Chia sẻ với DĐDN, TS. Bùi Ngọc Sơn, Chuyên gia kinh tế độc lập, cho rằng dù dịch bệnh có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng kinh tế toàn cầu vẫn phục hồi tích cực trong năm nay.
Morgan Stanley cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể đạt 4,7% trong năm 2022.
- Đại dịch COVID-19 được nhiều chuyên gia dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp trong năm 2022, có thể kìm hãm đà phục hồi kinh tế thế giới. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Trước thời điểm Noel và Tết Dương lịch 2022 vẫn còn duy trì bầu không khí lo ngại về đà phục hồi kinh tế thế giới, do các đầu tàu kinh tế là Mỹ và Châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề do sự xuất hiện của biến chủng Omicron. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy Omicron không phải là biến thể nguy hiểm như Delta.
Hơn nữa, độ bao phủ vaccine và phát triển các loại thuốc điều trị COVID-19 trên toàn cầu tương đối mạnh. Chính vì vậy, tôi cho rằng, đại dịch sẽ không ảnh hưởng nhiều đến đà phục hồi kinh tế thế giới trong năm 2022.
- Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu kéo dài mà chưa có tín hiệu khởi sắc, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách “zero Covid”. Theo ông, tình trạng này có tiếp diễn trong cả năm 2022 hay được cải thiện nhờ đâu?
Trung Quốc có thể vẫn sẽ duy trì chiến lược “zero Covid”. Tuy nhiên, tác động từ Trung Quốc sẽ không mạnh mẽ như trước đây.
Thứ nhất, mùa mua sắm cuối năm đã kết thúc, nhu cầu của người dân đã giảm nhanh chóng.
Thứ hai, các doanh nghiệp toàn cầu đã chủ động tìm kiếm và điều chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc để chuyển sang các nước khác.
Thứ ba, các doanh nghiệp đã có nhiều bài học trong “mùa COVID-19” thứ nhất, do đó, việc chuyển đổi số và đổi mới hoạt động để thích nghi với tình hình mới đã được doanh nghiệp thực hiện một cách chủ động hơn.
Nếu sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn còn xảy ra, điều này sẽ chỉ kéo dài tới cuối quý II/2022.
- Lạm phát cũng là nỗi ám ảnh của nhiều quốc gia khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, khủng hoảng năng lượng, đặc biệt một số NHTW sẽ siết chặt tiền tệ, khiến dòng vốn giá rẻ tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi. Theo ông, lạm phát có đáng lo và Việt Nam cần ứng phó như thế nào?
Nhu cầu tại Mỹ và Châu Âu đang phục hồi trở lại, trong khi nguồn cung không đáp ứng nổi do chuỗi cung ứng chưa được nối lại, đã dẫn tới tình trạng thiếu nguyên liệu. Đồng thời, cuộc khủng hoảng thiếu năng lượng tại Trung Quốc cũng gây nên những tác động không nhỏ… Tất cả những yếu tố này đã làm giá tiêu dùng tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, tình trạng này có thể sẽ chỉ là tạm thời và sẽ giảm dần trong năm 2022, khi thế giới trở lại trạng thái bình thường mới.
Về lý thuyết, lạm phát không gây ra điều gì quá lo sợ, nhưng trên thực tế, FED và một số NHTW vẫn cần siết chặt tiền tệ để ổn định tâm lý thị trường. Điều này sẽ khiến dòng vốn giá rẻ tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi, khiến đồng nội tệ của nước này bị mất giá, đẩy áp lực lạm phát tăng. Tuy nhiên, điều này cũng không gây ra nỗi lo lạm phát quá lớn tại Việt Nam trong bối cảnh lạm phát hiện còn thấp.
- Căng thẳng địa chính trị, địa kinh tế giữa Mỹ-Trung Quốc, Nga-Mỹ và phương Tây... cũng là diễn biến đáng quan tâm. Theo ông, điều này sẽ diễn biến như thế nào trong năm nay và tác động thế nào đến kinh tế thế giới?
Đây là những biến động chính trị đã kéo dài trong nhiều năm. Do đó, các nhà kinh tế và các doanh nghiệp toàn cầu đã chuẩn bị sẵn phương án đối phó cho những biến động này.
Về cơ bản, tác động từ xung đột Nga – Mỹ sẽ không đáng kể do Nga vẫn đang chịu một số biện pháp cấm vận và phạm vi ảnh hưởng của nền kinh tế khá nhỏ. Mặc dù vậy, nếu căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc có chiều hướng gia tăng trong năm nay, có thể sẽ gây ra một số tác động tới nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, nhiều khả năng, hai quốc gia sẽ không có hành động nào để làm nóng xung đột trong năm 2022, nhất là khi Trung Quốc sắp bước vào kỳ Đại hội quan trọng.
- Với những khó khăn, thách thức nói trên, triển vọng kinh tế thế giới sẽ như thế nào, thưa ông?
Tôi vẫn cho rằng, những thách thức trên sẽ không gây ra những tác động quá mức tiêu cực cho nền kinh tế thế giới trong năm tới. Khi các đầu tàu kinh tế như Mỹ, Châu Âu kiểm soát tốt dịch bệnh, tốc độ tăng trưởng vẫn sẽ được duy trì theo mức dự báo 4,9% - 5%, và triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn sẽ tích cực cho năm 2022.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Bất ổn kinh tế Trung Quốc (Kỳ II): Tác động kinh tế thế giới
03:04, 05/12/2021
Kinh tế thế giới suy giảm (Kỳ II): Giá dầu sẽ ra sao?
01:00, 10/10/2021
Kinh tế thế giới suy giảm (Kỳ I): “Ngấm đòn” biến thể Delta
11:00, 30/09/2021
Kịch bản nào cho kinh tế thế giới năm 2022?
12:00, 07/09/2021
Kinh tế thế giới thời Covid (Kỳ II): Thách thức và triển vọng cuối năm
04:00, 31/07/2021