Thế giới cảnh báo mối nguy hiểm từ biến chủng Omicron
Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới đã chính thức đặt tên biến chủng B.1.1.529 là Omicron và xếp vào danh sách "đáng lo ngại".
>> Delta là biến chủng nguy hiểm nhất hiện nay
Được biết, biến chủng mới với số lượng đột biến lớn, được biết đến là B.1.1.529 có liên quan tới tình trạng gia tăng nhanh chóng số ca mắc mới ở Nam Phi. WHO tuyên bố đã tuyên bố tên gọi chính thức của biến chủng này sau khi các chuyên gia tiến hành họp khẩn và kiểm tra dữ liệu từ Nam Phi. Bằng chứng sơ bộ cho thấy biến chủng mới gây ra “nguy cơ tái nhiễm cao hơn so với các biến chủng đáng lo ngại khác”.
Sau tuyên bố của WHO, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Âu (ECDC) cũng phân loại biến chủng Omicron vào nhóm "biến chủng đáng lo ngại", bên cạnh biến chủng Beta (lần đầu được phát hiện ở Nam Phi), Gamma (phát hiện ở Brazil) và Delta (phát hiện ở Ấn Độ).
“Đây là biến chủng khác biệt nhất được phát hiện với số lượng đột biến đáng kể được ghi nhận từ khi dịch bùng phát đến nay. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng biến chủng mới có thể tăng khả năng lây truyền, giảm đáng kể hiệu quả của vaccine và tăng nguy cơ tái nhiễm", báo cáo của cơ quan này cho hay.
Báo cáo của ECDC cũng cho biết khả năng biến chủng mới lan rộng ở EU là cao và ủng hộ một “cách tiếp cận phòng ngừa”.
ECDC khuyến nghị tăng cường xét nghiệm, tránh đi đến các khu vực bị ảnh hưởng và tích cực truy vết các ca nhiễm bệnh. Cơ quan này cũng khuyến khích tiếp tục triển khai chương trình tiêm chủng và xem xét tiêm mũi thứ ba cho những người từ 40 tuổi trở lên.
>> Xuất hiện thêm nhiều biến chủng đáng lo ngại của virus SARS-COV-2
Hiện tại, giưới khoa học đang giám sát chặt chẽ biến chủng mới B.1.1.529. Tới nay có khoảng 100 trình tự gene đã được thu thập. Các phân tích ban đầu cho thấy biến chủng này có nhiều đột biến và cần nhiều nghiên cứu hơn nữa. Dự kiến, thời gian nghiên cứu biến chủng mới dự kiến mất vài tuần.
Biến chủng B.1.1.529 lần đầu tiên được xác định hôm 23/11 có nguồn gốc từ Nam Phi. Nó nhanh chóng được chú ý bởi mang trên mình số lượng đột biến "cực kỳ lớn". Các nghiên cứu ban đầu cho thấy B.1.1.529 có tổng cộng 32 đột biến bất thường ở gai protein, bộ phận vốn là mục tiêu chính của các loại vaccine ngừa COVID-19. Điều này làm dấy lên lo ngại biến chủng mới có khả năng kháng vaccine mạnh hơn.
Đáng quan ngại, đột biến ở protein gai có thể tác động tới khả năng lây lan và độc lực của virus, cũng như khiến hệ miễn dịch gặp thêm khó khăn khi tấn công các mầm bệnh này. Trong miền liên kết thụ thể (RBD) của biến chủng B.1.1.529, các nhà khoa học phát hiện 10 đột biến, gấp 5 lần biến chủng Delta. RBD là bộ phận đầu tiên của virus tiếp xúc với tế bào, giúp virus tấn công và giành quyền kiểm soát. Theo giới khoa học, nhiều đột biến trong số này có khả năng đến từ chỉ một bệnh nhân.
Giáo sư Tulio de Oliveira, chuyên gia virus học hàng đầu Nam Phi, bày tỏ quan ngại “Biến chủng này làm chúng tôi bất ngờ. Đây là một bước tiến triển lớn của virus”. Một số nhà khoa học tại Nam Phi cũng tin tưởng 90% ca mắc mới Covid-19 tại địa phương trên nhiễm biến chủng B.1.1.529.
Đến nay, Nam Phi xác nhận có khoảng 100 ca dương tính với biến chủng B.1.1.529. Các ca nhiễm biến chủng mới cũng được ghi nhận ở Botswana, Hong Kong và Israel. Nhiều quốc gia cũng đã siết hạn chế đi lại với khu vực phía nam châu Phi do biến chủng Omicron mới được phát hiện.
Mặc dù vậy, một số ý kiến cho rằng, từng có nhiều chủng virus có vẻ nguy hiểm trên lý thuyết, nhưng không gây ra nhiều tác động trên thực tế. Minh chứng rõ ràng nhất là biến chủng Beta, cũng xuất phát từ Nam Phi đã sớm bị biến chủng Delta áp đảo chỉ sau một vài tháng.
"Biến chủng Beta chỉ có sức chống chọi tốt hơn với hệ miễn dịch. Trong khi đó, chủng Delta vừa có khả năng kháng hệ miễn dịch, vừa có khả năng lây lan mạnh”, giáo sư Ravi Gupta tại Đại học Cambridge giải thích. Do đó, các chuyên gia trên thế giới đang đẩy nhanh tiến độ giải mã biến chủng mới này để hiểu rõ cơ chế hoạt động của chúng. Tuy vậy, qua nhiều lần biến đổi, các chủng virus mới khác biệt đáng kể so với virus gốc, gây ra nguy cơ suy giảm hiệu quả của vaccine.
Có thể bạn quan tâm