Xe ô tô điện Trung Quốc (Kỳ I): Bá chủ hay sụp đổ?

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 04/05/2022 05:20

Giảm giá, giảm giá và giảm giá… là khẩu hiệu muôn thuở ở Trung Quốc. Nhiều công ty ô tô điện không chịu nổi nhiệt, đã phải phá sản.

Năm 2020, trung bình mỗi ngày Trung Quốc xuất hiện thêm 215 doanh nghiệp trong lĩnh vực xe điện

>>Tham vọng ô tô điện của Trung Quốc (Kỳ I): Phát triển thần tốc

Cách đây gần 400 năm, cuộc khủng hoảng đầu cơ (khủng hoảng thừa) đầu tiên trong hệ thống kinh tế thị trường xảy ra tại Hà Lan. Tulip - một loài hoa có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ trở thành món hàng được săn đón, đầu tư, đầu cơ không thể kiểm soát!

Mọi thứ đã vượt ra ngoài khái niệm thưởng thức cái đẹp, một ký giả thời đó viết: “Bạn bè không còn là bạn, và mọi người không còn đi tìm thứ gì ngoài chuyện chỉ quan tâm đến lợi nhuận từ buôn bán hoa”.

Tất nhiên, bản thân loài hoa mỹ miều này không có tội, đằng sau đó là âm mưu của các nhà tài phiệt “khát máu” mới xuất hiện sau khi chủ nghĩa tư bản xác lập phương thức sản xuất thống trị ở Tây Âu, lợi dụng cảm xúc thị trường để kiếm lời sau đó thoát thân, gây ra cuộc khủng hoảng trớ trêu nhất trong lịch sử kinh tế.

So với giá trị ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc bây giờ, hoa Tulip ngày đó chẳng là gì. Tuy nhiên, hậu quả thảm hại - nếu xảy ra, logic diễn tiến của cả hai đều giống nhau: Sản xuất vượt quá xa dung lượng thị trường; cung cầu chênh lệch; dòng tiền hàng nghìn tỷ USD bị chôn vùi; hàng loạt công ty mất giá nhanh chóng.

Tại Trung Quốc, bình quân mỗi ngày trong năm 2020 xuất hiện 215 doanh nghiệp liên quan đến xe điện, cổ phiếu hãng NIO tăng 1.000% sau khi gọi vốn thành công 1 tỷ USD. Ngay cả "ông trùm" bất động sản Evergrande cũng tung ra 7 mẫu xe điện mặc dù CEO Hứa Gia Ấn thừa nhận “không biết gì về xe điện”.

Trung Quốc hiện có gần 350.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xe điện. Từ Evergrande- công ty bất động sản đang ngập nợ, đến những tập đoàn kinh tế công nghệ thuần túy Internet như Huawei, Baidu, Xiaomi đều đổ xô làm xe điện.

Có quá nhiều thương hiệu, nhưng đa phần không mạnh, chúng cạnh tranh quyết liệt với nhau. Khi thiết kế, mẫu mã, chất lượng tương đồng nhau thì giá bán mới có thể tạo ra khác biệt. Giảm giá, giảm giá và giảm giá…là khẩu hiệu muôn thuở ở Trung Quốc. Nhiều công ty xe điện đã không chịu nổi nhiệt nên đã phá sản.

NIO, hãng xe điện tăng trưởng nhanh nhất Trung Quốc

NIO, hãng xe ô tô điện tăng trưởng nhanh nhất Trung Quốc

Thực tại công nghiệp xe điện Trung Quốc bị kích thích bởi nhiều yếu tố: Đầu tiên, nó phục vụ tham vọng chính trị cho Đảng cộng sản Trung Quốc, dẫn đầu xu thế kinh tế xanh, vượt trội về năng lượng mới, cắt giảm khí phát thải. Đây cũng là thứ có thể khẳng định giá trị cường quốc Trung Quốc trong tương lai.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không đến dự hội nghị quan trọng nhất lịch sử về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow hồi tháng 11 năm ngoái. Tuy vậy, mục tiêu của nước này tỏ ra quyết liệt hơn tất cả khi họ đặt mục tiêu trung hòa carbon vào khoảng năm 2060 và mức phát thải cao nhất vào khoảng năm 2030.

