Nga - phương Tây "mờ mịt" con đường đàm phán
Nga cho biết, quốc gia này sẵn sàng đối thoại với phương Tây sau khi hoàn thành chiến dịch tại Ukraine. Tuy nhiên, viễn cảnh đó ngày càng xa.
>>Các lệnh trừng phạt của phương Tây ảnh hưởng thế nào đến kinh tế Nga?
Cụ thể, trong cuộc phỏng vấn với giới truyền thông, Chủ tịch Thượng viện Nga tuyên bố, Moscow để ngỏ cánh cửa khôi phục đối thoại với phương Tây nhằm đạt mục tiêu an ninh “bình đẳng” ở châu Âu, nhưng phải trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau.
"Tôi nghĩ có cơ hội để nối lại đối thoại một khi chúng tôi hoàn thành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, và tôi không nghi ngờ một chút nào rằng chiến dịch này sẽ thành công mỹ mãn", Chủ tịch Hội đồng liên bang Nga Matviyenko cho biết.
Nói về vấn đề Thụy Điển và Phần Lan xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bà Matviyenko khẳng định an ninh của Nga vẫn sẽ được đảm bảo trong bối cảnh liên minh quân sự này mở rộng.
Chủ tịch Hội đồng liên bang Nga Matviyenko nói Nga sẽ đưa ra phản ứng quân sự phù hợp với việc Stockholm và Helsinki xin vào NATO, cũng như sự hiện diện của liên minh quân sự này trên lãnh thổ của hai quốc gia Bắc Âu này.
Bên cạnh đó, Moscow tuyên bố sẽ phản ứng tích cực ngay khi Ukraine muốn quay lại đàm phán hòa bình. Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Andrey Rudenko: "Quá trình đàm phán không bị chúng tôi làm gián đoạn. Nó bị ngưng trệ do các đối tác phía Ukraine. Ngay khi họ bày tỏ thiện chí quay lại bàn đàm phán, chúng tôi sẽ phản hồi tích cực".
Trước đó, quan chức hai bên đều xác nhận tiến trình đàm phán hòa bình bị đóng băng sau cuộc đàm phán trực tiếp diễn ra hồi cuối tháng 3 tại Istanbul,Thổ Nhĩ Kỳ. Quan chức hai nước sau đó cho biết vẫn có những cuộc đàm phán trực tuyến nhưng không đạt được kết quả khả quan.
>>NATO như "hổ thêm cánh", Nga sẽ đối phó thế nào?
Giới quan sát nhận định, điều cần nhất lúc này là Nga và Ukraine cần nhanh chóng đạt được một thỏa thuận hòa bình. Tuy nhiên, với giao tranh tiếp tục gia tăng, cùng việc Phần Lan và Thụy Điển chính thức nộp đơn gia nhập NATO, triển vọng đàm phán giữa các bên đang ngày một trở nên mờ mịt hơn bao giờ hết.
Chuyên gia Jeffrey Sachs đánh giá, mối quan hệ của Nga và phương Tây đã rạn nứt nghiêm trọng sau khi các lệnh trừng phạt từ Mỹ và các nước phương Tây làm tổn thương nền kinh tế Nga. Cùng với việc Washington và đồng minh tiếp tục viện trợ vũ khí quân sự cho Ukraine, rất khó để hai bên tìm tiếng nói chung và đi đến một thỏa thuận hài lòng tất cả.
Trước đó, dù thể hiện thiện chí đối thoại nhưng Nga và phương Tây cũng không quên đặt ra các lằn ranh đỏ nguy hiểm cho thấy hai bên đều có rào cản khó có thể vượt qua.
Chuyên gia này cũng chỉ ra, đến thời điểm này, nội bộ phương Tây đã có phản ứng đoàn kết hiếm thấy trước Nga. Do đó, nếu phương Tây tiến tới đàm phán với Nga, điều này cần phải có sự đồng thuận của Mỹ và các nước đồng minh.
Mặc dù vậy, vẫn có một số ý kiến cho rằng, có khả năng phương Tây sẽ chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán khi nền kinh tế Nga vẫn chống chọi được với sức ép từ các lệnh trừng phạt. Trong khi đó, châu Âu vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về việc cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga.
Mặt khác, Nga cũng gặp khó khăn trong tiếp cận hàng hóa, công nghệ cần thiết để duy trì những ngành kinh tế then chốt. Nếu phương Tây tiếp tục tung các đòn trừng phạt mới, Moscow cũng có thể nhượng bộ.
Được tình hình chiến sự hiện nay ở Ukraine vẫn diễn biến phức tạp. Sau khi chiếm được Mariupol, Nga đang tiếp tục dồn lực để tiến tới đạt mục tiêu trong chiến sự Donbass. Tuy nhiên, càng tiến vào sâu, quân đội Nga sẽ càng gặp nhiều khó khăn, thách thức do sự kháng cự quyết liệt của Ukraine.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao Putin rơi vào thế bị động ở Ukraine?
18:36, 19/05/2022
Nga lấy gì để nuôi chiến sự Ukraine kéo dài?
06:10, 14/05/2022
Thay đổi chiến lược, Ukraine sẽ sớm đẩy lùi lực lượng Nga?
05:14, 14/05/2022
Các lệnh trừng phạt của phương Tây ảnh hưởng thế nào đến kinh tế Nga?
04:15, 09/05/2022
Căng thẳng Nga- phương Tây tiềm ẩn nguy cơ chiến tranh lạnh?
04:20, 08/05/2022