Áp lực chống biến đổi khí hậu bao trùm G20 đến COP26

CẨM ANH 02/11/2021 04:47

Áp lực để đạt được đột phá về biến đổi khí hậu đang bao trùm COP26 sau khi Hội nghị Thượng đỉnh G20 không có nhiều tiến triển.

Các cuộc đàm phán tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC)

Các nhà lãnh đạo trên thế giới đã tới Anh tham dự Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC)

Các nhà lãnh đạo của các nước thuộc nhóm các nền kinh tế lớn G20 đã đạt thỏa thuận về khí hậu. Cụ thể, sau 2 ngày đàm phán căng thẳng tại Rome, các nước G20 đồng ý giảm đầu tư vào các nhà máy điện than mới ở nước ngoài vào cuối năm 2021. Thỏa thuận này cũng nhấn mạnh lại các cam kết được đưa ra tại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, theo đó các quốc gia tiếp tục cam kết “duy trì mức tăng nhiệt độ bình quân toàn cầu ở dưới mức 2 độ C và theo đuổi các nỗ lực nhằm duy trì mức tăng nhiệt độ dưới 1,5°C so với thời tiền công nghiệp”.

Thực tế cho thấy, các nhà lãnh đạo đã gặp nhiều khó khăn khi phải vượt qua những quan điểm khác biệt về cách ứng phó với tình trạng nhiệt độ toàn cầu ấm lên. Ở trong nước, chỉ có một cam kết chung chung là “giảm dần đầu tư vào hoạt động sản xuất điện than càng sớm càng tốt”.

Theo Thủ tướng Anh Boris Johnson, thỏa thuận của G20 đã có những tiến bộ nhất định nhưng con đường phải đi vẫn còn rất dài. “Mục tiêu 1,5 độ C không dễ để đạt được. Chúng ta phải thành thật với chính mình”, ông Johnson phát biểu.

Tuy nhiên, tại cuộc hợp của G20, các cuộc thảo luận trong tuần liên tục xảy ra mâu thuẫn về cả mục tiêu và mốc thời gian đạt được các mục tiêu đó khi một số lãnh đạo cho rằng cản trở nằm ở Trung Quốc, Nga và Ấn Độ. Và cuối cùng mục tiêu trung hòa phát thải vào “khoảng giữa thế kỷ” mà không rõ là năm 2050 (như cam kết của các nước công nghiệp G7 hồi tháng 6) hay 2060  khi một số quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất thế giới cho biết họ không thể đạt được mục tiêu đến năm 2050.

Biểu tình chống biến đổi khí hậu tại Glassgow bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20

Biểu tình kêu gọi các nước hành động chống biến đổi khí hậu tại Glassgow bên lề Hội nghị COP26

Những cam kết hiện tại của các bên ký Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu nếu được tuân thủ vẫn sẽ dẫn đến tình trạng nóng lên "thảm họa" ở mức 2,7 độ C, theo Liên Hợp Quốc. Chính vì vậy, nhiều kỳ vọng đang được đặt ra cho COP26. Như Chủ tịch hội nghị thượng đỉnh COP26 Alok Sharma đã nhấn mạnh, "COP26 đánh dấu hy vọng cuối cùng và lớn nhất để giữ giới hạn tăng nhiệt độ ở mức 1,5 độ C".

Nhưng, dù COP26 đặt mục tiêu loại bỏ than trong sản xuất năng lượng, nhiều quốc gia vẫn phụ thuộc lớn vào nhiên liệu này. Than là nhân tố lớn nhất cản trở mục tiêu kìm hãm sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra càng cho thấy tầm quan trọng của việc đảm bảo nguồn cung năng lượng an toàn và làm giá tăng tăng vọt trong bối cảnh thiếu khí đốt tự nhiên. Trung Quốc đang gây sức ép buộc các nhà sản xuất than tăng sản lượng nhằm giảm bớt tình trạng thiếu hụt. Trong khi đó, Ấn Độ đang đốt lượng than nhiều hơn so với cả châu Âu và Mỹ cộng lại để sản xuất khoảng 70% điện năng trong nước.

Việc thỏa thuận tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 thiếu những đột phá đáng kể về cam kết cụ thể có thể khiến đàm phán tại COP26 trở nên căng thẳng hơn. 4 mục tiêu được theo đuổi tại COP26 là: Bảo vệ mục tiêu phát thải bằng 0 toàn cầu, Thích ứng để bảo vệ cộng đồng và môi trường sống tự nhiên; Các nước phát triển phải thực hiện cam kết huy động ít nhất 100 tỷ USD tài chính khí hậu mỗi năm và Cùng nhau hoàn thiện các quy tắc chi tiết làm cho Thỏa thuận Paris để giải quyết khủng hoảng khí hậu.

Các nhà hoạt động môi trường cho biết, họ cũng không có nhiều kỳ vọng với kết quả từ COP6 sau khi G20 đưa ra tuyên bố chung. Chuyên gia Giovanni Mori đến từ Fridays for Future Italy đặt câu hỏi “Việc các nhà lãnh đạo gặp nhau ở Glasgow là vô ích nếu họ không có ý chí rõ ràng để giải quyết vấn đề. Hợp tác quốc tế là tối quan trọng, nhưng nếu các nguyên thủ không có cùng quyết tâm hành động thì việc tổ chức hội nghị là vô ích".

Đồng quan điểm, Matthias Cormann, người đứng đầu Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cho biết, không có sự thay thế nào khác ngoài việc tiếp tục cố gắng. “Cách duy nhất cuối cùng chúng ta sẽ giải quyết thách thức về biến đổi khí hậu là các quốc gia trên thế giới hợp tác với nhau và điều chỉnh các chiến lược của họ. Nhưng thực tế chỉ ra vẫn còn nhiều khó khăn để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe do đại dịch COVID-19 gây ra, cũng như sự phân cực ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc. Đây là hai trở ngại lớn ngăn cản những kết quả rất tham vọng".

Có thể bạn quan tâm

  • Quỹ Đầu tư Affinity và Ngân hàng HDBank ký kết tài trợ 300 triệu USD tại COP26

    Quỹ Đầu tư Affinity và Ngân hàng HDBank ký kết tài trợ 300 triệu USD tại COP26

    09:48, 01/11/2021

  • BCG Energy và Siemens Gamesa ký kết hợp tác phát triển điện gió tại COP26

    BCG Energy và Siemens Gamesa ký kết hợp tác phát triển điện gió tại COP26

    09:21, 01/11/2021

  • Những kỳ vọng tại Hội nghị khí hậu COP26

    Những kỳ vọng tại Hội nghị khí hậu COP26

    14:42, 30/10/2021

  • G20 bắt tay thiết lập mức thuế mới lên các doanh nghiệp đa quốc gia

    G20 bắt tay thiết lập mức thuế mới lên các doanh nghiệp đa quốc gia

    15:51, 01/11/2021

  • Lãnh đạo G20 cam kết phân phối công bằng vắcxin ngừa COVID-19

    Lãnh đạo G20 cam kết phân phối công bằng vắcxin ngừa COVID-19

    06:55, 23/11/2020

CẨM ANH