Nghĩa là công nghiệp sử dụng năng lượng hóa thạch tại Trung Quốc chỉ còn 8 năm để hoạt động hết công suất! Sau đó phải nhường chỗ cho công nghiệp sử dụng năng lượng mới.

Bản thân ngành xe điện Trung Quốc cũng cho thấy tham vọng lớn, họ đang nỗ lực chế tạo và sản xuất pin. Nói một cách dễ hiểu, với xu hướng kinh tế xanh, sở hữu công nghệ pin không khác gì nắm quyền điều tiết thị trường dầu mỏ trong nền kinh tế từ trước tới nay!

Tiếp đến, Trung Quốc luôn như vậy, rất mau lẹ để đón đầu thị trường tiềm năng, như những năm 2.000 “xe máy Tàu” đã giải quyết cơn khát lên đời phương tiện cho hàng trăm triệu người ở Đông Nam Á, Nam Á, đánh bại xe Nhật, Hàn nhờ giá cả vô cùng rẻ!

Tuy vậy, câu chuyện xe điện hoàn toàn khác với xe hai bánh chạy xăng. Nền kinh tế sử dụng năng lượng mới còn khá mơ hồ, vẫn là ý tưởng tốt chưa hiện thực hóa; năng lượng hóa thạch vẫn khẳng định tính thực dụng, gắn liền với địa chính trị, kinh tế.

Thế giới vẫn nín thở ngóng về Trung Đông để tìm kiếm dầu mỏ; châu Âu vô cùng văn minh, phát triển, đi trước hàng trăm năm vẫn cậy nhờ dầu mỏ, khí đốt Nga để đảm bảo an ninh kinh tế, năng lượng, trật tự xã hội. Chính Trung Quốc đã mua rất nhiều dầu thô từ Nga để dự trữ chiến lược,…

Ý tưởng nói trên của Trung Quốc không chê vào đâu được! Có điều, họ lấy đâu ra hàng trăm tỷ USD đầu tư, trong khi hàng loạt nền kinh tế chao đảo vì dịch bệnh, chiến sự Nga - Ukraine? Học thuyết nào yểm trợ phép màu kinh tế Trung Quốc - luôn táo bạo? Bởi vậy, tham vọng bá chủ xe ô tô điện toàn cầu của Trung Quốc chưa biết đến khi nào thành hiện thực...

Còn tiếp…

Có thể bạn quan tâm

  • Kinh tế Trung Quốc “ngấm đòn”

    Kinh tế Trung Quốc “ngấm đòn”

    01:00, 03/04/2022

  • Thấy gì từ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc 2021?

    Thấy gì từ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc 2021?

    07:00, 19/01/2022

  • Bất ổn kinh tế Trung Quốc (Kỳ I): Lặp lại “vết xe đổ” của Nhật Bản?

    Bất ổn kinh tế Trung Quốc (Kỳ I): Lặp lại “vết xe đổ” của Nhật Bản?

    00:00, 30/11/2021

  • Bất ổn kinh tế Trung Quốc (Kỳ II): Tác động kinh tế thế giới

    Bất ổn kinh tế Trung Quốc (Kỳ II): Tác động kinh tế thế giới

    03:04, 05/12/2021

  • Giải mã suy giảm kinh tế Trung Quốc

    Giải mã suy giảm kinh tế Trung Quốc

    06:00, 12/08/2021

  • "Xinomic" và đôi chân yếu của kinh tế Trung Quốc

    06:00, 17/08/2020

TRƯƠNG KHẮC TRÀ