Xung đột tiềm ẩn trong vụ tấn công tại Sri Lanka

Cẩm Anh 22/04/2019 07:00

Một loạt vụ tấn công nhằm vào nhiềunhà thờ và khách sạn hạng sang tại 3 thành phố của nước này, trong đó có thủ đô Colombo, làm ít nhất 185 người thiệt mạng và hơn 600 người bị thương.

Lực lượng an ninh bảo vệ mặt trước Đền thờ Thánh Anthony tại Colombo, ngày 21-4.

Lực lượng an ninh bảo vệ mặt trước Đền thờ Thánh Anthony tại Colombo, ngày 21-4.

Dường như chính quyền Sri Lanka đã bị sốc trước hành động của một kẻ thù vô danh tấn công mà không báo trước và không thương xót. Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe đã chỉ trích mạnh mẽ các vụ tấn công hèn hạ nhằm vào người dân ngày hôm nay.

"Tôi kêu gọi tất cả người dân Sri Lanka trong thời gian bi thảm này vẫn đoàn kết và mạnh mẽ, không đưa ra các thông tin chưa được kiểm chứng. Chính phủ sẽ ngay lập tức tiến hành các biện pháp nhằm khống chế tình hình”, ông viết trên Twitter.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhiều nhà thờ ở Sri Lanka trúng bom do khủng bố?

    15:17, 21/04/2019

  • “Người đẹp ngủ” Sri Lanka đã thức dậy, hấp dẫn nhà đầu tư Việt Nam

    14:25, 01/12/2017

  • Sri Lanka mời gọi doanh nghiệp Việt đầu tư vào du lịch

    12:29, 14/01/2016

Ruwan Wijewardene, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Sri Lanka cũng cho biết, đây là vụ khủng bố và tuyên bố thủ phạm đã được xác định và sẽ nhanh chóng bị bắt giữ. Sri Lanka sẽ thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa cần thiết để giữ an toàn cho người dân. 

Vụ nổ xảy ra vào thời điểm Sri Lanka đang tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế khi đất nước này đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm xuống dưới 2% trong quý IV năm 2018. Đây cũng là mức giảm sâu nhất kể từ năm 2014.

Ngay lập tức, các nền tảng mạng xã hội như WhatsApp, Viber và Facebook đã tạm thời bị chính phủ Sri Lanka chặn để ngăn chặn việc lan truyền những tin tức sai lệch hoặc các hình ảnh, video kích động bạo lực.

Khung cảnh đổ nát bên trong địa điểm bị tấn công tại Colombo, Sri Lanka

Khung cảnh đổ nát bên trong địa điểm bị tấn công tại thủ đô Colombo, Sri Lanka

Nhiều ý kiến cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến cuộc tấn công đẫm máu tại Sri Lanka. Hiện tại có hai quan điểm xung quanh vấn đề này, đó là việc tấn công xuất phát từ tàn dư của cuộc nội chiến, và thứ hai là từ xung đột tôn giáo tại Sri Lanka nói riêng và khu vực Trung Đông, Nam Á nói chung.

Có khả năng, cuộc tấn công dữ dội này nhằm vào dịp kỷ niệm 10 năm kết thúc cuộc nội chiến kéo dài hàng thập kỷ giữa các lực lượng chính phủ và phe ly khai, nhóm Hổ Tamil ở phía bắc Sri Lanka sắp tới. 

Mặc dù cuộc nội chiến đã kết thúc, nhưng nhiều cay đắng và bất bình vẫn còn tồn tại và đối với một số người ở cả hai phe cuộc chiến vẫn còn dang dở. Một báo cáo của Liên Hợp Quốc cho rằng tiến trình thực hiện các cam kết của chính phủ sau năm 2015 đã dẫn đến tình trạng xung đột vẫn tồn tại âm thầm trọng nội bộ của Sri Lanka.

Theo đó, các lực lượng an ninh tiếp tục sử dụng vũ lực tàn bạo bao gồm cả tra tấn và rất nhiều cá nhân đã phải chịu sự lạm dụng phát sinh từ những hoạt động của Đạo luật Ngăn chặn Khủng bố chủ yếu nhằm vào nhóm người thiểu số Tamil. Cộng đồng người Tamil bị kỳ thị và cảm thấy bị tước quyền, dẫn đến việc xói mòn niềm tin giữa nhiều cộng đồng thiểu số với chính phủ Sri Lanka.

Mặt khác, việc nhắm mục tiêu đến ba nhà thờ và ba khách sạn sang trọng ở Colombo cho thấy đây có thể là sản phẩm của những kẻ có tư tưởng thù địch chống phương Tây hoặc chống chính phủ, hoặc là từ những đối tượng tôn giáo cuồng tín.

Mặc dù Sri Lanka, đất nước có số dân chủ yếu theo Phật giáo không có lịch sử xảy ra nhiều vụ tấn công tôn giáo. Tuy nhiên, mối quan hệ với các nhóm tôn giáo khác, bao gồm những người theo Ấn Độ giáo và Hồi giáo không phải lúc nào cũng duy trì bầu không khí dễ chịu.

Liên minh Hội Thánh Tin Lành Sri Lanka, đại diện cho hơn 200 nhà thờ đã báo cáo vào năm ngoái rằng họ đã xác minh 86 sự kiện phân biệt đối xử, đe dọa và bạo lực với những người dân theo Thiên Chúa giáo. 

Trong báo cáo năm 2018 về quyền con người ở Sri Lanka, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết một số người theo đạo Thiên Chúa giáo tại Sri Lanka đã phàn nàn rằng họ chịu áp lực từ chính quyền về việc phải chấm dứt hoặc cắt giảm một số hoạt động khi bị cho là tụ tập bất hợp pháp.

Từ Vatican, Giáo hoàng Francis kịch liệt lên án “bạo lực tàn bạo” trong các vụ tấn công tại Sri Lanka vào đúng dịp lễ Phục sinh và kêu gọi mọi người cùng cầu nguyện cho những người chịu ảnh hưởng của vụ việc này. Giáo hoàng mong muốn bày tỏ sự gần gũi yêu thương tới cộng đồng Công giáo cũng như tất cả nạn nhân hứng chịu các vụ nổ tại Sri Lanka.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xung đột tiềm ẩn trong vụ tấn công tại Sri Lanka
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO