Hàm ý của Triều Tiên đằng sau vụ phóng tên lửa hành trình
Việc Triều Tiên tuyên bố phóng thành công tên lửa hành trình đã làm dấy lên lo ngại gia tăng căng thẳng với Mỹ và đồng minh.
Hành động của Triều Tiên
Ngay sau khi Hãng thông tấn KCNA đưa tin quân đội Triều Tiên đã tiến hành phóng thử một tên lửa hành trình, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã lập tức có phản ứng về sự việc này. Nhà Xanh tuyên bố Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới có khả năng phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm tự sản xuất.
Thông báo của Nhà Xanh cũng nêu rõ, tên lửa đã bay một quãng đường theo kế hoạch và nhắm trúng mục tiêu chính xác. "Việc sở hữu tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm mang ý nghĩa rất quan trọng trong vấn đề đảm bảo khả năng răn đe trước các mối đe dọa đa hướng và được kỳ vọng đóng vai trò lớn trong việc bảo vệ quốc gia cũng như thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên", Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết.
Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ đã gọi vụ bắn thử tên lửa là mối đe dọa đối với khu vực và thế giới. "Chúng tôi đã biết thông tin vụ phóng tên lửa hành trình của Triều Tiên. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và đang tham vấn chặt chẽ với các đồng minh, đối tác. Cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn chắc chắn", quân đội Mỹ nhấn mạnh.
Tương tự, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Kato Katsunobu cho biết Chính phủ Nhật Bản "lo ngại" trước thông tin Triều Tiên đã thử nghiệm thành công tên lửa hành trình tầm xa. Theo ông Kato, Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Mỹ và Hàn Quốc để theo dõi tình hình.
Được biết, tên lửa hành trình của Triều Tiên được cho có khả năng lẩn tránh radar và xuyên thủng lưới phòng không của đối phương. Tên lửa mới có hình dạng tương tự nhiều mẫu tên lửa hành trình tầm xa hiện đại trên thế giới.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết thêm, các tên lửa hành trình đã "di chuyển trong 7.580 giây theo quỹ đạo bay hình bầu dục và hình số 8 trong không phận Triều Tiên. Tên lửa sau đó "đánh trúng mục tiêu cách 1.500km".
Hãng thông tấn AFP dẫn nhận định của giới quan sát cho rằng, đây là một bước tiến rõ rệt trong công nghệ vũ khí của Triều Tiên. Loại tên lửa mới được cho có thể tránh được các hệ thống phòng thủ của Hàn Quốc và Nhật Bản. Đồng thời, vũ khí mới được tiết lộ của Triều Tiên giống với tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk của Mỹ và Hyunmoo-3C của Hàn Quốc.
Ngoài ra, việc Triều Tiên gọi khí tài này là "tên lửa hành trình chiến lược" cho thấy nó có thể mang đầu đạn hạt nhân thu nhỏ, dù theo phân loại của Liên Hợp Quốc, tên lửa hành trình là vũ khí chiến thuật.
Hàm ý cho Mỹ - Nhật - Hàn
Giới nghiên cứu địa chính trị nhận định, mặc dù không có tín hiệu bất thường xung quanh vụ thử tên lửa đạn đạo lần này, nhưng Triều Tiên đã sở hữu tên lửa hành trình được một thời gian, và quốc này chưa bao giờ chứng minh khả năng của loại vũ khí này.
Do đó, Bình Nhưỡng bất ngờ tuyên bố phóng thử nghiệm tên lửa hành trình được cho là nhấn mạnh những tiến bộ của kho vũ khí mà quốc gia này đang sở hữu, tăng được sức ép trên bàn đàm phán với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc về vấn đề bán đảo Triều Tiên.
Chuyên gia Tiến sĩ Jagannath Panda, điều phối viên của Trung tâm Đông Á phân tích, khác với tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình được thiết kế để di chuyển trong bầu khí quyển của trái đất. Đối với hầu hết quỹ đạo bay của chúng, tên lửa hành trình có chức năng tương tự như máy bay không người lái. Đặc biệt, tên lửa hành trình được xem là có mối đe dọa không lớn so với tên lửa đạn đạo.
Bên cạnh đó, cuộc thử nghiệm này phải được nhìn nhận trong bối cảnh hiện tại khi Mỹ đã rút quân khỏi Afghanistan và họ đang cố gắng đánh giá lại các vấn đề an ninh tại khu vực châu Á. Vì vậy, người Triều Tiên muốn nhấn mạnh rằng họ là một thành phần quan trọng trong mối quan tâm an ninh khu vực của Hoa Kỳ. Vị thế các bên ở Đông Bắc Á đã thay đổi, nên Washington cần đổi mới cách tiếp cận với Bình Nhưỡng.
Mặt khác, vụ thử tên lửa hành trình mới của Triều Tiên cũng là thông điệp gửi tới bất cứ ứng viên nào đắc cử vị trí Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Hàn Quốc trong thời gian tới rằng, Bình Nhưỡng vẫn giữ nguyên lập trường với những điều kiện tiên quyết để đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa.
Việc đưa tên lửa hành trình có khả năng tích hợp hạt nhân vào kho vũ khí chiến lược của Triều Tiên chắc chắn sẽ sẽ đặt ra những thách thức mới về đối với liên minh Mỹ - Hàn Quốc và Mỹ - Nhật Bản. Washington nên tiếp tục tham vấn với Seoul và Tokyo về tác động về các thách thức mới của Bình Nhưỡng, cũng như có chính sách phù hợp để giải quyết những căng thẳng leo thang trên Bán đảo Triều Tiên.
Có thể bạn quan tâm