Căng thẳng Nga- phương Tây tiềm ẩn nguy cơ chiến tranh lạnh?
Trong 10 tuần kể từ khi bắt đầu chiến sự Nga- Ukraine, quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây đã căng thẳng hơn bao giờ hết.
>>Tấn công "huyết mạch" của Ukraine, Nga sẽ sớm giành thắng lợi?
Chiến sự Nga- Ukraine đã đặt Mỹ và các thành viên Liên minh châu Âu (EU) vào tình trạng "báo động đỏ" về nguy cơ đối đầu quân sự với Nga. Trong khi Mỹ lên tiếng chỉ trích nhà lãnh đạo Nga và tăng cường viện trợ cho Ukraine, thì mới đây các nhà lãnh đạo EU đã gặp nhau để tung gói trừng phạt thứ 6 đối với Nga, trong đó có lệnh cấm vận nhập khẩu dầu mỏ để tăng sức ép lên Nga.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia nhận định các nhà lãnh đạo Nga có thể sẽ thay đổi mạnh mẽ tính chất cuộc chiến tại Ukraine, từ một "chiến dịch đặc biệt" để "giải phóng" khu vực miền Đông Ukraine, sang một cuộc đấu toàn diện chống lại NATO.
Tựu chung lại, những đe dọa và tuyên bố giữa Nga và phương Tây ngày càng trở nên cứng rắn trong tuần qua, làm dấy lên mối lo ngại về cuộc xung đột trực tiếp giữa hai bên.
Theo nhiều chuyên gia, về cơ bản, Nga đang ở vị thế yếu hơn so với phương Tây. Dù sở hữu kho vũ khí hạt nhân và nguồn tài nguyên dồi dào, nhưng mối đe dọa quân sự của Nga với Hoa Kỳ giảm đi đáng kể khi Nga bộc lộ những yếu kém nghiêm trọng trong cuộc chiến tại Ukraine. Trong khi đó, quy mô nền kinh tế của Nga được dự đoán là sẽ giảm từ 10 đến 15% trong năm 2022 do các lệnh trừng phạt của Phương Tây.
Về mặt ngoại giao, hiện chỉ có Belarus, Triều Tiên và Syria ủng hộ cuộc xung đột Nga-Ukraine, trong khi các quốc gia như Brazil, Ấn Độ, Mexico lựa chọn trung lập và tiếp tục làm ăn với Nga. Ngay cả mối quan hệ thân thiết giữa Nga và Trung Quốc cũng vẫn có ranh giới rõ ràng về chính trị và kinh tế. Trung Quốc khó có thể công khai vi phạm các lệnh trừng phạt hay hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Nga bởi quốc gia này vẫn cần duy trì quan hệ với các đối tác thương mại phương Tây hay Nhật Bản.
Tuy nhiên, ông Charles Kupchan - một cựu quan chức cấp cao Mỹ và hiện là học giả về quan hệ quốc tế tại Đại học Georgetown đánh giá, trái ngược với Chiến tranh Lạnh vào thế kỷ 20, Hoa Kỳ hiện là thành viên đang gặp nhiều bất ổn chính trị nhất trong khối G7. Mặc dù cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa thống nhất cần tiếp tục viện trợ cho Ukraine và trừng phạt Nga, nhưng cho rằng Mỹ nên tránh đối đầu trực tiếp với Nga.
Đáng lo ngại, chuyên gia này chỉ ra, khả năng Nga sẽ sử dụng đến chiến tranh mạng ngày càng tăng. Điều này rất nguy hiểm cho hệ thống ngân hàng, lưới điện và cơ sở hạ tầng và có khả năng sẽ trở thành tiền lệ xấu khi các quốc gia đều có thể tận dụng loại vũ khí này.
>>Nga bị cô lập, đồng minh nào sẽ cùng tham chiến ở Ukraine?
Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia cho rằng các quốc gia cần phải suy nghĩ về việc đảm bảo rằng cuộc xung đột tại Ukraine sẽ không trở thành cuộc đối đầu giữa Nga và NATO. Hiện nay, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đang bị chia rẽ và trước mắt không có giải pháp thay thế. Do đó, các nhà lãnh đạo cần tiếp tục trao đổi thẳng thắn và hạn chế tối đa những thiệt hại có thể gây ra.
Trong trường hợp đạt được một thỏa thuận chấm dứt chiến sự ở Ukraine, Nga vẫn sẽ bị ràng buộc với các lệnh trừng phạt và quan hệ thương mại với châu Âu sẽ giảm đi, thậm chí đối đầu với NATO bằng các biện pháp như thực hiện các cuộc tấn công mạng, cắt nguồn cung khí đốt cho nhiều nước châu Âu và hạn chế xuất khẩu các mặt hàng quan trọng. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế bùng nổ, các nhà lãnh đạo NATO cũng chịu áp lực to lớn để đáp trả những hành động khiêu khích. Điều này sẽ tiềm ẩn nguy cơ nổ ra chiến tranh lạnh mới.
Có thể bạn quan tâm