Đàm phán Nga - Ukraine tiếp tục không đạt đột phá mới

CẨM ANH 11/03/2022 01:47

Mặc dù hai bên sẵn sàn tiếp tục đàm phán, tuy nhiên cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba không đạt được tiến bộ.

>>Hệ lụy từ lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga của Mỹ?

Buổi gặp mặt giữa Ngoại trưởng Nga và Ngoại trưởng Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ

Buổi gặp mặt giữa Ngoại trưởng Nga và Ngoại trưởng Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ

Được biết, đây là cuộc gặp cấp ngoại trưởng đầu tiên giữa Nga và Ukraine kể từ khi Moskva mở chiến dịch quân sự. "Chúng tôi đã nói về lệnh ngừng bắn nhưng không đạt được tiến bộ nào", Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói trong cuộc họp báo sau sự kiện.

Theo ông Kuleba nhận định: “Dường như trong vấn đề này thì Nga còn có những người quyết định khác nữa”; đồng thời khẳng định, Ukraine đã, đang và sẽ không đầu hàng.

Ngoại trưởng Ukraine cũng cho biết ông không thể đạt được thỏa thuận với Lavrov về hành lang nhân đạo từ thành phố Mariupol bị bao vây ở miền nam Ukraine. Bên cạnh đó, ông Kuleba bày tỏ luôn sẵn sàng gặp lại Ngoại trưởng Lavrov theo hình thức này nếu có triển vọng thảo luận quan trọng và tìm kiếm giải pháp.

Trong khi đó, ông Lavrov cho rằng phương Tây đã tạo ra xung đột này vì họ buộc Ukraine chọn giữa mình và Nga. Đồng thời, ngoại trưởng Nga cũng chỉ trích những chuyến hàng chở vũ khí “nguy hiểm” tới Ukraine. Dù vậy, ông cho biết Nga vẫn muốn tiếp tục thương lượng với Ukraine.

Ngoại trưởng Nga cũng nhắc lại việc Moscow muốn Kiev trung lập và sẵn sàng thảo luận về các đảm bảo an ninh liên quan đến Ukraine, các nước châu Âu và Nga. Ông Lavrov cho biết Moscow mong muốn Ukraine là một quốc gia thân thiện, không cấm ngôn ngữ và văn hóa Nga.

Đáng chú ý, ông Lavrov cho biết thêm, Tổng thống Putin không loại trừ khả năng gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, nhưng nói thêm rằng trước tiên các nhà đàm phán của hai nước nên đặt nền móng bằng cách tiến hành các cuộc đàm phán tại Belarus.

>>“Vết thương lớn” của nền kinh tế Nga

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, Mevlüt Çavuşoğlu, chào mừng người đồng cấp Ukraine, Dmytro Kuleba, trước cuộc hội đàm tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, vào ngày 10 tháng 3. Ảnh: Anadolu Agency / Getty

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, Mevlüt Çavuşoğlu (phải) và người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba, trước cuộc hội đàm tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Anadolu Agency / Getty

Khi được hỏi liệu cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây về vấn đề Ukraine có thể dẫn tới chiến tranh hạt nhân hay không, Ngoại trưởng Lavrov nói không tin sẽ có một cuộc chiến tranh như vậy. “Tôi không muốn tin và không tin là một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể bùng phát”, ông nói. 

Các cuộc đàm phán diễn ra khi giao tranh vẫn tiếp tục xảy ra gay gắt trên khắp Ukraine. Mặc dù hai bên đã tích cực tổ chức ba cuộc đàm phán trong thời gian gần đây, tuy nhiên, các cuộc thảo luận diễn ra không suôn sẻ, do hai bên từ chối nhượng bộ bất cứ điều khoản nào.

Trước đó, hai bên đã giảm nhẹ lập trường công khai của mình nhưng quan điểm vẫn còn cách xa nhau. Nga đã thu hẹp các yêu cầu và chỉ tập trung vào sự “trung lập” của Ukraine. Đồng thời, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định không tìm cách “lật đổ” chính quyền Ukraine. 

Ukraine đã báo hiệu rằng họ sẵn sàng thảo luận về yêu cầu trung lập của Nga và sẵn sàng cho một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột. Tuy nhiên, họ cũng nói rằng điều này phải được đảm bảo an ninh từ các đồng minh như Mỹ và NATO, chứ không chỉ từ Nga.

Timothy Ash, chiến lược gia cấp cao về thị trường mới nổi tại BlueBay Asset Management nhận định rằng các cuộc đàm phán sẽ rất khó có khả năng đạt được. "Theo quan điểm của tôi, hai bên vẫn còn nhiều khoảng cách để có thể dẫn tới một lệnh ngừng bắn".

Mặc dù vậy, Mustafa Aydin, giáo sư tại Đại học Kadir Has ở Istanbul, cho biết việc Ngoại trưởng Nga Lavrov và Ngoại trưởng Ukraine Kuleba đối thoại đánh dấu một bước tiến mới và có thể mở ra triển vọng đối thoại ở các cấp cao hơn.

"Từ thái độ không khoan nhượng ban đầu, Nga đang dần chuyển sang lập trường đàm phán mặc dù vẫn chưa đủ cho một kết quả cụ thể. Đây là một tiến bộ đáng kể", chuyên gia này đánh giá.

Theo các nhà phân tích và chiến lược gia, có một số yếu tố đằng sau hành động tấn công quân sự của Tổng thống Putin vào Ukraine, nhưng hầu hết các ý kiến đều đồng ý rằng nguyên nhân chủ yếu là do ông muốn khẳng định lại quyền lực của Nga đối với các quốc gia thuộc Liên Xô cũ và ngăn chặn sự xoay trục của Ukraine đối với phương Tây.

Có thể bạn quan tâm

  • “Quốc hữu hóa” các công ty nước ngoài, đòn trả đũa của Nga?

    “Quốc hữu hóa” các công ty nước ngoài, đòn trả đũa của Nga?

    20:20, 10/03/2022

  • Kinh tế Nga, dầu thô, cấm vận và vỡ nợ

    Kinh tế Nga, dầu thô, cấm vận và vỡ nợ

    18:22, 10/03/2022

  • Các tập đoàn Trung Quốc - “Ngư ông đắc lợi” sau căng thẳng Nga - Ukraine?

    Các tập đoàn Trung Quốc - “Ngư ông đắc lợi” sau căng thẳng Nga - Ukraine?

    11:01, 10/03/2022

  • Chiến sự Nga - Ukraine khiến châu Âu bất an

    Chiến sự Nga - Ukraine khiến châu Âu bất an

    05:30, 10/03/2022

  • Hệ lụy từ lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga của Mỹ?

    Hệ lụy từ lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga của Mỹ?

    04:35, 10/03/2022

CẨM ANH