Tiêm vaccine Sinovac - góc nhìn từ Chile
Với việc sử dụng vaccine Sinovac của Trung Quốc, số ca nhiễm Covid-19 tại Chile có chiều hướng giảm mạnh.
Tính đến thời điểm hiện tại, dữ liệu Our World in Data cho thấy, hơn 63,1% dân số Chile đã tiêm chủng đầy đủ, tỷ lệ cao hơn Mỹ, với phần lớn sử dụng vaccine CoronaVac của công ty dược phẩm Trung Quốc Sinovac, Trước đó, Bộ Y tế Chile cũng đưa ra thông báo hơn 78% dân số đã tiêm đủ liều vaccine.
Tiến sĩ Rafael Araos, quan chức y tế của Chile cho biết, vaccine Sinovac có hiệu quả 86% trong việc ngăn ngừa nhập viện, 89,7% hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhập viện chăm sóc đặc biệt và đạt hiệu quả 86% trong việc ngăn chặn nguy cơ tử vong.
“Điều này là minh chứng rõ ràng nhất cho việc số ca nhiễm nhanh chóng giảm là nhờ phần lớn dân số đã được tiêm chủng đầy đủ, cùng với việc thực hiện nghiêm ngặt các quy định như bắt buộc người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài, lệnh cấm tụ tập đông người và lệnh giới nghiêm vào ban đêm", chuyên gia này nhấn mạnh.
Trên thực tế, không có mối lo ngại đáng kể nào về an toàn khi vaccine Sinovac được triển khai tiêm diện rộng ở Trung Quốc, Brazil, Indonesia, Chile và nhiều nước khác. Chỉ có một số lượng rất thấp các sự cố bất lợi được xác định.
Ngoài ra, vaccine Sinovac cũng tạo ra phản ứng “tế bào T mạnh mẽ và tế bào B ghi nhớ”, là những yếu tố quan trọng khác của phản ứng miễn dịch.
Ông Araos cho biết, việc giảm hiệu quả của vaccine là không thể tránh khỏi theo thời gian, đặc biệt với sự xuất hiện và ngày càng phổ biến của các biến chủng như Delta. Chính vì vậy, các hãng dược vẫn cần tiếp tục nghiên cứu và điều chế các loại vaccine đặc hiệu để ngăn chặn các biến chủng mới xuất hiện trong tương lai.
Các chuyên gia thuộc Tổ chức Y tế Thế giới nhận định, Chile là ví dụ để triển khai tiêm chủng vaccine diện rộng song song với việc duy trì các biện pháp giãn cách và đeo khẩu trang trong cuộc chiến bảo vệ người dân trước đại dịch.
Như Katherine Bliss, thành viên cấp cao của Trung tâm Chính sách Y tế Toàn cầu thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ở Washington đánh giá, “Vaccine không thể cung cấp sự bảo vệ hoàn toàn trước việc lây nhiễm của biến chủng virus. Trọng tâm của việc tiêm chủng là ngăn các ca nhiễm tiến triển bệnh nặng hoặc tử vọng chứ không phải là tiêm chủng để ngăn mọi người nhiễm bệnh”.
Chính vì vậy, hầu hết các loại vaccine đã được cấp phép để sử dụng khẩn cấp hiện nay, bao gồm cả những loại vaccine hiện có của Trung Quốc vẫn hoàn toàn phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, hiệu quả vaccine giảm xuống trước các biến chủng mới đồng nghĩa với việc các quốc gia phải tăng tỷ lệ dân số tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng trước khi tính đến việc tiêm mũi thứ 3.
Hiện, chưa có cơ sở khoa học nào cho thấy cần phải tiêm vaccine liều tăng cường để ngừa Covid-19. Theo WHO, các loại vaccine trong danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) của cơ quan này đều có khả năng bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của virus SARS-CoV-2 nếu người đó đã được tiêm đầy đủ. Mặt khác, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc tiêm liều thứ ba trong vòng 28 ngày sau liều thứ hai có thể gây ra mức độ kháng thể thấp hơn nhiều so với mũi tiêm thứ ba được tiêm từ sáu tháng trở lên.
Mới đây Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia ngừng tiêm vaccine COVID-19 mũi thứ ba trong bối cảnh vẫn còn nhiều nước chưa thể triển khai tiêm chủng diện rộng cho người dân do thiếu nguồn cung.
Giám đốc phụ trách vấn đề miễn dịch, vaccine và sinh học của WHO, bà Katherine O'Brien nhấn mạnh: "Chúng ta cần tập trung vào những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất, những người có nguy cơ mắc bệnh và tử vong vì căn bệnh này, để họ có thể có được liều vaccine đầu tiên và thứ hai. Quan trọng là việc thực hiện tiêm chủng diện rộng kết hợp với thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp giãn cách xã hội".
Có thể bạn quan tâm
TP HCM: Phải tiêm hết vaccine Pfizer và Moderna trước 8/8
14:19, 05/08/2021
“Chúng tôi đang chạy đua từng ngày để Việt Nam tự chủ vaccine công nghệ mới”
15:49, 04/08/2021
Cần ưu tiên vaccine cho nhân viên ngành bán lẻ và sản xuất hàng thiết yếu
13:00, 04/08/2021
Chân dung đối tác chuyển giao công nghệ vaccine COVID-19 của Vingroup tại Mỹ
11:17, 04/08/2021