Moscow tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào Ukraine đã khiến châu Âu bất an.
>>Chiến sự Nga - Ukraine và nghịch lý cấm vận
Các cuộc chiến tranh thế giới đều hướng tới một mục đích: Giải quyết mâu thuẫn kinh tế, chính trị, xã hội bị dồn nén suốt thời gian dài. Tác dụng của nó là thiết lập lại trật tự toàn cầu mới, đánh sụp một vài đế chế, giúp một số thế lực mới vươn lên nắm quyền thống trị.
Đức là một quốc gia lớn ở châu Âu nhưng cách mạng tư sản Đức diễn ra chậm hơn Pháp nửa thế kỷ, muộn hơn Anh và Hà Lan 200 năm. Nước Đức dưới chế độ phong kiến bị kìm hãm mọi thứ, hệ tư tưởng Đức lúc này không dám thừa nhận sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, những Hegel, Kant, chỉ dám dựa vào thần quyền để giải thích cho tính hợp lý của nhà nước phong kiến phản động, phi tiến bộ.
Giữa thế kỷ 19, giới tư sản Đức làm cuộc cách mạng, giải phóng lực lượng sản xuất phong kiến, xác lập quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Điều kiện để chủ nghĩa tư bản phát triển chính là nền sản xuất đại công trường, máy móc, nguyên nhiên liệu và thị trường.
Giới tư sản Đức sinh sau đẻ muộn đã bị các nước tư bản già chiếm hết thuộc địa, thị trường toàn cầu. Song song là đại suy thoái những năm 1929 - 1933, buộc Hitler phát xít hóa bộ máy, siết chặt cai trị, bóc lột bên trong, tăng cường gây hấn bên ngoài hòng chia lại miếng bánh thuộc địa và thị trường.
Đức quốc xã lấy lý do đòi lại lãnh thổ Đông Phổ đã bị sáp nhập và Ba Lan, chính phủ Ba Lan cự tuyệt. Vậy là Hitler phá bỏ Hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau đã ký với Warszawa năm 1934. Thế chiến II bắt đầu.
Tình hình Nga hiện nay khá tương tự! Nước Nga tư bản về lý thuyết mới ra đời từ sau 1991, Moscow vẫn được xem là cường quốc, nhưng không có nhiều thực quyền như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu.
Kinh tế Nga liên tiếp suy thoái, rơi xuống vị trí sau Hàn Quốc. Năm 2000 V. Putin xuất hiện trên vũ đài chính trị, bắt đầu lái nước Nga theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa, đề cao giá trị lịch sử, quyết tâm phục hồi vị thế mà Liên Xô từng có. Điểm này rất tương đồng với Hitler, ông ta chỉ đề cao dân tộc Đức.
Putin cho rằng, Ukraine là một phần của lịch sử Nga, buộc phải thu về một mối, ông chiếm Crimea, mở đường ra Biển Đen; y hệt như cách Hitler từng đánh chiếm Đông Phổ để mở lối ra biển Baltic.
Hitler nổ súng vào Ba Lan nghĩa là đe dọa đến toàn châu Âu, cũng như vậy Moscow tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào Ukraine cũng khiến châu Âu bất an.
Bây giờ hãy xét về cục diện thế giới làm nảy sinh thế chiến. Khủng hoảng kinh tế 1929 -1933 phơi bày bản chất của chủ nghĩa tư bản, có nguồn gốc từ lỗi hệ thống chính trị, kinh tế. Chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh vô chính phủ, chạy đua lợi nhuận, dồn hết sức sản xuất trong khi dung lượng thị trường có hạn, dẫn đến khủng hoảng thừa.
Phong trào đấu tranh giành độc lập ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latin trỗi dậy khiến các cường quốc hao tổn tiềm lực. Trong quá trình này trật tự thế giới là con số 0 tròn trĩnh.
Bất chấp xu hướng hòa bình phát triển mạnh sau thế chiến I, chủ nghĩa báo thù dân tộc và chủ nghĩa xét lại đã nổi lên tại một số quốc gia châu Âu trong cùng thời kỳ. Đặc biệt ở Đức, quốc gia bị mất 13% lãnh thổ và hầu hết thuộc địa ở hải ngoại do hòa ước Versailles áp đặt.
Năm 2018, thế giới nín thở ngóng chờ chu kỳ khủng hoảng kinh tế 10 năm xuất hiện, ít ai ngờ thương chiến Mỹ - Trung mở màn, thế giới bị chia đôi, các tổ chức đa phương lộ rõ tính bị động, yếu kém.
Đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 bắt đầu hoành hành gây ra khủng hoảng toàn diện, thiệt hại đến thời điểm này còn kinh khủng hơn đại suy thoái trước thế chiến II. Trật tự toàn cầu vỡ vụn, quan hệ các cường quốc xấu chưa từng thấy.
Trung Quốc lúc này giữ vai trò giống Mỹ trước thế chiến II, tích lũy đầy đủ nguồn lực chờ thời cơ, không trực tiếp can dự vào chiến tranh nhưng sẽ nhanh chóng ra tay khi cục diện dần ngã ngủ - là lúc bên thắng cuộc dần lộ diện.
Có thể bạn quan tâm
Chiến sự Nga - Ukraine và nghịch lý cấm vận
04:30, 09/03/2022
Chiến sự Nga - Ukraine, thế giới nơm nớp lo cái ăn
16:00, 07/03/2022
Chiến sự Nga - Ukraine, lộ toan tính của nước lớn
08:43, 03/03/2022
Tác động toàn cầu của chiến sự Nga - Ukraine
15:30, 26/02/2022
Chiến sự Nga - Ukraine: Kịch bản nào cho ông Putin?
15:02, 01/03/2022