Vì sao Sri Lanka ban hành lệnh giới nghiêm toàn quốc?
Sri Lanka ban bố lệnh giới nghiêm trên toàn quốc kéo dài 36 giờ để đối phó các cuộc biểu tình chống lại Tổng thống nước này.
>>Khủng hoảng kinh tế chu kỳ 10 năm: Giờ G đã điểm?
Reutersdẫn một tuyên bố của chính phủ cho biết: "Theo quyền hạn của Tổng thống, lệnh giới nghiêm được áp dụng trên toàn quốc từ 18h ngày 2/4 đến 6h ngày 4/4”. Ngay sau đó, giới chức an ninh đã áp đặt lệnh giới nghiêm tại các khu vực ở tỉnh Western, Tây Nam đất nước, bao gồm cả thủ đô Colombo.
Lệnh giới nghiêm được ban bố một ngày sau khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa ban bố tình trạng khẩn cấp do một phong trào đòi phế truất ông. Truyền thông địa phương cũng cung cấp thông tin, một liên minh gồm 11 đảng phái chính trị đã thúc giục ông Rajapaksa giải tán nội các và thành lập chính phủ mới với tất cả bên để đối phó với cuộc khủng hoảng.
Hàng trăm luật sư đã thúc giục Tổng thống Gotabaya Rajapaksa thu hồi tình trạng khẩn cấp. Việc ban bố tình trạng khẩn cấp trao quyền lực nhiều hơn cho lực lượng an ninh nước này, làm dấy lên lo ngại về việc chính quyền của ông Gotabaya Rajapaksa sẽ xử lý mạnh tay đối với các cuộc biểu tình.
Được biết, các cuộc biểu tình nổ ra tại Sri Lanka trong hơn 1 tháng qua khi người dân đảo quốc Ấn Độ Dương yêu cầu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và các quan chức Chính phủ từ chức. Quốc đảo này đang trong cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất sau nhiều chục năm. Sự phản đối của công chúng diễn ra khi Sri Lanka phải tiến hành cắt điện luân phiên trên toàn quốc, vì không còn đủ ngân sách để mua nhiên liệu, than đá, cũng như tình trạng thiếu hụt các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác.
Chính quyền Sri Lanka đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu nhiều mặt hàng không thiết yếu nhằm tiết kiệm nguồn ngoại tệ để trả nợ. Tuy nhiên, việc này lại dẫn đến cảnh thiếu hụt nhiều hàng hóa như nhiên liệu, thuốc men..., khiến giá cả tăng cao.
Trong những thập kỷ qua, chính phủ Sri Lanka đã vay những khoản tiền khổng lồ từ các tổ chức cho vay nước ngoài và mở rộng các dịch vụ công. Trong bối cảnh các khoản vay của chính phủ tăng lên, nền kinh tế Sri Lanka lại phải hứng chịu những đợt gió mùa lớn làm ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp trong năm 2016 và 2017, tiếp theo là cuộc khủng hoảng hiến pháp vào năm 2018 và các vụ đánh bom chết người vào lễ Phục sinh vào năm 2019.
>>Xung đột tiềm ẩn trong vụ tấn công tại Sri Lanka
Chính sách giảm thuế nhằm thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng từ năm 2019 của chính quyền Sri Lanka đã giảm mạnh nguồn thu thuế, gia tăng áp lực lên ngân sách nhà nước trong bối cảnh đất nước vốn đang gồng gánh khoản nợ nước ngoài lên đến 51 tỉ USD. Đồng thời, đại dịch COVID-19 xảy ra sau đó, đã gây thiệt hại nặng cho nền kinh tế Sri Lanka khi làm điêu đứng ngành du lịch, chiếm hơn 12% tổng sản lượng kinh tế đất nước. Nợ công của Sri Lanka ước tính đã tăng từ mức 94% GDP vào năm 2019 lên thành 119% GDP vào năm 2021.
Ông Shanta Devarajan, Giáo sư nghiên cứu về phát triển quốc tế tại Đại học Georgetown và là cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới nhận định, việc cắt giảm thuế và tình hình kinh tế bất ổn ở Sri Lanka đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của nước này, khiến các cơ quan xếp hạng phải hạ xếp hạng tín nhiệm của Sri Lanka.
Hiện tại, Sri Lanka đã hỏi vay Ấn Độ và Trung Quốc các khoản tín dụng khẩn cấp để đối phó với tình trạng cạn kiệt dự trữ ngoại hối. Trước cuộc họp với Quỹ Tiền tệ quốc tế vào tháng 4 tới, chính phủ Sri Lanka cho biết sẽ thuê một công ty luật quốc tế hỗ trợ kỹ thuật về tái cơ cấu nợ nhằm đối phó khủng hoảng.
Người phát ngôn của IMF Gerry Rice cho biết: “Các nhà chức trách Sri Lanka đã bày tỏ sự quan tâm đến một chương trình tài chính do IMF hỗ trợ. Chúng tôi đã kế hoạch bắt đầu các cuộc thảo luận về vấn đề này và dự kiến Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka sẽ tới Washington vào tháng 4 tới để tiến hành đàm phán".
Tuy nhiên, ông Paikiasothy Saravanamuttu, Chuyên gia kinh tế tại Sri Lanka lo ngại sự thất vọng của người dân với chính phủ có thể leo thang. “Mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ hơn rất nhiều khi ngày càng nhiều người dân bất mãn khi không thể duy trì công việc để đảm bảo cuộc sống. Chính phủ cần nhanh chóng đưa ra biện pháp kinh tế nhanh chóng thay vì ban hành lệnh giới nghiêm", chuyên gia này cảnh báo.
Có thể bạn quan tâm