Triển vọng kinh tế toàn cầu (Kỳ V): 5 vấn đề đặt ra với kinh tế Mỹ

CẨM ANH 03/02/2022 03:24

Các nhà kinh tế cho biết tăng trưởng kinh tế Mỹ dự kiến sẽ chậm lại vào năm 2022 trong bối cảnh biến thể Omicron đang lan rộng và các chính sách hỗ trợ giảm dần.

>>Triển vọng kinh tế toàn cầu (Kỳ IV): Xung đột địa chính trị và địa kinh tế

Mới đây, các chuyên gia đã liệt kê năm vấn đề đặt ra những bất ổn tiềm ẩn đối với nền kinh tế Hoa Kỳ trong năm 2022. 

Các chuyên gia cho rằng tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ vẫn gặp nhiều thách thức trong năm 2022

Các chuyên gia cho rằng tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ vẫn gặp nhiều thách thức trong năm 2022

Mối đe dọa từ Omicron

Biến thể Omicron có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế Hoa Kỳ vào năm 2022, giống như biến thể Delta đã làm vào năm 2021. Theo nhà kinh tế Jan Hatzius của Goldman Sachs cho biết: “Omicron có thể gia tang tâm lý bất ổn khi người lao động trở lại nơi làm việc và khiến tình trạng thiếu công nhân kéo dài hơn một chút”.

Ông đã hạ dự báo GDP của Mỹ trong quý đầu tiên của năm 2022 xuống 2%, giảm so với dự báo trước đó là 3%.

Đồng quan điểm, Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng của công ty kế toán lớn Grant Thornton cho biết: “Phần lớn hậu quả kinh tế liên quan đến làn sóng dịch mùa đông sẽ xuất hiện vào cuối tháng 12 và tháng 1. Quý đầu tiên của năm 2022 là quý chịu ảnh hưởng rõ ràng nhất”.

Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang dự báo nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ tăng trưởng ở mức 4% vào năm 2022, giảm từ mức 5,5% vào năm 2021.

Tuy nhiên, trong trường hợp xấu nhất, nếu biến thể Omicron làm giảm hiệu quả của vaccine và dẫn đến việc phải tang cường các biện pháp hạn chế mới, thì tăng trưởng có thể giảm xuống dưới 2% vào năm 2022, theo Oxford Economics.

Lạm phát

Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hoa Kỳ đã tăng 6,8% trong khoảng thời gian cuối năm 2021, đây là tốc độ tăng hàng năm nhanh nhất trong gần 40 năm.

Các nhà kinh tế học tại Wells Fargo Securities dự đoán CPI sẽ đạt đỉnh vào khoảng 7% so với năm trước trong quý đầu tiên của năm 2022. Khi các nút thắt trong chuỗi cung ứng dần giảm bớt và chi tiêu của người tiêu dùng chuyển hướng sang lĩnh vực dịch vụ, họ tin rằng lạm phát sẽ giảm dần trong nửa cuối năm 2022.

Ethan Harris, chuyên gia đứng đầu bộ phận kinh tế toàn cầu tại Bank of America Global Research, cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng vào cuối năm 2022, lạm phát sẽ trở lại dưới mức 3%”. Ông cho biết thêm rằng dự báo mức lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu của Cục Dự trữ Liên bang là 2%.

Nếu lạm phát không giảm, kế hoạch của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ về việc rút dần các công cụ hỗ trợ nền kinh tế và kế hoạch 3 lần tăng lãi suất trong năm tới có thể phải điều chỉnh sớm hơn.

>>Triển vọng kinh tế toàn cầu (Kỳ III): Đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ sớm chấm dứt?

Dưới áp lực lạm phát, FED dự kiến sẽ có sự thay đổi về chính sách tiền tệ trong năm 2022

Dưới áp lực lạm phát, FED dự kiến sẽ có sự thay đổi về chính sách tiền tệ trong năm 2022

Chính sách tiền tệ

Trong một nỗ lực để giải quyết lạm phát tăng cao, Cục Dự trữ Liên bang FED đang có những động thái kết thúc chương trình mua tài sản vào tháng 3/2022 trong khi dự kiến sẽ có ba đợt tăng lãi suất trong năm nay.

Tất cả các thành viên đều dự báo ít nhất 1 lần nâng lãi suất trong năm tới, trong đó có 2 thành viên thậm chí dự báo tăng lãi suất 4 lần. Phần lớn các thành viên dự báo Fed có 3 đợt nâng lãi suất, mỗi lần nâng 0,25 điểm phần trăm, trong năm 2022, tiếp đó là 3 lần nâng trong 2023 và 2 lần nâng trong 2024. Dự kiến lần tăng đầu tiên sẽ bắt đầu vào tháng 3.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế đánh giá dự báo đó có thể quá quyết liệt, xét tới những thách thức mà nền kinh tế Mỹ đang đối mặt, từ đại dịch tiếp diễn cho tới những hạn chế về cấu trúc dân số và lực lượng lao động – những nhân tố đã giữ lạm phát ở Mỹ trong tầm kiểm soát suốt hơn 1 thập kỷ qua.

