Mỹ chật vật tìm cách chặn nguồn doanh thu dầu mỏ của Nga
Mỹ đang tìm cách hạn chế doanh thu của dầu mỏ Nga khi các biện pháp trừng phạt của châu Âu hầu như không có nhiều tác động.
>>“Cú sốc” cấm vận dầu mỏ Nga
Trong chuyến thăm đến Canada, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết nước này đang thảo luận với các nước đồng minh về cách thức giới hạn mức giá dầu thô của Nga.
Cụ thể, Bộ trưởng Janet Yellen cho biết: "Chúng tôi đang tiếp tục có những cuộc thảo luận hiệu quả với các đối tác và đồng minh trên thế giới về cách hạn chế hơn nữa doanh thu từ năng lượng của Nga, đồng thời ngăn chặn các ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu".
Có khả năng, một lệnh giới hạn hoặc một ngoại lệ về giá dầu có thể được Mỹ tung ra để có thể tăng cường các lệnh hạn chế về năng lượng như đề xuất… nhằm hạn chế doanh thu của nước này trong khi vẫn cho phép nhiều nguồn cung dầu hơn tiếp cận được với thị trường toàn cầu.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ cũng cho biết thêm, mức giới hạn về giá này sẽ ngăn chặn các tác động tiêu cực đối với các nước đang phát triển và thu nhập thấp vốn đang vật lộn với chi phí thực phẩm và năng lượng tăng cao.
Hiện nay, Mỹ đã cấm nhập dầu Nga, đồng thời dừng bán các công nghệ quan trọng và hy vọng thị trường sẽ điều chỉnh sau khi ngành công nghiệp năng lượng tại Nga suy yếu. Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã công bố kế hoạch giảm dần nhập khẩu dầu mỏ từ Nga. Tuy nhiên, bất chấp các lệnh trừng phạt, Nga đã tìm được các khách hàng mới từ châu Á, như Trung Quốc, Đài Loan... để thay thế khách mua truyền thống ở châu Âu.
>>Châu Âu nếm "trái đắng" khi cấm vận dầu mỏ của Nga
Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, đang đẩy mạnh nhập năng lượng với giá rẻ từ Nga cũng như chỉ trích các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga. Trung Quốc và Ấn Độ mỗi ngày nhập khẩu khoảng 938.700 thùng dầu giá rẻ từ Nga trong tháng 5. Hồi tháng 1/2022, hai quốc gia này nhập 170.800 thùng dầu thô Nga mỗi ngày.
Các chuyên gia dự đoán, Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn khi áp đặt mức giới hạn giá dầu khi Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ (một thành viên của NATO) vẫn tăng cường nhập khẩu dầu của Nga. Hàn Quốc, đồng mình của Mỹ tại châu Á cũng đang là khách hàng của Moscow dù đã bắt đầu cắt giảm lượng dầu nhập khẩu từ Nga.
Theo Richard Nephew, chuyên gia tại Đại học Columbia, cựu quan chức cấp cao dưới thời Tổng thống Obama và Biden đánh giá, biện pháp của bà Yellen khó có thể đạt được khi khả năng đạt được sự đồng thuận không cao.
"Các nước đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc hoặc Ấn Độ, hoặc thậm chí là châu Âu sẽ khó tìm được nguồn cung dầu mỏ mới thay thế cho Nga. Trong khi đó, những người mua dầu của Nga ở châu Á và Trung Đông có thể tìm cách được mua dầu với giá thấp tương tự", ông nhận định.
Mới đây, lệnh cấm bảo hiểm từ EU đối với các tàu chở nhiên liệu của Nga đang được kỳ vọng sẽ khiến Nga khó chuyển hàng trăm nghìn thùng dầu mỗi ngày sang những khách hàng khác ở Ấn Độ và Trung Quốc.
Các công ty của khối sẽ không được phép "cung cấp dịch vụ bảo hiểm và hỗ trợ tài chính cho hoạt động vận chuyển" dầu Nga sang bên thứ ba. "Điều này sẽ gây khó khăn rất lớn cho Nga nếu họ muốn tiếp tục xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ khác tới phần còn lại của thế giới, vì các công ty EU là bên quan trọng cung cấp dịch vụ bảo hiểm và tài chính như vậy", thông báo từ Ủy ban châu Âu (EC) nêu rõ.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, bất chấp các biện pháp ngăn chặn, giá năng lượng toàn cầu sẽ ngày một tăng cao hơn nữa. Điều này đồng nghĩa với việc người dân tại châu Âu và Mỹ sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề do giá năng lượng tăng mạnh.
Có thể bạn quan tâm