Kinh tế thế giới

“Vén màn” kinh tế thế giới (Kỳ 1): Tăng trưởng chậm lại

TS Bùi Ngọc Sơn - Chuyên gia kinh tế Viện Nghiên cứu Chiến lược Kinh tế - IESS 27/07/2025 11:07

Chính sách quan thuế của chính quyền Donald Trump và các xung đột địa chính trị ở Ukraine, Trung Đông đã và đang gây hỗn loạn và làm chậm tăng trưởng kinh tế thế giới nửa đầu 2025.

kinh-te-toan-cau-2025 2
kinh-te-toan-cau-2025 2

Các nền kinh tế lớn trên thế giới, như Mỹ, Trung Quốc... cũng đối mặt với nhiều thách thức, trong khi EU tích cực hơn.

Kinh tế Mỹ không mấy khả quan

Trong quý I/2025, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng âm 0,5% (tính theo tháng). Tăng trưởng quý II có thể vẫn tiếp tục âm khi các chỉ số PMI công nghiệp chế tạo giảm từ mức 51 điểm trong tháng 1 xuống 48,5 trong tháng 5, tăng nhẹ lên 49 điểm trong tháng 6. Chỉ số này thấp hơn 50 điểm phản ánh tình trạng thu hẹp của lĩnh vực này, và ngược lại. Mức tăng nhẹ trong tháng 6 và vẫn dưới 50 điểm cho thấy nền kinh tế Mỹ nhiều khả năng đi ngang trong quý II.

Xuất khẩu và nhập khẩu tăng trong quý I khi các nhà kinh doanh tăng tốc xuất, nhập hàng trước hạn thuế quan ngày 2/4, rồi quay đầu giảm mạnh trong quý II. Nhập khẩu tháng 1 tăng tới 9,7% nhưng sau đó giảm mạnh 16,3% trong tháng 4. Điều này phản ánh rõ tình trạng của nền kinh tế đang bị tác động mạnh từ chính sách thuế quan của chính quyền Trump.

Chính sách thuế quan của chính quyền Trump được dự báo sẽ làm tăng lạm phát. Tuy nhiên, hiệu ứng này sẽ bộc lộ rõ hơn trong nửa sau của năm 2025 và sang năm 2026. Đó là lý do tại sao FED rất do dự trong việc tiếp tục giảm lãi suất.

Những bất ổn nói trên là nguyên nhân khiến OECD đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ chậm lại trong năm 2025 và tiếp tục xu hướng này trong năm 2026. Mức tăng trưởng GDP 2025 dự báo chỉ đạt 1,6%, và 2026 là 1,5%, giảm từ mức 2,8% trong năm 2024.

EU có sức chống chịu tốt

Kinh tế EU lại tỏ ra có sức chống chịu tốt trước những bất ổn toàn cầu, đặc biệt trước chính sách thuế quan của Mỹ. GDP quý I tăng 0,6% so với mức 0,3% của quý IV/2024. Dù chỉ số PMI công nghiệp chế tạo vẫn ở dưới 50 điểm nhưng lại cho thấy chiều hướng tăng ấn tượng từ mức 46,5 điểm trong tháng 1 lên 49,5 điểm trong tháng 6. Điều này cho thấy xu hướng ổn định và gia tăng sản xuất công nghiệp khá chắc chắn. Điều này có nghĩa tăng trưởng trong quý II còn cao hơn mức 0,6% trong quý I.

Một yếu tố giải thích sự tăng trưởng ở EU đó là lãi suất thấp. Thuế quan cao ở Mỹ khiến hàng hóa trở nên rẻ khi nguồn cung sang EU tăng lên, lạm phát giảm, ECB có điều kiện tốt cắt giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế. Từ mức 3,15%/năm hồi tháng 1/2025 thì sau 5 lần cắt giảm, mức lãi suất hiện tại của ECB là 2,15%.

ecb.jpg
Từ mức 3,15%/năm hồi tháng 1/2025 thì sau 5 lần cắt giảm, mức lãi suất hiện tại của ECB là 2,15%.

