Từ thiện của những người nổi tiếng: “Kẻ trồng hoa, người dặm cỏ”!
Nhiều người nổi tiếng trên thế giới, từ những tỷ phú cho đến ngôi sao giải trí đều đã tận dụng danh tiếng và tài sản của mình để làm từ thiện. Chính họ là những người đã “trồng hoa cho đời bớt cỏ”.
Trên hết, họ là những người đã xác định được lĩnh vực mà mình tâm huyết, không chỉ kêu gọi ủng hộ quyên góp cho quỹ từ thiện do mình lập nên, nhiều người còn dùng chính thu nhập của bản thân để đóng góp cho quỹ, như một sự cam kết về lòng nhiệt thành mà họ dành cho các hoạt động thiện nguyện đang theo đuổi…
Những tấm lòng cao cả
Trong suốt sự nghiệp của mình, Angelina Jolie đã cho thấy bà luôn quan tâm đến cuộc sống và hạnh phúc của người khác như thế nào. Sau khi giúp đỡ những nỗ lực của Cao ủy Liên hợp quốc (UNHCR) về người tị nạn, nữ diễn viên chính trong bộ phim “Maleficent” đã được vinh danh là Đại sứ thiện chí của UNHCR vào năm 2001.
Năm 2006, cô thành lập Quỹ Maddox Jolie-Pitt với người chồng cũ Brad Pitt. Tổ chức này giúp cung cấp viện trợ cho các cuộc khủng hoảng nhân đạo trên toàn cầu. Us Weekly xác nhận vào năm 2010 rằng cặp vợ chồng cũ này đã đóng góp 1 triệu USD cho tổ chức Bác sĩ không biên giới.
Angelina Jolie đã từng chia sẻ trên tờ The Telegraph vào năm 2012, việc làm từ thiện khiến bà cảm thấy thoải mái. “Chúng ta là gì trên thế giới này nếu chúng ta không thể làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Tôi đã có một người mẹ tuyệt vời và tôi đã học được rất nhiều điều về phụ nữ thông qua bà. Tôi đã gặp những người tuyệt vời trên khắp thế giới, những người đã truyền cảm hứng và dạy tôi trở nên tốt hơn”.
Cũng giống như Angelina Jolie, “Nữ hoàng truyền hình Mỹ”, Oprah Winfrey quan tâm tới cơ hội học tập của những bé gái có hoàn cảnh khó khăn. Là một người dẫn chương trình talkshow nổi tiếng hàng đầu tại Mỹ, đồng thời là một tỷ phú USD hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, bà Oprah Winfrey đã tận dụng danh tiếng và tầm ảnh hưởng của mình để kêu gọi quyên góp hàng trăm triệu USD cho các quỹ từ thiện và tổ chức xã hội.
Khi xảy ra cơn bão Katrina tại Mỹ, bà Oprah Winfrey từng quyên góp ngay 10 triệu USD hỗ trợ các nạn nhân của cơn bão. Hồi năm 2007, bà từng chi 50,2 triệu USD để hỗ trợ cho các dự án thiện nguyện trong lĩnh vực giáo dục, y tế, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em...
Khác với hai người phụ nữ trên, những việc làm từ thiện của Beyoncé không được nhiều sự chú ý. Nhưng ccô ấy thậm chí đã giành được Giải thưởng Nhân đạo BET và danh hiệu Người nổi tiếng từ thiện nhiều nhất của DoSomething.org cho những hành động thiện nguyện của mình. Ca sĩ của "Formation" không chỉ sử dụng nền tảng của mình để lên tiếng chống lại bất công và các vấn đề xã hội, cô ấy còn thành lập "sáng kiến BeyGOOD".
Thông qua "sáng kiến BeyGOOD", ca sỹ sở hữu giải Grammy này đã làm việc cùng với UNICEF để mang lại nước sạch và vệ sinh cho quốc gia Đông Phi Burundi và giúp cung cấp dịch vụ xét nghiệm COVID-19 di động cho cộng đồng người da đen ở Houston. Vào tháng 4 năm 2020, tổ chức của cô đã cam kết quyên góp cho các tổ chức từ thiện chăm sóc sức khỏe trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Nếu nhắc đến những việc làm thiện nguyện, không thể không nhắc đến những việc làm của tỷ phú Chuck Feeney, người đàn ông đã cống hiến toàn bộ tài sản của mình cho nhân loại. Ông là người sáng lập ra quỹ từ thiện The Atlantic Philanthropies, một tổ chức từ thiện có những thay đổi mang tính lịch sử. Câu chuyện về ông đã lan truyền cảm hứng cho những người khác.
Câu nói nổi tiếng của người đàn ông này: “Tấm vải niệm không có túi”, đã truyền cảm hứng cho những người nổi tiếng, những tỷ phú trên thế giới bằng các hành động thiết thực “cho đi khi còn sống”. Warren Buffett đã từng nói về Chuck Feeney: “ Với những gì đã làm, anh ấy là anh hùng của tôi và của Bill Gates. Anh ấy là anh hùng của mọi người”.
Và thực tế trên thế giới còn rất, rất nhiều người nổi tiếng đã sẵn sàng tự bỏ tiền túi, công sức để làm những hành động thiện nguyện. Tuy nhiên, không phải người nổi tiếng nào cũng vậy…
Những người bỏ quên từ điển!
Từ điển đã định nghĩa rằng: Từ thiện là “sự giúp đỡ tự nguyện cho những người cần giúp đỡ”. Tuy nhiên, không phải ai trong số những người nổi tiếng đứng ra kêu gọi từ thiện cũng thực sự sở hữu cuốn từ điển này.
Có người đã từng nói, những kẻ “vô lại từ thiện” là bất kể một ai, dù có nổi bật, có mối quan hệ tốt và được tôn vinh như thế nào, nhưng anh ta cũng chỉ là con người và có thể bị cám dỗ khi chứng kiến rất nhiều tiền tự nhiên chạy vào túi anh ta.
Năm 2011, Lady Gaga thành lập Quỹ Born This Way, với sứ mệnh tiếp thêm sức mạnh cho giới trẻ và truyền cảm hứng cho sự dũng cảm. Tuy nhiên, tổ chức từ thiện của Gaga bị “bóc mẽ” khi một báo cáo thuế liên bang Mỹ tiết lộ rằng, Born This Way Foundation đã thu về 2,5 triệu USD, nhưng chỉ trao một khoản tài trợ nhỏ xíu… 5000 đô la vào năm 2012.
Tổng chi phí cho năm 2012 lên tới 1,85 triệu USD và bao gồm 406.552 USD phí pháp lý, 150.000 USD cho tư vấn từ thiện, 50.000 USD để phát triển phương tiện truyền thông xã hội, 300.000 USD để phát triển chiến lược, 348.000 USD cho sản xuất xe buýt …, Nhiều người đã cáo buộc Lady Gaga coi tổ chức từ thiện của mình như một dự án phù phiếm và sử dụng Born This Way Foundation để quảng bá sự nghiệp của mình.
Thật đáng ngạc nhiên hơn khi nữ danh ca Madonna, người nổi tiếng với các ca khúc "Like a Virgin", "La Isla Bonita"… cũng lại là một trong những kẻ “vô lại từ thiện” khi cô bị bóc trần vì những hành vi trục lợi.
Năm 2009, Madonna có ước mơ xây một ngôi trường trị giá 15 triệu USD cho nữ sinh ở Malawi và vào năm 2010, hơn 200 cư dân đã bị đẩy khỏi đất đai của họ để nhường chỗ cho ngôi trường mới. Tuy nhiên, vào năm 2011, số tiền 15 triệu USD gây quỹ được cho là đã biến mất trước khi, thậm chí một viên gạch được đặt xuống.
Một cuộc kiểm toán đã tiết lộ rằng số tiền được chi để mua ô tô cho những nhân viên không làm việc cho tổ chức từ thiện, tiền lương, không gian văn phòng, nhà ở miễn phí và phí thiết kế kiến trúc sư. Ngoài ra, 3,8 triệu USD cũng không có chỗ để tính. Madonna sau đó đã phải từ bỏ dự án và chìm sâu vào sự hổ thẹn.
Có lẽ một trong những phương pháp kiếm tiền ghê tởm nhất là việc khai thác, chiếm dụng bằng các mục đích từ thiện. Những hành vi gian lận này luôn bắt đầu bằng cách kêu gọi những tấm lòng hảo tâm vì một thế giới công bằng và bác ái, nhưng sau đó sử dụng một số chiến thuật kế toán để che mắt và sử dụng nó cho nhu cầu cá nhân.
Tuy nhiên, rất may mắn là mọi thứ che dấu không sớm thì muộn sẽ phải phơi bày trước ánh sáng, các tổ chức như Charity Navigator, The Chronicle of Philanthropy, Better Business Bureau và một số tổ chức khác đã vạch trần những bộ mặt dối trá của những con người công chúng đã đánh mất lý trí bởi những đồng tiền từ thiện.
Có thể bạn quan tâm
Minh bạch từ thiện để giữ uy tín cá nhân và niềm tin của cộng đồng
16:48, 07/09/2021
Tướng Tô Ân Xô: Công an sẽ vào cuộc nếu có chứng cứ tố giác về trục lợi từ thiện
08:00, 07/09/2021
TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Kiểm toán hoạt động từ thiện?
05:15, 05/09/2021
Cần có bộ tiêu chí để nhận diện sản phẩm từ thiên nhiên
03:00, 01/09/2021