn không dứt.
Trong nhiều năm, các nhà khoa học đã cảnh báo biến đổi khí hậu sẽ đồng nghĩa với việc lũ lụt nhiều hơn ở châu Âu và các nơi khác. Thậm chí, đã có nhiều nghiên cứu phát hiện ra rằng chúng hiện đang xảy ra thường xuyên hơn và các nhà khoa học chỉ ra một lý do đơn giản: Bầu khí quyển ấm hơn có thể giữ nhiều độ ẩm hơn, tạo ra lượng mưa cực lớn.
Khi nhiệt độ trong khí quyển tăng lên, điểm bão hòa độ ẩm cũng cao hơn. Cụ thể, nhiệt độ khi tăng thêm 1 độ C sẽ làm tăng khả năng giữ ẩm của không khí lên 7%, đồng nghĩa với thời gian mưa xuống sẽ lâu hơn. Bên cạnh đó, khuynh hướng các cơn bão trụ lại một nơi lâu hơn trước cũng khiến lượng mưa trút xuống một khu vực là quá lớn.
Fred Hattermann, một nhà thủy văn học và chuyên gia lũ lụt tại Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam, cho biết một số con sông ở châu Âu đã có những thay đổi liên quan đến biến đổi khí hậu. Ví dụ, dọc theo sông Danube, lũ lụt từng xảy ra cứ 50 năm một lần. Tuy nhiên, theo một kết quả nghiên cứu chưa được công bố chính thức, hiện nay, tần suất xảy ra lũ lụt trên con sông này đã tăng gần gấp đôi.
“Trên thực tế, các kiểu thời tiết như lũ lụt thường không phổ biến tại châu Âu, nhưng ngày càng có nhiều ý kiến nói rằng các cơn bão trong những thập kỷ tới sẽ có cường độ cao hơn, thời gian kéo dài hơn và sẽ xảy ra thường xuyên hơn. Các cơn bão di chuyển chậm hơn được hình thành trong điều kiện nhiệt độ khí quyển ấm hơn cũng đồng nghĩa với việc tích tụ nhiều nước hơn”, chuyên gia này nhận định.
Có thể thấy, kể từ khi Thỏa thuận Paris 2015 được đàm phán với mục tiêu ngăn chặn tác động tồi tệ của biến đổi khí hậu, lượng khí thải toàn cầu vẫn không ngừng tăng lên. Trung Quốc là nước phát thải lớn nhất thế giới. Thông số này đang giảm ở Mỹ và châu Âu nhưng tốc độ còn rất chậm.
Chính vì vậy, chuyên gia này cảnh báo, ngay cả khi cắt giảm được đáng kể lượng khí thải nhà kính trong những thập kỷ tới, lượng CO2 và các loại khí thải khác cũng đã tích tụ quá nhiều trong khí quyển, đồng nghĩa với việc thời tiết cực đoan sẽ xảy ra thường xuyên hơn.
Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters, những cơn bão có áp suất thấp, di chuyển chậm tương tự có thể trở nên thường xuyên hơn 14 lần ở châu Âu trong thế kỷ tới.
"Mặc dù không phải tất cả các nước đều chịu ảnh hưởng như nhau, nhưng sự kiện bi thảm này là một lời nhắc nhở rằng trong trường hợp khẩn cấp về khí hậu, không ai được an toàn dù họ sống ở một đảo quốc nhỏ như Maldives hay một quốc gia Tây Âu phát triển", ông Mohamed Nasheed, cựu Tổng thống Maldives cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Cần chính sách tài khoá cụ thể nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu
05:35, 26/04/2021
Biến đổi khí hậu: Lĩnh vực hợp tác hay đối đầu của Mỹ và Trung Quốc?
05:11, 19/04/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu
00:21, 27/03/2021
Thủ tướng đề xuất với Liên Hợp Quốc các giải pháp căn cơ ứng phó biến đổi khí hậu
01:00, 24/02/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Lên kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030
19:06, 01/02/2021