Sở dĩ EU có sức chống chịu tốt do khu vực này gồm nhiều nước, trong đó chỉ có một số nước có quan hệ lệ thuộc thương mại nhiều vào Mỹ, trong khi có nhiều nước thì không. Ví dụ, Ireland có GDP là 577 tỷ USD, nhưng có thặng dư thương mại với Mỹ lên tới 93 tỷ USD năm 2024. Trong khi đó, Đức với GDP năm 2024 là 4,6 nghìn tỷ USD, nhưng chỉ có 72 tỷ USD thăng dư với Mỹ; Pháp có GDP là 3,16 nghìn tỷ USD nhưng thặng dư thương mại với Mỹ chỉ 11,3 tỷ USD năm 2024. Do đó, thuế quan của Mỹ chỉ tác động đến một số ít nền kinh tế quy mô nhỏ ở EU.

Một lý do quan trọng khác là EU hấp dẫn dòng vốn đầu tư toàn cầu khi các nhà đầu tư cho rằng EU trở nên an toàn hơn Mỹ trong bối cảnh chính sách kinh tế, xã hội của chính quyền Trump.

Trung Quốc đối mặt nhiều thách thức

Nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt thêm nhiều khó khăn từ chính sách thuế quan của Mỹ, cũng như những khó khăn lớn ở trong nước.

Tốc độ tăng trưởng GDP trong quý I của Trung Quốc là 5,4% bằng với quý IV/2024. Tuy nhiên, chỉ số PMI công nghiệp chế tạo trong quý II sụt giảm xuống còn mức trung bình là 49,5 điểm so với mức trong quý I trên 50 điểm, cho thấy tăng trưởng giảm nhẹ trong quý II với mức được dự báo là 5,02% - 5,07%.

Trong quý II, Trung Quốc chịu nhiều biến động từ chính sách thuế của Mỹ khi nước này là mục tiêu tấn công lớn vì luôn có mức thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ trong vài thập kỷ qua.

Trong khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn bên trong và bên ngoài thì Trung Quốc tỏ ra chậm chạp trong việc đưa ra phản ứng chính sách kích thích nền kinh tế. Đây là một lý lo giải thích triển vọng không sáng sủa nền kinh tế này trong năm 2025 và 2026. Theo OECD, tốc độ tăng trưởng cả năm 2025 và 2026 được dự báo lần lượt là 4,7% và 4,3%, so với mức 5,4% của năm 2024.

Các nước đang phát triển gặp khó

Các nền kinh tế đang phát triển bị tác động tiêu cực đáng kể từ chính sách thuế quan của Mỹ. Xuất khẩu của các nền kinh tế này khó khăn trong khi lại phải đối mặt với làn sóng hàng hóa giả rẻ từ Trung Quốc, gây thiệt hại cho sản xuất trong nước.

Những nền kinh tế nào gắn chặt với thị trường Mỹ bị tác động nhiều hơn. Mexico và Brazil là những điển hình. Trong đó, Mexico sẽ trì trệ trong năm nay, Brazil vẫn tăng trưởng nhưng chậm lại đáng kể. Tốc độ tăng trưởng GDP của Brazil trong quý I/2025 là 2,9% so với quý IV/2024 là 3,6%, tăng trưởng quý II có thể chậm hơn nữa.

Trong khi Mexico có tăng trưởng GDP quý I/2025 là 0,8%, so với mức tăng cả năm 2024 là 1,5%. Tăng trưởng quý II/2025 dự báo không khả quan hơn vì tác động sách thuế của Mỹ.

Kỳ II: Vẫn còn nỗi lo thuế quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Vén màn” kinh tế thế giới (Kỳ 1): Tăng trưởng chậm lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO