Cảnh báo nguy cơ đại dịch mới từ virus Nipah
Việc Ấn Độ xuất hiện ca nhiễm virus Nipah đang đặt ra mối lo ngại thế giới sẽ phải đối mặt với chủng virus nguy hiểm mới nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Sau khi tiến hành xét nghiệm trường hợp một cậu bé 12 tuổi tại Kerala, Ấn Độ nhập viện do sốt cao, các bác sĩ đã phát hiện cậu bé này nhiễm virus Nipah- loại virus truyền từ động vật sang người, chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với động vật hoặc sử dụng thực phẩm nhiễm bẩn.
Virus Nipah được phát hiện đầu tiên ở Malaysia năm 1999 trong đợt bùng phát ở những người chăn nuôi lợn. Kể từ đó, có nhiều đợt bùng phát loại virus này ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Đến nay dịch bệnh do virus Nipah gây ra đã khiến hơn 260 người chết.
Dơi ăn quả thuộc họ Pteropodidae, hay thường gọi là "cáo bay" được các chuyên gia xác định là vật chủ mang mầm bệnh tự nhiên của Nipah. Loài dơi này có khả năng truyền virus cho động vật khác, bao gồm lợn, chó, mèo, dê, ngựa và cừu.
Được biết, những người nhiễm virus Nipah thường có các triệu chứng gồm sốt, đau đầu, ho, đau họng và các vấn đề hô hấp khác. Người bệnh sau đó bị phù não, dẫn đến buồn ngủ, lú lẫn, có thể hôn mê và tử vong. Các triệu chứng này xảy ra trong khoảng 4 đến 14 ngày kể từ khi cơ thể nhiễm virus. Người bệnh bị sưng não có thể hôn mê trong khoảng 24 tiếng đến 48 tiếng.
Dữ liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, có tới 75% ca nhiễm Nipah tử vong, trong khi tỷ lệ tử vong do virus Corona là khoảng 2%. Chỉ có khoảng 20% người sống sót sau khi nhiễm virus Nipah, trải qua các triệu chứng thần kinh có thể kéo dài, bao gồm co giật và thay đổi tính cách. Đối với những người từng nhiễm bệnh và hồi phục phải chịu những tổn thương lâu dài về sức khỏe.
Đáng lo ngại, hiện nay chưa có thuốc chữa hoặc vaccine đối phó với virus Nipah và bệnh nhân chỉ được chăm sóc y tế hỗ trợ. Theo Tiến sĩ S.N. Aravinda, Chuyên gia Tư vấn Nội khoa tại bệnh viện Aster RV, Bangalore, người lớn tuổi, nam giới và người có bệnh về hô hấp khả năng nhiễm virus này cao hơn.
“Căn bệnh này có thể lây lan từ người sang người nếu tiếp xúc với các giọt bắn của người nhiễm thông qua việc hắt hơi hoặc ho. Thời gian ủ bệnh dài hơn, tới 45 ngày và khả năng lây nhiễm cho nhiều loại động vật khác nhau, khiến Nipah trở thành nguyên nhân gây lo ngại đáng kể”, ông Aravinda đánh giá.
Dịch bệnh do virus Nipah gây tử vong cao tới mức nhiều chính phủ xếp nó vào mối đe dọa khủng bố sinh học và hạn chế các phòng thí nghiệm được phép nuôi cấy virus và nghiên cứu mầm bệnh này để ngăn mối nguy virus Nipah đột biến để lây lan dễ dàng hơn giữa người với người có thể dẫn tới một đại dịch mới nguy hiểm hơn COVID-19.
Các chuyên gia y tế chỉ ra, hiện nay, nhận thức của người dân về virus Nipah vẫn ở mức thấp, ngay cả ở những nơi bùng phát dịch bệnh. Một cuộc khảo sát từ Campuchia chỉ ra, 60% người dân không biết rằng dơi là loài làm lây lan virus này. Điều này càng làm gia tăng tỷ lệ nhiễm virus Nipah nếu không nhanh chóng có biện pháp ngăn chặn thích hợp.
Chính vì vậy, Tổ chức WHO nhấn mạnh về virus Nipah rằng nguy cơ lây truyền quốc tế qua trái cây hoặc các sản phẩm trái cây (như nước ép chà là thô) bị nhiễm nước tiểu hoặc nước bọt từ dơi ăn quả bị nhiễm virus Nipah có thể được ngăn chặn bằng cách rửa kỹ và gọt vỏ trước khi sử dụng. Trái cây có dấu hiệu bị dơi cắn nên vứt bỏ.
Đồng thời, các quốc gia có diện tích rừng rậm rạp và hệ sinh thái phong phú, nơi môi trường sống thích hợp cho tất cả các loài động vật, bao gồm nhiều loài dơi ăn quả, vật chủ chứa virus Nipah cần tích cực theo dõi các trường hợp nhiễm bệnh bất thường, cũng như nâng cao nhận thức để giảm các nguy cơ có thể khiến người dân tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm tiềm ẩn. Quản lý tốt tài nguyên rừng, đảm bảo môi trường sống cho các loài động vật hoang dã cũng có thể ngăn chặn sự lây lan của chủng virus nguy hiểm này.
Có thể bạn quan tâm