Nghiên cứu thuốc điều trị HIV cho người nhiễm COVID-19
Các nhà khoa học Israel đang tiến hành nghiên cứu công dụng của thuốc điều trị HIV cho bệnh nhân mắc COVID-19.
Cụ thể, các chuyên gia của công ty Code Pharma đã hoàn thành Giai đoạn một thử nghiệm thuốc trị HIV Codivir để điều trị COVID-19. Nhóm nghiên cứu cũng đã xin phép Ủy ban Helsinki để tiến hành thử nghiệm giai đoạn hai tại Trung tâm Y tế Barzilai, miền nam Israel.
Theo đó, nhóm này khẳng định thuốc Codivir, từng được sử dụng điều trị HIV, tác dụng kháng virus SARS-CoV-2 đáng kể, đặc biệt ức chế sự nhân lên của virus. 12 bệnh nhân nhiễm COVID-19 trong độ tuổi 18-60 với triệu chứng từ nhẹ đến trung bình đã tham gia nghiên cứu.
7 trong số 12 tình nguyện viên được xét nghiệm PCR hai ngày một lần từ khi bắt đầu được tiêm Codivir dưới da. Bệnh nhân được tiêm hai mũi mỗi ngày trong 10 ngày. Kết quả cho thấy, lượng virus ở 5 bệnh nhân giảm rất nhiều trong quá trình điều trị. Codivir ức chế đáng kể sự nhân lên của virus ở tất cả bệnh nhân với tác dụng kháng virus được ghi nhận sớm nhất là ba ngày.
Giáo sư Shlomo Maayan, giám đốc bộ phận Bệnh truyền nhiễm tại Barzilai, cho biết, “Codivir có tính an toàn cao và tác dụng kháng virus rất ấn tượng, cả trong điều kiện phòng thí nghiệm và thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một trên người”. Bên cạnh đó, thuốc không có tác dụng phụ đáng kể nào từ điều trị, cũng như những người dùng thuốc không có bất kỳ dấu hiệu tác dụng phụ nào thường liên quan đến COVID-19.
Trước đó, một bệnh viện ở Congo đã sử dụng Codivir cho các bệnh nhân COVID-19. Sau vài giờ đến vài ngày, các bệnh nhân đều có tiến triển sức khỏe tốt, đáp ứng thuốc tốt. Sau 9 ngày, 2 bệnh nhân bình phục hoàn toàn và những người còn lại cũng khỏe hơn nhiều, hầu như không đo được nồng độ của virus.
Đây có thể là bước đột phá trong lĩnh vực điều trị cho bệnh nhân COVID-19 vào giai đoạn đầu của bệnh. Dự kiến, các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II có khoảng 150 tình nguyện viên tham gia, dự kiến bắt đầu vào tháng tới. Thử nghiệm sẽ diễn ra cùng lúc tại Tây Ban Nha, Brazil và Nam Phi.
Nếu các cuộc thử nghiệm này được hoàn thành trong vòng 3-6 tháng, công ty này sẽ sẵn sàng xin cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc Codivir để điều trị COVID-19.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, người dân không nên tự ý mua các loại thuốc sẵn có trên thị trường để điều trị hoặc phòng tránh COVID-19. Jeremiah Johnson, chuyên gia nghiên cứu HIV khuyến cáo “mặc dù chúng tôi rất ủng hộ những nỗ lực không ngừng nhằm xác định các phương pháp điều trị và ngăn chặn lây nhiễm COVID-19, tuy nhiên, việc thử nghiệm các loại thuốc để điều trị HIV cần phải được tiến hành hết sức thận trọng trước khi đưa ra kết luận.”
Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng chỉ ra, hiện tại các cuộc thử nghiệm lâm sàng mới chỉ giới hạn trong một số ít người, vì vậy kết quả chuwa đủ thuyết phục để đưa ra câu trả lời chắc chắn về việc các loại thuốc điều trị HIV có tác dụng ngăn ngừa hoặc điều trị COVID-19 hay không. Thêm vào đó, các nhà khoa học cần thực hiện nhiều cuộc nghiên cứu hơn về tác dụng của thuốc đối với những bệnh nhân có sẵn các bệnh lý nền phức tạp như béo phì, tăng huyết áp hoặc đái tháo đường.
“Mặc dù vậy, các nghiên cứu từ Israel cũng đã cung cấp triển vọng về việc tìm ra loại thuốc mới trong việc điều trị COVID-19”, ông Johnson cho biết. Cho đến khi các nghiên cứu kết thúc với nhiều bằng chứng và dữ liệu thuyết phục hơn, việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cần được thực hiện, cũng như tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách bao gồm rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang và hạn chế ra nơi công cộng khi tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.
Có thể bạn quan tâm
Thêm tín hiệu tích cực trong việc nghiên cứu thuốc điều trị COVID-19
11:08, 18/08/2021
Việt Nam bước đầu điều chế thành công thuốc điều trị COVID-19 từ thảo dược
16:07, 10/08/2021
Việt Nam sẽ nhận 1 triệu liều thuốc điều trị COVID-19 từ Ấn Độ
00:40, 04/08/2021
Thêm nhiều tín hiệu tích cực trong việc sản xuất thuốc điều trị Covid-19
15:06, 26/07/2021
Việt Nam sẽ thử nghiệm thuốc điều trị COVID-19 trong vòng 4 tuần
06:00, 12/02/2020
Việt Nam thử nghiệm thuốc kháng HIV/AIDS cho virus Corona mới
17:04, 10/02/2020