Triển vọng kinh tế toàn cầu (Kỳ II): Nỗi lo lạm phát toàn cầu
Lạm phát tăng mạnh trong khi tăng trưởng suy giảm, có thể sẽ khiến nhiều quốc gia đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
>>Triển vọng kinh tế toàn cầu (Kỳ I): Tăng trưởng không đồng đều năm 2021
Lạm phát ở Mỹ tháng 12 đã tăng vọt lên 7% so với cùng kỳ năm 2020, mức cao nhất trong vòng 40 năm kể từ tháng 6/1982. Kể từ tháng 4/2021, mức lạm phát của Mỹ đã là 4,2%, các tháng tiếp theo đến tháng 9 đều trên 5%. Nghĩa là mức lạm phát trung bình cả năm đã cao hơn so với mức mục tiêu 2%/năm của FED. Nguyên nhân đằng sau là do cầu tăng, thiếu hụt lao động dẫn đến lương tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên liệu thế giới tăng, khủng hoảng năng lượng.
Trong khi đó, lạm phát hàng năm ở EU cũng cho thấy tăng nhanh trong tháng 12/2021 lên mức 5%, mức cao nhất trong vòng 32 năm và vượt mức mục tiêu của ECB là 2%. Nguyên nhân chủ yếu do giá nguyên liệu quốc tế tăng mạnh.
Tính đến cuối năm 2021, có tới 39 quốc gia trong tổng số 46 quốc gia đã được thu thập dữ liệu cho thấy có mức lạm phát cao hơn trước đại dịch.
Về mặt số học, theo tính toán của PWC, lạm phát cao một phần do cơ sở xuất phát thấp. Sự phong tỏa khiến mọi hoạt động phải ngừng và sut giảm xuống mức thấp. Khi tái mở nền kinh tế, khiến giá cả các loại hàng hóa tăng mạnh từ mức thấp. Điều này đã gây nhiễu loạn thống kê, kết quả là lạm phát có khuynh hướng cao. Chẳng hạn, nếu điều chỉnh theo mức cơ sở, nghĩa là loại bỏ hiệu ứng trên, thì lạm phát trong tháng 7 ở khu vực Eurozone chỉ ở mức 1,3% so với mức hiện tại là 2,2%, và ở Mỹ chỉ là 3,1% so với mức thực tại 5,4%...
Về phía cầu, mặc dù phục hồi tốt ở các nước trong nhóm G7, nhưng hầu hết vẫn còn chậm hoặc chưa thực sự mạnh mẽ. IMF cho biết điều này sẽ còn tồn tại vài năm nữa đối với hầu hết các nước trong G7, trừ Mỹ. Ở nhóm G7, kể cả Mỹ, số liệu việc làm cho thấy thị trường lao động vẫn còn yếu. Nghĩa là rủi ro lạm phát từ phía cầu là không cao.
Về phía cung, những biến động mạnh ở phía cầu gây căng thẳng cho các chuỗi cung ứng và mạng lưới logistics. Tuy nhiên, giá cả đang gửi tín hiệu khiến cả người tiêu dùng và nhà sản xuất thay đổi hành vi. Chẳng hạn, giá gỗ tròn ở Mỹ tăng mạnh hồi tháng 4/2021, nhưng giảm dần từ đó, một phần do làm thay đổi hành vi trong lĩnh vực xây dựng lĩnh vực tiêu thụ nhiều gỗ tròn, và phần khác là do những cải tiến ở phía cung.
>>“Bệ đỡ” tăng trưởng kinh tế toàn cầu
TS Bùi Ngọc Sơn, Chuyên gia kinh tế độc lập cho rằng, các con số lạm phát cao như hiện nay bắt nguồn từ những hiệu ứng về tính toán, sự hỗn loạn trong cung và cầu do tình hình đặc thù dịch bệnh gây ra. Những hỗn loạn và những hiệu ứng này sẽ dần biến mất. Về phía cung và cầu cũng vậy, những lực tác động gây lạm phát đều mang tính ngắn hạn và có khuynh hướng giảm dần. Kết quả, mức lạm phát cao trong các nền kinh tế phát triển là không đáng lo ngại và sẽ dần giảm trở lại trong tương lai gần. Các tính toán khác cũng cho thấy lạm phát sẽ dịu bớt trong quý I của năm 2022.
Tuy nhiên, lạm phát thực tế ở Mỹ tăng mạnh gần đây đã khiến FED dường như phải đưa ra quyết định thay đổi định hướng chính sách tiền tệ của mình.
FED đã và đang thu hẹp dần Chương trình nới lỏng định lượng (QE), dự kiến sẽ chấm dứt chương trình này vào tháng 3/2022 và có thể nâng lãi suất khoảng 3 lần trong năm nay. Động thái này của FED sẽ có tác động không nhỏ đến kinh tế toàn cầu. Bởi vì điều đó sẽ đẩy USD tăng, khiến các đồng tiền khác bị giảm, giá gây ra áp lực lạm phát ở nhiều nền kinh tế khác, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi. Theo đó, các NHTW ở các nền kinh tế mới nổi sẽ phải điều chỉnh nâng lãi suất để giữ cân bằng. Tuy nhiên, nếu những nền kinh tế này đang trì trệ vì dịch COVID-19 thì sẽ gặp nhiều thách thức.
Trước thực trạng nói trên, TS. Bùi Ngọc Sơn cho rằng tình huống đáng lo ngại đối với nhiều nền kinh tế là tình trạng lạm phát đình đốn có thể xảy ra ở nhiều nền kinh tế. Hiện tại dường như chỉ có nền kinh tế Mỹ là ở vào tình thế tốt khi tăng trưởng trở lại và thất nghiệp đang giảm dần.
Nếu Fed thắt chặt tiền tệ, đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi sẽ mất giá dẫn đến nguy cơ lạm phát. Nghĩa là nền kinh tế vẫn đang trì trệ lại phải đương đầu với lạm phát (gọi là lạm phát đình đốn)- một tình huống đáng sợ nhất trong kinh tế. Tình huống này khiến các ngân hàng trung ương mất dư địa để kích thích nền kinh tế. Nếu hạ và/hay duy trì lãi suất thấp để kích thích thì lạm phát sẽ trở nên nguy hiểm, gây bất ổn vĩ mô.
Trái lại, nếu nâng lãi suất để ngăn lạm phát thì sự phục hồi sẽ biến mất, nền kinh tế sẽ trì trệ kéo dài. Tình trạng này chỉ biến mất khi nền kinh tế trở lại cân bằng một cách tự nhiên khi các hỗn loạn vĩ mô tự chúng biến mất.
Có thể bạn quan tâm