Cuộc xung đột sẽ làm tăng tốc độ lạm phát, xáo trộn thị trường và gây rắc rối cho tất cả, từ người tiêu dùng châu Âu cho đến các gia đình ở châu Phi và châu Á…
>>>Tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng di cư từ căng thẳng Ukraine
Theo các chuyên gia phân tích, cuộc tấn công của Nga vào Ukraine và các lệnh trừng phạt trả đũa từ phương Tây có thể sẽ không dẫn đến một cuộc suy thoái toàn cầu khác. Hai nước cộng lại chỉ chiếm chưa đến 2% tổng sản phẩm quốc nội của thế giới. Trong khi, nhiều nền kinh tế khu vực đã phục hồi nhanh chóng sau đại dịch.
Tuy nhiên, cuộc xung đột này có nguy cơ gây ra thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho một số quốc gia và ngành công nghiệp, điều này đồng nghĩa với những sự khó khăn cho hàng triệu người. Đơn giản vì Nga là nước sản xuất xăng dầu lớn thứ ba thế giới và là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn. Trong khi các trang trại của Ukraine cung cấp thức ăn cho hàng triệu người trên khắp thế giới.
Theo các chuyên gia phân tích, cuộc tấn công của Nga có thể làm chậm sự phục hồi kinh tế của châu Âu bằng cách đẩy giá năng lượng vốn đã tăng cao hơn bao giờ hết. Châu Âu, một nhà nhập khẩu năng lượng lớn với gần 40% lượng khí đốt tự nhiên từ Nga. Việc cắt nguồn năng lượng đó có thể làm suy yếu nền kinh tế của lục địa già.
Giá khí đốt tự nhiên cao sẽ dẫn đến hóa đơn tiện ích gia đình cao hơn cho cả nhiệt khí đốt tự nhiên và điện năng tạo ra từ khí đốt, làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng. Giá khí đắt cũng buộc các nhà sản xuất phân bón và một số nhà sử dụng công nghiệp nặng khác phải cắt giảm sản lượng.
Mặc khác, chi phí khí đốt cao hơn cũng có khả năng gây thiệt hại hơn nữa cho các nền kinh tế châu Á, vốn đã quay cuồng với đại dịch COVID-19. Nhật Bản và Hàn Quốc, những quốc gia phụ thuộc nhiều vào dầu thô và khí đốt của Nga sẽ phải chống chọi với chi phí đầu vào tăng cao. Trong khi cả hai nền kinh tế này đều đang phải đối mặt với lạm phát giá sản xuất cao, với mức đỉnh vượt 9%.
Đặc biệt, giá năng lượng cao cũng sẽ ảnh hưởng đến chi phí canh tác và thúc đẩy giá lương thực gia tăng, và khiến các nền kinh tế châu Á mới nổi, nơi thực phẩm chiếm phần lớn trong lĩnh vực tiêu dùng sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng lương thực trầm trọng.
>>>Cuộc chiến Nga - Ukraine và những hệ lụy nhãn tiền
>>>Những điều cần biết về các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ với Nga
Một mối đe dọa lớn đối với vấn đề an ninh lương thực trên toàn thế giới là điều hiển hiện ngay trước mắt. Ukraine được dự báo sẽ là nhà xuất khẩu bắp lớn thứ ba trên thế giới trong năm 2022 và là nhà xuất khẩu lúa mì lớn thứ tư. Trong khi Nga là nhà xuất khẩu lúa mì số một thế giới.
Bất kỳ sự ảnh hưởng nào đối với các trang trại ở miền đông Ukraine và việc xuất khẩu qua các cảng Biển Đen có thể làm giảm nguồn cung lúa mì vào thời điểm giá lương thực toàn cầu đang ở mức cao nhất kể từ năm 2011 và một số quốc gia đang thiếu lương thực.
Nhà phân tích nông nghiệp, Alex Smith đã viết trên tạp chí Foreign Policy, nhiều quốc gia dựa vào việc xuất khẩu lúa mì của Nga và Ukraine đã phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực do bất ổn chính trị đang diễn ra. Ví dụ, Yemen nhập khẩu 22% lượng lúa mì tiêu thụ từ Ukraine, Libya khoảng 43%, Lebanon khoảng một nửa.