Việc tăng lãi suất nhiều như vậy có thể sẽ không dễ, vì sẽ gây ra điều kiện tài chính thắt chặt hơn so với những gì Fed muốn chứng kiến.

Thị trường đã phản ứng rất tích cực với tuyên bố sau cuộc họp của Fed, phản ánh hai sự giải toả tâm lý: một là lập trường chính sách tiền tệ của Fed không nằm ngoài dự báo trước đó, và hai là dư địa để Fed thắt chặt các điều kiện tài chính cũng không nhiều.

Nhưng với lạm phát ở Mỹ đang ở mức cao nhất 39 năm, việc Fed tìm ra đúng điểm cân bằng giữa bình ổn giá cả và hỗ trợ nền kinh tế là rất khó. Ngoài ra, những thách thức trong việc tăng lãi suất có thể phá hỏng uy tín của Fed trên phương diện chống lạm phát và đẩy cao mối lo về sự hình thành của bong bóng tài sản.

Lao động giảm

Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ, kể từ tháng 11 năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã giảm 0,4% xuống còn 4,2%, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng việc làm vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch.

Đáng lo ngại, số lượng lao động Mỹ nghỉ việc ghi nhận vẫn đang ở mức cao kỷ lục và tốc độ tuyển dụng của các doanh nghiệp tuyến đầu đã cho thấy làn sóng COVID-19 mới nhất đang làm suy giảm nguồn cung lao động. Số liệu từ các công ty cung cấp dữ liệu tuyển dụng Homebase và UKG cho thấy số việc làm đang giảm dần đến tháng 12/2021, trùng với thời điểm biến thể Omicron xuất hiện và gây ra đợt bùng phát kỷ lục về số ca mắc mới.

Mặc dù vậy, vẫn có một số tín hiệu tích cực từ thị trường lao động. Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody's Analytics nhận định, tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ giảm còn 3,5% vào cuối năm 2022. Các nhà kinh tế tại Oxford Economics cũng dự kiến lực lượng lao động tại Mỹ sẽ tăng từ 61,8% hiện tại lên khoảng 62,6% trong quý 4 năm 2022, vẫn thấp hơn mức trước đại dịch là 63,3%.

Các gói chính sách của Tổng thống Biden

Những nỗ lực của đảng Dân chủ nhằm thông qua dự luật về khí hậu và chi tiêu xã hội, khí hậu đã vấp phải cản trở ở Thượng viện do không được đảng Cộng hòa ủng hộ.

Trong bối cảnh Chính phủ Mỹ không “bơm” thêm các khoản tiền hỗ trợ liên quan đến dịch COVID-19 trong năm 2022, những người Mỹ ban đầu thoát khỏi đói nghèo nhờ các khoản tiền này sẽ phải đối mặt với một nền kinh tế bất ổn, trong khi biến thể Omicron vẫn đang tiếp tục lây lan nhanh.

Theo một báo cáo hồi tháng 9/2021 của Cơ quan thống kê dân số Mỹ, 11,7 triệu người Mỹ đã thoát nghèo trong năm 2020 nhờ các khoản tiền hỗ trợ liên quan đến dịch COVID-19. Giờ đây khi các chương trình hỗ trợ này kết thúc, nhiều người sẽ phải tìm sinh kế mới trong năm 2022.

Dù chính phủ của Tổng thống Biden đã gia hạn ưu đãi tạm ngừng trả các khoản vay cho sinh viên, nhưng ông đã nói rõ rằng chính sách tạm dừng ngày sẽ không kéo dài mãi. Trước đó, ông Biden đã hứa hẹn sẽ giảm ít nhất 10.000 USD trong khoản vay sinh viên cho mỗi người, nhưng cam kết này vẫn chưa được thực hiện.

Tình hình có thể trở nên nghiêm trọng hơn đối với nhiều người dân Mỹ đang gặp khó khăn. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo về khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng vô gia cư khổng lồ khi lệnh cấm trục xuất của chính phủ hết hạn trong năm 2021, nhưng nhiều bang và khu vực vẫn tiếp tục cung cấp hỗ trợ nhà ở. 

Có thể bạn quan tâm

  • Triển vọng kinh tế toàn cầu (Kỳ IV): Xung đột địa chính trị và địa kinh tế

    Triển vọng kinh tế toàn cầu (Kỳ IV): Xung đột địa chính trị và địa kinh tế

    02:00, 01/02/2022

  • Triển vọng kinh tế toàn cầu (Kỳ III): Đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ sớm chấm dứt?

    Triển vọng kinh tế toàn cầu (Kỳ III): Đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ sớm chấm dứt?

    04:03, 31/01/2022

  • Triển vọng kinh tế toàn cầu (Kỳ II): Nỗi lo lạm phát toàn cầu

    Triển vọng kinh tế toàn cầu (Kỳ II): Nỗi lo lạm phát toàn cầu

    04:19, 30/01/2022

  • Triển vọng kinh tế toàn cầu (Kỳ I): Tăng trưởng không đồng đều năm 2021

    Triển vọng kinh tế toàn cầu (Kỳ I): Tăng trưởng không đồng đều năm 2021

    04:30, 29/01/2022

CẨM ANH