Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ "ngáng đường" Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO?
Khi Phần Lan và Thụy Điển bắt đầu tiến trình gia nhập NATO, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành rào cản đầu tiên.
>>Nga sẽ hành động thế nào nếu Phần Lan gia nhập NATO?
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan luôn thể hiện quan điểm phản đối việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập Liên minh quân sự NATO. Theo ông, các phái đoàn của Thụy Điển và Phần Lan không cần tới Ankara để thuyết phục nước này chấp thuận nỗ lực gia nhập NATO.
Ông Erdogan cáo buộc hai quốc gia này "chứa chấp" những người mà Ankara cho rằng có liên quan tới các tổ chức bị liệt vào danh sách khủng bố, như đảng Công nhân người Kurd (PKK) hay những người theo Giáo sỹ Fethullah Gulen - nhân vật mà Ankara cáo buộc đứng sau âm mưu đảo chính hồi năm 2016.
Các chuyên gia nhận định, việc Ankara chỉ ra sự ủng hộ của Thụy Điển đối với PKK nhằm giành lại ảnh hưởng trong liên minh quân sự.
Cuộc đối đầu giữa đảng Công nhân người Kurd và quân đội nước này đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ bất bình từ lâu đối với các quốc gia phương Tây và các đồng minh NATO. Ankara cho rằng, họ không nhận được đủ sự hỗ trợ cần thiết từ NATO trong cuộc chiến chống lại các tay súng người Kurd. Bên cạnh đó, nước này cũng cho rằng Thụy Điển chứa chấp các đối thủ của mình và hỗ trợ các tay súng người Kurd ở miền bắc Syria.
Trên thực tế, Élise Massicard, chuyên gia xã hội học chính trị Thổ Nhĩ Kỳ và là nhà nghiên cứu tại Sciences Po (Pháp) đánh giá, Thổ Nhĩ Kỳ có mọi quyền để ngăn chặn việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Theo Điều 10 của Hiệp ước thành lập khối, hai quốc gia này phải thuyết phục tất cả 30 thành viên của tổ chức để nhất trí thông qua đơn xin gia nhập NATO.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập liên minh ba năm sau khi khối này được thành lập vào năm 1949 và sở hữu quân đội lớn thứ hai của khối. Do đó, quyền phủ quyết của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO có thể được sử dụng như một đòn bẩy không chỉ chống lại các thành viên tương lai mà còn nhằm tới những thành viên hiện tại của khối.
>>Nga cảnh báo xung đột với NATO leo thang
Washington đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, sau thương vụ mua hệ thống chống tên lửa S400 của Nga. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị loại khỏi chương trình tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ.
“Ankara có thể không chỉ nhắm tới Thụy Điển và Phần Lan,” Asli Aydintasbas, chuyên gia chính sách cấp cao tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu nhận định. "Tổng thống Erdogan đang coi đây là cơ hội để bày tỏ sự bất bình của mình về các thành viên NATO hiện tại, đặc biệt là với chính quyền Mỹ".
Mặt khác, chuyên gia này cũng cho rằng, thái độ cứng rắn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có thể mang lại lợi ích cho các cuộc thăm dò trước thềm bầu cử vào năm tới. Tình trạng hiện tại của nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang hứng chịu lạm phát cao kỷ lục và đồng tiền đã mất gần một nửa giá trị trong năm 2021 sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ ủng hộ của cử tri với ông Erdogan.
Thổ Nhĩ Kỳ đang có những lo ngại về an ninh mà ngay cả Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nói phải được giải quyết. Mặc dù vậy, điều này cũng mang đến những rắc rối khi sự đoàn kết của liên minh đang cần được đặt lên hàng đầu vào thời điểm này.
Có thể bạn quan tâm
Nga sẽ hành động thế nào nếu Phần Lan gia nhập NATO?
04:38, 16/05/2022
Gian nan con đường gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển
01:09, 15/04/2022
NATO như "hổ thêm cánh", Nga sẽ đối phó thế nào?
05:12, 17/05/2022
Nga cảnh báo xung đột với NATO leo thang
04:20, 13/05/2022
"NATO hóa” Châu Âu, thêm phép tính sai của Putin!
05:30, 02/05/2022