Chưa có dấu hiệu biến chủng Omicron gây triệu chứng nghiêm trọng
Ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy biến chủng Omicron có khả năng ít gây ra những triệu chứng nghiêm trọng cho người nhiễm.
>>Biến chủng Omicron: Dấu hiệu của sự kết thúc hay bắt đầu một đại dịch mới?
Tiến sĩ Michael Ryan, giám đốc điều hành Chương trình Y tế Khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng dù vẫn còn nhiều điều cần làm rõ về biến chủng mới, dữ liệu sơ bộ cho thấy Omicron không khiến người bệnh có triệu chứng nặng hơn khi nhiễm, so với Delta hay các chủng trước. "Đây là dấu hiệu ban đầu. Chúng tôi cần thận trọng diễn giải các tín hiệu đó", chuyên gia này cho biết.
Bên cạnh đó, ông cũng không loại trừ khả năng các loại vaccine hiện hành kém hiệu quả hơn trước Omicron. Tuy nhiên, ông nói chưa có bằng chứng chắc chắn để khẳng định biến chủng này hoàn toàn né tránh tấm chắn bảo vệ từ vaccine. "Vaccine hiện tại có hiệu quả với mọi biến chủng, giảm nguy cơ bệnh nặng và nhập viện", chuyên gia dịch tễ nhận định.
Tương tự, Cố vấn Nhà Trắng Anthony Fauci nói dấu hiệu sơ bộ cho thấy Omicron có thể lây nhiễm cao hơn Delta nhưng "gần như chắc chắn" không nghiêm trọng hơn. "Có một số dấu hiệu cho thấy biến chủng Omicron thậm chí có thể ít nghiêm trọng hơn Delta. Khi nhìn vào một số nhóm đang được theo dõi ở Nam Phi, tỷ lệ giữa ca nhập viện trên ca nhiễm dường như thấp hơn so với chủng Delta", ông Fauci đánh giá.
Dữ liệu ban đầu từ tỉnh Gauteng, điểm nóng Covid-19 ở Nam Phi, công bố dữ liệu cho thấy chỉ 8% trường hợp nhập viện vì Covid-19 hiện nay phải điều trị tích cực, thấp hơn nhiều so với mức 23% trong làn sóng lây nhiễm biến chủng Delta. Tỷ lệ bệnh nhân phải dùng máy thở cũng thấp hơn, giảm từ 11% xuống 2%.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cho biết vẫn cần thêm thời gian để có cái nhìn toàn cảnh về biến chủng mới này. Nhiều khả năng biến chủng mới có khả năng lây truyền cao hơn các chủng trước đó. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đây không phải là điều bất ngờ khi bất kỳ biến chủng mới nào xuất hiện, nó có xu hướng dễ lây lan hơn do phải cạnh tranh với các biến chủng trước đó.
Virus SARS-CoV-2 đột biến mọi lúc khi chúng tự tái tạo để xâm nhập vào tế bào vật chủ. Trong khi một số đột biến không tác động đến virus, một số đột biến lại giúp chúng sinh sản và lây lan nhanh hơn. Các loại virus sử dụng RNA làm vật liệu di truyền như SAR-CoV-2 được biết đến với tốc độ lây lan rất nhanh, và sẽ không có gì ngạc nhiên nếu một biến chủng vừa dễ lây lan hơn Delta vừa có độc lực cao hơn xuất hiện.
Bên cạnh đó, có vài dấu hiệu cho thấy Omicron lây lan ở cả những người đã tiêm phòng hoặc từng mắc Covid-19, tuy nhiên, các nhà khoa học không đặc biệt quan tâm đến việc liệu có thể tái nhiễm Omicron hay không, mà là liệu các trường hợp nhiễm mới có triệu chứng nặng hay nhẹ.
Tiến sĩ Gurley ở Johns Hopkins lưu ý, mức độ nghiêm trọng của bệnh không chỉ phản ánh đặc tính biến chủng, nó còn đặc trưng bởi đối tượng lây nhiễm. Hai năm sau đại dịch, nhiều người có kháng thể với virus thông qua tiêm chủng, lây nhiễm tự nhiên hoặc cả hai. Điều này có thể khiến các triệu chứng nhẹ hơn.
>> WHO kêu gọi nâng cao cảnh giác với biến chủng Omicron
Ngoài ra, tác động thực sự của virus corona không phải lúc nào cũng cảm nhận được ngay lập tức. Trên thực tế, các trường hợp nhập viện và tử vong do Covid-19 thường xảy ra chậm hơn, sau đợt bùng phát ban đầu. Đáng lo ngại, mới đây các nhà khoa học ở Anh họ vừa xác định được phiên bản "tàng hình" của biến chủng Omicron không thể phân biệt được với các biến chủng khác khi xét nghiệm PCR.
Phiên bản biến chủng “tàng hình” có nhiều điểm chung với Omicron tiêu chuẩn, nhưng thiếu một thay đổi di truyền cụ thể vốn cho phép các xét nghiệm PCR có những chỉ dấu ban đầu. Biến chủng này vẫn được phát hiện là virus corona qua tất cả xét nghiệm thông thường và có thể được xác định là biến chủng Omicron thông qua kiểm tra bộ gene. Nhưng việc xét nghiệm PCR thông thường không thể giúp phát hiện sớm dấu hiệu của biến chủng Omicron.
Chính vì vậy, trước khi biến chủng Omicron được giải mã đầy đủ, WHO khuyến cáo các quốc gia, các quốc gia vẫn cần bảo vệ người dân trước sự lây lan của dịch bệnh bằng việc thực thi nghiêm ngặt những biện pháp phòng chống dịch như tăng cường tiêm chủng, yêu cầu đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng và thực hiện giãn cách.
Có thể bạn quan tâm
Bộ Y tế: Nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập vào Việt Nam rất lớn
15:43, 07/12/2021
Biến chủng Omicron: Dấu hiệu của sự kết thúc hay bắt đầu một đại dịch mới?
06:50, 07/12/2021
WHO kêu gọi nâng cao cảnh giác với biến chủng Omicron
00:58, 05/12/2021
Thêm nhiều cách thức mới đối phó với biến chủng Omicron
07:13, 03/12/2021
Biến chủng Omicron có thật sự đáng sợ?
04:00, 03/12/2021