Nga sẽ hành động thế nào nếu Phần Lan gia nhập NATO?
Các nhà lãnh đạo Phần Lan đã chính thức xác nhận sẽ quyết định tiến trình gia nhập NATO, động thái có thể làm gia tăng căng thẳng với Nga.
>>"NATO hóa” Châu Âu, thêm phép tính sai của Putin!
Sau khi bỏ qua hàng thập kỷ trung lập và phớt lờ những lời đe dọa của Nga về việc có thể bị trả đũa khi nỗ lực tăng cường an ninh sau khi cuộc chiến ở Ukraine bùng nổ, Chính phủ Phần Lan đã tuyên bố quyết định gia nhập NATO.
Trên thực tế, Phần Lan chưa chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO. Tuyên bố ngày 15/5 của Tổng thống Sauli Niinisto và Thủ tướng Sanna Marin chỉ mang tính chính trị. Theo đó, động thái này phải được quốc hội Phần Lan phê chuẩn, thì đơn xin gia nhập mới chính thức có hiệu lực và được gửi tới Tổng thư ký NATO.
"Chúng tôi hy vọng rằng Quốc hội sẽ xác nhận quyết định xin gia nhập NATO", Thủ tướng Marin nói trong một cuộc họp báo ở Helsinki.
Việc trở thành thành viên của NATO sẽ là một quyết định lịch sử đối với Phần Lan, quốc gia có đường biên giới dài 1.300 km với Nga. Kết quả một số cuộc thăm dò gần đây cũng cho thấy, sự ủng hộ của công chúng đối với việc Phần Lan gia nhập NATO đã tăng vọt từ khoảng 30% lên gần 80%.
Quy trình để Phần Lan gia nhập khối liên minh quân sự này có thể mất nhiều tháng để hoàn thành do cần sự chấp thuận của các cơ quan lập pháp của tất cả 30 thành viên NATO. Sau đó, Phần Lan sẽ phải tham gia thủ tục đàm phán gia nhập tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ, cùng các chuyên gia của khối và đại diện các nước thành viên NATO.
Hiện nay, lãnh đạo các nước NATO khẳng định quy trình kết nạp Phần Lan cũng như Thụy Điển sẽ không tốn nhiều thời gian. Trước đó, Tổng thư ký NATO Stoltenberg khẳng định Phần Lan, cũng như Thụy Điển, đã có quá trình hợp tác lâu dài cùng NATO. Cấu trúc an ninh, quân sự của hai nước đáp ứng các yêu cầu của NATO, bởi vậy quy trình gia nhập có thể được đẩy nhanh.
>>Nga cảnh báo xung đột với NATO leo thang
Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại, quá trình Phần Lan gia nhập NATO sẽ đẩy căng thẳng tại châu Âu lên một nấc thang mới khi có nguy cơ kích động sự "giận dữ" của Nga. Trong cuộc điện đàm gần đây với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo, việc gia nhập NATO sẽ gây tổn hại cho quan hệ song phương.
Nga có chung đường biên giới trên đất liền với 14 quốc gia, trong đó có 5 nước là thành viên NATO: Latvia, Estonia, Litva, Ba Lan và Na Uy. Nếu Phần Lan chính thức gia nhập NATO, điều này sẽ mở rộng diện tích của NATO dẫn đầu đến gần lãnh thổ Nga.
Trước khi chiến sự tại Ukraine diễn ra, Tổng thống Putin cho rằng NATO đã tiến quá gần Nga và nên rút lui về biên giới của những năm 1990, trước khi một số quốc gia láng giềng của Nga hoặc là các quốc gia thuộc Liên Xô cũ tham gia liên minh quân sự này.
Ông Vladimir Chizhov, Đại sứ Nga tại Liên minh Châu Âu trong cuộc trao đổi với Sky News đã cho biết rằng nếu Phần Lan gia nhập khối, "điều này sẽ đòi hỏi một số biện pháp nhất định của Nga như cải thiện hoặc nâng cao khả năng quân sự dọc theo khu vực biên giới với Phần Lan".
Thứ trưởng Nga Alexander Glushko cho rằng, những động thái của Phần Lan và Thụy Điển để gia nhập NATO sẽ dẫn đến những phản ứng của Nga nhưng hiện còn quá sớm để nói về các biện pháp, trong đó có việc tổ chức lại các vũ khí hạt nhân gần hai quốc gia này.
Mặc dù vậy, Giám đốc Bắc Âu của Hội đồng Đại Tây Dương Anna Weislander nhận định, Phần Lan, thậm chí cả Thụy Điển, đã chuẩn bị tốt để đối phó với các mối đe dọa chính trị và quân sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
“Tư cách thành viên NATO sẽ củng cố an ninh của Phần Lan và Thụy Điển. Các lực lượng vũ trang của cả hai nước cũng có khả năng tương thích cao với các quốc gia thành viên NATO", bà nói thêm.
Có thể bạn quan tâm