Buôn bán và tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã như tê tê và ngà voi diễn ra với quy mô lớn, mức độ ngày càng tinh vi gây ra nhiều hậu quả cho loài người.
Là người có điều kiện kinh tế, nhiều năm nay, anh Nguyễn Hoàng T. (ngụ quận 5, TP.HCM) không ngại chi tiền để thưởng thức những món ngon vật lạ từ trên rừng xuống biển: Mật gấu, cao hổ cốt, thịt tê tê… Món nào được truyền tai là “bổ dưỡng” anh đều thử qua.
Đợt công tác ở Đắk Lắk vừa qua, anh T. cũng cất công tìm mua một chiếc vòng ngà voi về biếu người thân vì “nghe đồn” trang sức từ ngà voi có thể giúp người đeo nó gặp nhiều may mắn, bảo vệ khỏi những điều xui rủi.
Những người như anh T. không hiếm. Đặc biệt, nhiều doanh nhân và giới nhà giàu mê tín rất chuộng món “hàng cấm” này. Đó là lý do khiến họ bất chấp những nỗ lực của cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn các hành vi mua bán ngà voi trái phép.
Hiện việc buôn bán và tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã, chủ yếu là tê tê và ngà voi diễn ra với quy mô lớn hơn và mức độ ngày càng tinh vi hơn.
2019 – hàng chục tấn ngà voi, tê tê bị bắt giữ
Theo báo cáo của CITES Việt Nam năm 2019, các vụ bắt giữ tê tê và vảy tê tê trong nước từ năm 2015 đến nay ngày càng nhiều với số lượng thu giữ lớn. Thống kê cho thấy, đến tháng 9/2019 có gần 14 tấn sản phẩm từ tê tê được phát hiện. Nổi cộm nhất phải kể đến vụ thu giữ 8,3 tấn vảy tê tê có nguồn gốc từ châu Phi vào tháng 5/2019 tại cảng Hải Phòng.
Cũng năm 2019, số lượng các vụ bắt giữ vận chuyển trái phép ngà voi tăng vượt bậc. Chỉ riêng tháng 3/2019, Hải quan Đà Nẵng đã bắt giữ 9,1 tấn ngà voi vận chuyển trái phép từ Congo về cảng Tiên Sa - khối lượng gây chấn động các nhà bảo vệ môi trường và động vật hoang dã. Con số trên chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, khi thị trường chợ đen vẫn nhộn nhịp người mua kẻ bán bởi niềm tin mê tín, như anh T.
Hiện nay, nhiều người vẫn nghĩ việc sử dụng các sản phẩm từ ngà voi giúp họ may mắn, hay thịt tê tê tăng cường sức khỏe, nâng cao tuổi thọ. May mắn và khỏe mạnh thì chưa được chứng thực, nhưng việc tiêu thụ động vật hoang dã đã trở thành một hành vi “tạo nghiệp” và đem đến quả báo cho nhiều người.
Có thể thấy rõ nhất, việc săn bắt, giết chóc động vật hoang dã đã tạo điều kiện cho virus lạ tấn công và là nguồn cơn cho những loại bệnh dịch toàn cầu với sức tàn phá khủng khiếp.
Theo các nhà nghiên cứu, 70% các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Hiện cả thế giới hiện đang hứng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, dịch bệnh được cho là lây lan qua một số loài động vật hoang dã bao gồm dơi, tê tê - vốn đang là món “khoái khẩu” của nhiều người và cũng chính là vật trung gian phát tán mầm bệnh chết chóc đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người trên toàn thế giới.
Để bảo vệ động vật hoang dã, không cách nào hơn là phải tiếp cận đến trực tiếp những người sử dụng chúng. Đó là lý do chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi xã hội về việc săn bắt và sử dụng ngà voi, vảy tê tê với chủ đề “Ngưng tạo nghiệp” được thực hiện.
Chiến dịch được phối hợp thực hiện bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, Bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn và Tetra Tech.
Được xây dựng dựa trên quan niệm về “Nghiệp” trong giáo lý nhà Phật, chiến dịch nhấn mạnh rằng, người thực hiện những hành vi mua bán và sử dụng trái phép các sản phẩm có nguồn gốc từ ngà voi và tê tê, làm tổn hại đến sự tồn vong của những loài này sẽ gặp quả báo.
Thông qua bộ hình ảnh và video của chiến dịch, đơn vị tổ chức muốn khắc họa một thông điệp: đằng sau vẻ sang trọng, hào nhoáng của người sử dụng các sản phẩm xa xỉ này chính là nỗi ám ảnh về nghiệp báo khi họ nhận ra hành vi của mình đang gây nguy hại đến sự sống của các giống loài khác.
Đại diện USAID chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng chiến dịch sẽ góp phần thức tỉnh mọi người thay đổi suy nghĩ và hành vi của mình trước khi quá muộn, để tình trạng tiêu thụ bất hợp pháp các sản phẩm từ các loài hoang dã sẽ sớm chấm dứt. Chúng tôi cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, những người đóng vai trò quan trọng quyết định sự thành công của chương trình sẽ chung tay thực hiện các hoạt động trách nhiệm xã hội về bảo vệ động vật hoang dã”.
Chiến dịch “Ngưng tạo nghiệp” được thực hiện trong hai giai đoạn.
|
Có thể bạn quan tâm