Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ lại muốn "đốt nóng" khu vực Bắc Syria?
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm phát động chiến dịch quân sự mới ở Syria nhằm tạo vành đai an toàn ở khu vực do người Kurd kiểm soát.
>>Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ "ngáng đường" Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO?
Theo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, chiến dịch quân sự mới sẽ được tiến hành nhằm kết nối hai khu vực mà Thổ Nhĩ Kỳ đã kiểm soát trên lãnh thổ Syria để tạo "vành đai an toàn" dọc biên giới. "Chúng tôi sẽ sớm thực hiện các bước đi mới nhằm hoàn thành dự án còn dang dở trong nỗ lực tạo vành đai an toàn rộng 30 km dọc biên giới phía Nam", ông Erdogan cho biết.
Tổng thống Erdogan không cung cấp thêm thông tin chi tiết, nhưng cho biết chiến dịch quân sự mới sẽ bắt đầu sau khi quân đội, tình báo và an ninh Thổ Nhĩ Kỳ hoàn tất công tác chuẩn bị.
Ngay sau đó, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), với nòng cốt là dân quân người Kurd (YPG), một nhánh của đảng Công nhân người Kurd (PKK) cho biết sẽ không có "thay đổi chiến lược" nào ở phía Bắc Syria và cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng "phá hoại sự ổn định" trong khu vực.
Trong quá khứ, xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và PKK về quyền tự trị lớn hơn cho người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng và dẫn tới việc người Kurd thiết lập một mạng lưới liên kết ở Iraq, Syria và một số nơi khác.
>>Đức khó "chìa tay" cứu trợ Thổ Nhĩ Kỳ
Các cuộc đối đầu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và PKK thường được Ankara tuyên bố là chiến dịch chống khủng bố, theo đó, việc loại bỏ sự hiện diện của PKK dọc theo biên giới phía Nam là điều bắt buộc phải làm đối với an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, các nhóm nhân quyền đã chỉ trích các hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria. Vào năm 2020, Liên Hợp Quốc đã thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ điều tra "các tội ác chiến tranh có thể xảy ra" do các nhóm vũ trang gây ra trong các khu vực do nước này kiểm soát.
Theo các chuyên gia quốc tế, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong 2 thập kỷ qua cũng như làn sóng phản đối người tị nạn gia tăng trong nước, Tổng thống Erdogan được cho là đang tìm cách tận dụng cuộc xung đột với các phong trào vũ trang người Kurd để cải thiện vị thế của ông trong nước, tìm cách đảm bảo các nguồn đầu tư, ngoại tệ và các dự án năng lượng mới để giúp ông tái đắc cử.
Mặt khác, việc Ankara tiến hành các hoạt động quân sự tại Syria được cho là sẽ làm gián đoạn các cuộc đàm phán gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan. Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần cáo buộc hai nước Bắc Âu ủng hộ PKK và dân quân người Kurd và các quan chức cấp cao Thụy Điển duy trì liên lạc với người Kurd, đồng thời cho biết YPG đã sử dụng vũ khí chống tăng AT-4 do Thụy Điển sản xuất trong các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria.
Ông Matthew Bryza, chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định Thổ Nhĩ Kỳ không tìm mọi cách ngăn cản nỗ lực gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển, mà chỉ đang tìm kiếm sự nhượng bộ từ hai nước này và các đồng minh phương Tây. Theo chuyên gia này, Ankara coi đây là "cơ hội vàng" để các đồng minh chú ý tới những lo ngại của họ.
Trước nguy cơ gia tăng căng thẳng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết bất kỳ cuộc tấn công mới nào ở miền bắc Syria sẽ tiếp tục phá hoại sự ổn định của khu vực và gây nguy cơ cho chiến dịch chống lại nhóm ISIL (ISIS). Ông cũng kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ tuân theo Tuyên bố chung tháng 10/2019, trong đó có ngừng tiến công ở Đông Bắc Syria.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ "ngáng đường" Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO?
05:00, 22/05/2022
Ẩn họa từ sự sụp đổ thị trường tiền kỹ thuật số Thổ Nhĩ Kỳ
16:15, 28/04/2021
Thổ Nhĩ Kỳ có "gượng dậy" sau cuộc khủng hoảng tiền tệ?
11:01, 17/08/2018
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn “bí” lối thoát khủng hoảng tiền tệ
17:00, 16/08/2018