Cảnh báo thảm họa khí hậu từ Liên Hợp Quốc

CẨM ANH 19/09/2021 02:03

Một báo cáo mới được công bố gần đây của Liên Hợp Quốc đã đưa ra cảnh báo về thảm họa khí hậu mới trong tương lai.

Các thảm họa khí hậu khắc nghiệt xuất hiện dày đặc trong những năm gần đây

Các thảm họa khí hậu khắc nghiệt xuất hiện dày đặc trong những năm gần đây

Thông điệp chính của báo cáo do Cơ quan Khí tượng Thế giới (WMO) đã cảnh báo hiện tượng nóng lên toàn cầu đang diễn ra nhanh hơn và với tác động xấu đi nhanh hơn so với hầu hết mô hình dự đoán trước đây. Trong 5 năm tới, có 40% khả năng thế giới có thể vượt ngưỡng nóng lên 1,5 độ C, vốn từng được các nhà khoa học và chính phủ trên thế giới xác định là giới hạn mong đợi.

Nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu giai đoạn 2017–2021 là một trong những mức nhiệt cao nhất được ghi nhận, ước tính từ 1,06 đến 1,27 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp (1850–1900). Điều này dẫn đến tác động là các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như sóng nhiệt, hạn hán và bão, đang diễn ra sớm hơn và thường xuyên hơn so với mức nhiều người dự đoán.

Theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, trong thông điệp video kèm theo báo cáo, ông nhấn mạnh thế giới đã đạt đỉnh điểm về sự cần thiết phải hành động khí hậu. Mức tổn hại đối với khí hậu và hành tinh của chúng ta đã tồi tệ hơn chúng ta nghĩ và đang diễn ra nhanh hơn dự đoán", "Báo cáo này cho thấy chúng ta đang đi lệch hướng đến thế nào".

Hiện nay, những biện pháp mà các quốc gia cam kết tại Hội nghị Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc ở Paris năm 2015 là không đủ, vì không thể ngăn được xu hướng thế giới nóng lên ít nhất 2,7 độ C vào cuối thế kỷ này.

Hơn nữa, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu tiếp tục tăng. Carbon dioxide hiện là khí nhà kính phổ biến nhất, đạt đỉnh năm 2019 và giảm xuống trong năm 2020 do đại dịch COVID-19. Phát thải các khí nhà kính khác, như metan và nitơ oxit, đang tăng lên nhanh chóng, nhiều hơn so với dự đoán của các mô hình khí hậu trước đây.

Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cảnh báo, khi thế giới tiếp tục ấm lên, số lượng thảm họa sẽ tăng lên theo. Điều này có nghĩa là thế giới sẽ phải hứng chịu thêm nhiều đợt nắng nóng, hạn hán và cháy rừng như những gì đã từng thấy ở châu Âu và Bắc Mỹ trong thời gian gần đây. Đồng thời, ông Taalas cho biết, việc có nhiều hơi nước hơn trong khí quyển, khiến những trận mưa lũ chết chóc trở nên trầm trọng hơn.

Báo cáo được WMO đưa ra trong bối cảnh đang có rất nhiều báo động về tình trạng biến đổi khí hậu. Thời tiết khắc nghiệt đã tác động mạnh đến các cộng đồng từ Tây Bắc Thái Bình Dương đến Siberia và Trung Quốc. Báo cáo do cơ quan khí hậu của Liên Hợp Quốc công bố hồi tháng 8 cho thấy, hiện tượng ấm lên trên toàn cầu đang tăng nhanh và các hoạt động của con người là nguyên nhân lớn nhất gây ra điều này.

Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển OECD nhận định, các quốc gia phát triển đang đạt được rất ít tiến bộ trong việc thực thi cam kết cung cấp 100 tỷ USD/năm cho các quốc gia nghèo hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Thống kê cho thấy, các nước đang phát triển - những đối tượng chịu tác động lớn nhất từ tình trạng biến đổi khí hậu - đã nhận được 79,6 tỷ USD trong năm 2019.

5 cơn bão cùng hoạt động trên Đại Tây Dương hồi tháng 9/2020. Ảnh: NASA.

5 cơn bão cùng hoạt động trên Đại Tây Dương hồi tháng 9/2020. Ảnh: NASA.

Tuy nhiên, mức viện trợ này vẫn ít hơn 20 tỷ USD so với khoản tiền mà các quốc gia giàu có cam kết cung cấp hàng năm, bắt đầu từ năm 2020 để giúp các nước nghèo hơn hạn chế phát thải khí carbon và ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai.

Việc thiếu nguồn viện trợ đã dẫn tới việc hàng chục quốc gia trong thế giới đang phát triển vẫn chưa có các hệ thống cảnh báo sớm, trong khi mạng lưới thu thập dữ liệu trên khắp châu Phi, Mỹ Latin và vùng Caribe vẫn tồn tại vô số lỗ hổng lớn. Thực trạng này khiến cho việc chuẩn bị phòng chống thảm họa trong tương lai thêm khó khăn và khiến nguy cơ thương vong tăng lên.  

Mami Mizutori, một quan chức của Liên Hợp Quốc phụ trách Văn phòng Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai khuyến nghị, các nước cần phải tăng cường hợp tác nhiều hơn nữa, đặc biệt trong việc thực thi cam kế giảm lượng khí thải cacbon.

“Thế giới cần đầu tư nhiều hơn vào quản lý rủi ro thiên tai toàn diện, để đảm bảo việc thích ứng với biến đổi khí hậu được tích hợp trong các chiến lược giảm nhẹ rủi ro thiên tai của quốc gia và địa phương."

Có thể bạn quan tâm

  • Không có chính sách khí hậu tốt nếu không có dữ liệu tốt

    Không có chính sách khí hậu tốt nếu không có dữ liệu tốt

    05:09, 10/06/2021

  • Biến đổi khí hậu: Lĩnh vực hợp tác hay đối đầu của Mỹ và Trung Quốc?

    Biến đổi khí hậu: Lĩnh vực hợp tác hay đối đầu của Mỹ và Trung Quốc?

    05:11, 19/04/2021

  • Thủ tướng đề xuất với Liên Hợp Quốc các giải pháp căn cơ ứng phó biến đổi khí hậu

    Thủ tướng đề xuất với Liên Hợp Quốc các giải pháp căn cơ ứng phó biến đổi khí hậu

    01:00, 24/02/2021

  • Đầu tư khí hậu 23.000 tỷ USD cho tương lai

    Đầu tư khí hậu 23.000 tỷ USD cho tương lai

    16:40, 25/01/2021

CẨM ANH