Ngoài ra, thị trường tài chính cũng đang ở trong tình trạng bấp bênh khi các ngân hàng trung ương chuẩn bị đảo ngược chính sách và tăng lãi suất để chống lại sự trỗi dậy của lạm phát. Những tỷ lệ cao hơn có thể sẽ làm chậm chi tiêu và làm tăng nguy cơ của một cuộc suy thoái khác.
Chuyên gia kinh tế, Jonathan Petersen tại Capital Economics cho biết: “Bối cảnh lạm phát hiện tại cho thấy các nhà hoạch định chính sách có ít sự linh hoạt hơn trước đây để ứng phó với sự suy giảm hoạt động thực tế hoặc giá tài sản giảm”.
Và thị trường tài chính có thể còn hỗn loạn hơn nếu Mỹ tiến hành cái mà một số người gọi là “lựa chọn hạt nhân”: Cắt Nga ra khỏi mạng thanh toán SWIFT, một dịch vụ nhắn tin liên kết hàng nghìn ngân hàng và cho phép họ chuyển các khoản thanh toán trên khắp thế giới.
Một động thái như vậy sẽ cô lập Nga và cấm chuyển lợi nhuận từ sản xuất năng lượng, vốn chiếm hơn 40% doanh thu của đất nước. Nhưng, việc đóng cửa Nga khỏi lĩnh vực tài chính quốc tế cũng có thể sẽ làm tổn hại lớn đến các công ty Mỹ và châu Âu đang kinh doanh với các công ty Nga.
Con số của Tổng cục Hải quan cho biết, tính cả năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 668,55 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước. Trong đó, trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 336,31 tỷ USD, tăng 19% và nhập khẩu đạt 332,23 tỷ USD, tăng 26,5%.
Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và hai nước Ukraine - Nga vào khoảng 7,6 tỷ USD, chỉ chiếm khoảng 1,2% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước năm 2021.
Theo các chuyên gia phân tích, ảnh hưởng của cuộc chiến giữa Nga và Ukraine tới Việt Nam là không lớn, chủ yếu liên quan đến các vấn đề về lạm phát và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng có thể dẫn đến việc khan hiếm một số mặt hàng cơ bản, qua đó trực tiếp làm giá đầu vào của các doanh nghiệp tăng cao.
Các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp có thể bao gồm các doanh nghiệp lệ thuộc vào giá hàng hóa cơ bản làm nguyên liệu đầu vào, nhưng không có khả năng tăng giá bán bù lại chi phí nguyên liệu/vận chuyển tăng cao. Bên cạnh đó, các hãng hàng không có thể chịu ảnh hưởng kép, khi chi phí xăng dầu tăng cao và một số đường bay bị gián đoạn.
Nhưng ngược lại, các lệnh trừng phạt kinh tế từ phía EU và Mỹ sẽ đẩy giá các mặt hàng tăng cao và tạo cơ hội cho các nước xuất khẩu. Đơn cử, Nga là một trong những cường quốc xuất khẩu phân bón, và với một đất nước sản xuất và xuất khẩu phân bón mạnh như Việt Nam thì đây là một cơ hội rất sáng.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập của FIDT cho biết: “Nhìn rộng hơn, chúng ta còn được hưởng lợi từ việc EU có thể dời các hoạt động kinh doanh đến nơi có chính sách hợp lý và chính trị ổn định. Nên sau câu chuyện này, có thể dẫn đến việc gia tăng đầu tư FDI vào khu vực như Đông Nam Á, Đông Bắc Á".
Có thể bạn quan tâm
Cuộc chiến Nga - Ukraine và những hệ lụy nhãn tiền
11:30, 25/02/2022
Chiến sự Nga - Ukraine: Nhà đầu tư "lao vào hầm trú ẩn", giá vàng liên tiếp phá đỉnh
09:52, 25/02/2022
Chiến sự Nga - Ukraine: Giá vàng tiến sát mốc 65 triệu đồng/lượng
16:00, 24/02/2022
Chiến sự Nga - Ukraine: Giá dầu phá đỉnh 100 USD/thùng
15:00, 24/02/2022
Căng thẳng Nga - Ukraine: Cận kề khủng hoảng năng lượng
12:15, 24/02/2022
Căng thẳng Nga - Ukraine: Cơ hội cho Tổng thống Joe Biden
03:34, 20/02/2022
Lo xung đột Nga - Ukraine, chứng khoán Mỹ bốc hơi hơn 200 điểm
11:00, 19/02/2022